Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP

Bình Nguyên
20:15, 29/08/2023

(ĐN) - Chiều 29-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn tỉnh” với sự tham gia của các sở, ngành cùng các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại trong và ngoài tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan gian hàng thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo an toàn tại hội nghị
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan gian hàng thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo an toàn tại hội nghị

Nhiều năm qua, Đồng Nai đã tập trung hỗ trợ cho sản xuất GAP. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2,7 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng hơn 700ha so năm 2022. Các địa phương đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với gần 1,5 ngàn ha cây trồng. Về chăn nuôi có 125 trang trại, 7 tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP với tổng sản lượng trên 124,6 ngàn tấn và gần 283 ngàn trái trứng. Về thủy sản có 14 vùng nuôi được chứng nhận VietGAP tương ứng với sản lượng gần 15,3 ngàn tấn.

Về kết nối tiêu thụ sản phẩm GAP tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực như: hỗ trợ đưa hộ sản xuất mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu được chứng nhận GAP lên sàn thương mại điện tử; tăng cường quảng bá các sản phẩm được chứng nhận GAP qua các kênh thông tin, hội chợ, triễn lãm, hội nghị, kết nối cung cầu; kết nối với các chợ đầu mối, các tổ chức kinh doanh, các tổ chức giao dịch nông sản…

Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn
Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, tỉnh đã triển khai chương trình GAP hiệu quả, thể hiện rõ tính tiên phong của nông dân, HTX, doanh nghiệp trong điều kiện tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Qua đó, giúp sản phẩm đạt chất lượng an toàn đi vào thị trường, phục vụ cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu cao cho chương trình là đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận GAP đạt 25%. Để đạt mục tiêu trên cần sự triển khai đồng bộ với sự tham gia tích cực của cơ quan chức năng, doanh nghiệp, HTX, nông dân. Trong đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, truyền thông cho sản phẩm an toàn cần được đẩy mạnh.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều