Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tài sản chung

Đoàn Phú
08:25, 11/10/2023

Trước hoặc khi ly hôn, vợ chồng có quyền phân chia tài sản chung. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cho phép việc phân chia tài sản chung của vợ chồng căn cứ vào công sức đóng góp, tạo lập của vợ/chồng. Tuy vậy, việc phân chia tài sản chung là nhà đất hiện gặp một số vấn đề bất cập, vướng mắc.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tuyên truyền đến người dân về chế định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong hôn nhân tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tuyên truyền đến người dân về chế định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong hôn nhân tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

* Thỏa thuận không tuân thủ hình thức

Trong quá trình chung sống, vợ chồng bà T.T.L. - ông H.Q. (cùng ngụ xã Núi Tượng, H.Tân Phú) có tạo lập được 1,2ha đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đứng tên cả hai vào năm 2010. Đầu năm 2022, vợ chồng bà L. lập hợp đồng thỏa thuận phân chia (không có công chứng, chứng thực) mỗi người ½ diện tích đất làm tài sản riêng và ông Q. hỗ trợ cho bà L. 100 triệu đồng để bà chi tiêu khi cần.

Đầu năm 2023, ông Q. muốn chuyển nhượng phần diện tích đất sau khi được phân chia cho người khác thì bị bà L. phản đối, ngăn cản. Bà L. cho rằng, việc phân chia đất giữa họ trước đây bị vô hiệu do vi phạm hình thức, tức hợp đồng không tuân thủ Khoản 2, Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015; Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 (không được công chứng, đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền).

Trong khi đó, ông Q. viện dẫn, mặc dù vợ chồng ông làm hợp đồng phân chia tài sản chung là đất đai không tuân thủ về hình thức nhưng thực tế, ngoài việc sử dụng ½ diện tích đất theo thỏa thuận, ông còn giao cho bà L. 80/100 triệu đồng theo cam kết. Căn cứ vào Khoản 2, Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ông đã thực hiện xong ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong văn bản thỏa thuận phân chia nên ông được quyền yêu cầu tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng phân chia tài sản, rồi tiến hành các thủ tục như đăng ký biến động, tách sổ và chuyển nhượng.

Vấn đề này, theo luật sư Lê Đình Lý (Đoàn Luật sư Đồng Nai), đối với tài sản là bất động sản, ngay cả khi một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong văn bản thỏa thuận phân chia thì vẫn bắt buộc phải lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013. Lúc đó, việc thỏa thuận phân chia QSDĐ của vợ chồng sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. 

* Chia tài sản chung theo công sức đóng góp

Việc vợ chồng có tài sản chung mà nguồn gốc tài sản này được cha mẹ bên vợ/chồng tặng cho, được vợ/chồng đưa tài sản riêng vào khối tài sản chung hoặc tạo lập từ thu nhập của một người, còn người kia ở nhà nội trợ… khi phân chia cũng gặp một số vướng mắc, vì bên nào cũng đòi phần hơn thuộc về mình.

“Để khắc phục sự không thống nhất trong việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng khi chia tài sản chung, cần sớm có quy định cụ thể hoặc các tiêu chí định lượng rõ, dự liệu các trường hợp có thể xảy ra để việc xác định phần trăm cụ thể công sức đóng góp của vợ chồng” - luật sư TRẦN VĂN GIÁP (Đoàn Luật sư Đồng Nai) đề xuất.

Chẳng hạn như trường hợp của vợ chồng bà H.K. - ông B.B.M. (ngụ TP.Long Khánh) tranh chấp nhau về tỷ lệ phân chia nhà và đất hiện là tài sản chung của vợ chồng. Bà H.K. trình bày, khi lập gia đình với ông M., vợ chồng bà được cha mẹ ruột của bà tặng cho nhà đất trên để ở và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở vào năm 2015 mang tên vợ chồng bà. Do tài sản này có nguồn gốc từ cha mẹ ruột của bà tặng cho nên khi ly hôn bà phải được 70% giá trị tài sản, chứ không phải chia đôi mỗi người 50% giá trị căn nhà và đất.

Vấn đề của bà H.K., luật sư Trần Văn Giáp (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, việc bà H.K. yêu cầu phân chia tỷ lệ cụ thể như vậy căn cứ vào Khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điểm b, Khoản 4, Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6-1-2016 của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Luật sư Giáp phân tích, theo Khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Đồng thời, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

“Do việc xác định công sức đóng góp mà luật và thông tư liên tịch hướng dẫn còn mang tính chất định tính, chưa có một định lượng theo tỷ lệ phần trăm các bên được hưởng một cách rõ ràng, cụ thể dẫn tới chuyện vợ hoặc chồng đòi chia 60%, 65% hay 70% trong khối tài sản chung khi ly hôn đều do hội đồng xét xử quyết định. Chính điều này, các đương sự thường kháng cáo để yêu cầu cấp phúc thẩm chia lại” - luật sư Giáp dẫn chứng.

Đoàn Phú

 

Tin xem nhiều