Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

07:11, 02/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 2-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 2-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai) bày tỏ tán thành với nội dung dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); đánh giá rất cao tinh thần cầu thị của Ban soạn thảo đã tiếp thu giải trình nhiều ý kiến của ĐBQH.

Về việc kéo dài thời gian phiên họp để đảm bảo tất cả các ĐBQH đều được phát biểu, đại biểu Lê Hoàng Hải cho biết, bên cạnh việc phát biểu trực tiếp tại hội trường còn một kênh góp ý khác, mà các ĐBQH còn ít sử dụng, đó là gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp. Phương pháp này đã được quy định rõ trong nội quy kỳ họp hiện hành, ý kiến bằng văn bản của các ĐBQH cũng có tầm quan trọng tương đương và cũng được nghiên cứu để tiếp thu, giải trình như ý kiến phát biểu tại hội trường.

Đại biểu cho rằng, đây là giải pháp tốt, không cần kéo dài thời gian kỳ họp, đồng thời đề nghị Tổng thư ký Quốc hội quy định trình tự, thủ tục để xác nhận ý kiến bằng văn bản của ĐBQH và thủ tục để ĐBQH gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp.

* Sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tham gia Tổ 14, các ĐBQH tỉnh Đồng Nai gồm: Nguyễn Phú Cường, Trịnh Xuân An, Lê Hoàng Hải, Nguyễn Thị Như Ý, Đỗ Huy Khánh đã thảo luận, góp ý cho 2 dự án luật nêu trên.

Cho ý kiến đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị ban soạn thảo xem xét lại tính hợp lý của quy định tại Điều 44 về hợp đồng bán hàng tận cửa: “Hoạt động bán hàng tận cửa phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng một bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Đại biểu Nguyễn Phú Cường lý giải, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng mua hàng online trên các sàn giao dịch điện tử rất nhiều vì rất thuận tiện, trong khi dự thảo luật quay trở lại bắt người tiêu dùng làm hợp đồng, điều này là không phù hợp với tình hình thực tế.

Đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm lâu nay việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù đã có luật nhưng có những hành vi vi phạm vẫn diễn ra liên tục, thậm chí có cả sự làm ngơ của cơ quan quản lý. Do đó, đại biểu An cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi lần này cần tính toán xử lý được cả các hành vi vi phạm mang tính chất rõ rệt...

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều