Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ khoa học - KTS Ngô Viết Nam Sơn::
Cần có tầm nhìn đột phá trong quy hoạch để Đồng Nai phát triển bền vững

Vương Thế
09:20, 24/06/2023
Tiến sĩ khoa học - KTS Ngô Viết Nam Sơn

Đồng Nai đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh vừa tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp những vấn đề thiết thực cho định hướng phát triển địa phương trong tương lai. Tham gia đóng góp ý kiến cho Đồng Nai, tiến sĩ khoa học - KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, nhà quy hoạch quốc tế đã gợi mở một số vấn đề địa phương cần lưu ý.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, đây là thời điểm đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định cho sự phát triển của Đồng Nai trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau. Do đó, quy hoạch phải có tư duy, tầm nhìn đột phá.

Thời điểm bước ngoặt để Đồng Nai tăng tốc phát triển

 Ông đánh giá thế nào về các nhiệm vụ trong quy hoạch của Đồng Nai cho đến thời điểm hiện nay?

- Cho đến nay, tỉnh đã có được bước tiến khá dài, tích hợp được các quy hoạch lớn nhỏ, lắng nghe các ý kiến phản biện, góp ý để có một quy hoạch chung cho thống nhất cho phát triển tương lai.

Tôi cho rằng, Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển rất lớn nhưng cũng còn nhiều thử thách. Chúng ta phải vượt qua được những thử thách này làm cơ hội cho địa phương phát triển mạnh trong hàng chục năm tới. Làm tốt quy hoạch, chúng ta sẽ có thể tránh được những thiếu sót, nhất là việc ảnh hưởng đến môi trường cho cả giai đoạn dài về sau.

 Tiềm năng đã có, nhưng thưa ông nếu để thực sự cất cánh, thay đổi, quy doạch tỉnh cần chú trọng điều gì?

Tiến sĩ khoa học, KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Ngô Viết (TP.HCM). Ông có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ.

Do đó, trong quy hoạch, tỉnh cần những quyết định mang tính đột phá. Đột phá phải là những ý tưởng chưa hề có từ trước đến nay cho Đồng Nai nhưng phải mang tính thuyết phục về khoa học và có tính đến những cơ hội mới để phát triển. Những đột phá này không chỉ nhìn trong ranh giới của Đồng Nai mà phải nhìn ở tầm nhìn vùng. Những vấn đề này liên quan đến tầm nhìn lãnh đạo ở cấp cao nhất của địa phương.

Chúng tôi mong muốn rằng các lãnh đạo chủ chốt lưu ý đến những ý kiến đóng góp của các chuyên gia để có thể gợi mở những hướng đi, đề xuất chiến lược đúng đắn, kịch bản mang tính hiệu quả về kinh tế - xã hội cao.

 Theo ông, đâu sẽ là những vấn đề trọng tâm?

- Hiện trạng của Đồng Nai là các khu công nghiệp đang trải dài, phân tán ra toàn tỉnh. Đây cũng sẽ tạo ra những vấn đề cần giải quyết trong tương lai của địa phương. Tôi nghĩ rằng nên tập trung công nghiệp lại thành cụm lớn, gắn kết với logistics đa phương tiện, tăng hiệu quả của sản xuất và kinh tế nói chung.

Việc kết nối tuyến metro số 1 từ TP.HCM đến Biên Hòa và xuống Long Thành sẽ là đề xuất rất quan trọng, mở ra cơ hội cho chúng ta phát triển tương lai và mang lại hiệu quả cao cho vấn đề khai thác tuyến metro.

Đồng Nai có lợi thế ven sông có thể phát triển ven sông nhưng thời gian qua vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Ảnh: V.THẾ
Đồng Nai có lợi thế ven sông có thể phát triển ven sông nhưng thời gian qua vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Ảnh: V.THẾ

Phát triển sân bay Long Thành cần có những tư duy phản biện để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất, quy hoạch từng bước sân bay và đô thị sân bay trong tương lai. Đây là mô hình chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên cách tư duy, cách làm đa ngành hoàn toàn khác. Hy vọng là Đồng Nai sẽ đi đầu cả nước trong vấn đề này.

Không gian còn lại về phía đông, bao gồm: hồ Trị An và dọc theo sông Đồng Nai kéo dài từ cửa biển lên rừng. Đây là cụm không gian xanh rất quý giá, có thể là vừa phát triển nông lâm nghiệp gắn du lịch, trở thành điểm đến quan trọng, hấp dẫn. Từ đây có thể dễ dàng đi TP.HCM hay các điểm đến, trung tâm du lịch khác như Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết...

Với 4 vấn đề này, nếu thực hiện tốt, tôi cho rằng sẽ góp phần giúp kinh tế Đồng Nai tăng trưởng mạnh, bền vững.

Cần sự đồng hành của nhiều cấp

 Như ông đã nói Đồng Nai sẽ đóng vai trò lớn đối với kết nối vùng và giao thương quốc tế của Việt Nam. Vậy thì trong quá trình phát triển, chắc chắn Đồng Nai cần có sự đồng hành từ cả nước?

 - Tôi nghĩ rằng, ở đây cần một sự phối hợp từ nhiều cấp, ở Trung ương xác định Long Thành là điểm đến quốc tế, vùng đô thị với những địa phương có sự phát triển kinh tế cao, dân số đông, đặc biệt là TP.HCM. Do đó, cần có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm từ Trung ương qua các dự án hạ tầng khác nhau.

Về phía địa phương, các quy hoạch của Đồng Nai và định hướng phát triển của từng khu vực nội tỉnh phải phối hợp để làm sao biến vùng xung quanh Long Thành trở thành động lực phát triển. Phối hợp tốt sẽ tạo thành những khu vực phát triển mạnh mẽ, sầm uất, tạo công ăn việc làm, nhân lực chất lượng cao, phát triển hài hòa cân đối với thiên nhiên.

 Trong vấn đề quy hoạch đô thị nói chung, theo ông phải đảm bảo được các yếu tố nào?

Ông Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành quy hoạch và kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng tiến sĩ tại Đại học Washington và thạc sĩ tại Đại học California ở Berkeley.

Đô thị là biểu trưng cho sự phát triển nên điều tất yếu là nó phải thúc đẩy được kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển đô thị là làm cho người dân giàu có hơn, công ăn việc làm thuận lợi hơn, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần tốt hơn.

Phát triển đô thị hiện nay cũng là để nhằm đáp ứng được các nhu cầu, khai thác các tiềm năng phát triển, tận dụng được các tiến bộ của thế kỷ XXI, là thế kỷ của toàn cầu hóa, thông tin số hóa và công nghệ cao. Khai thác tốt các tiện ích mà đô thị mang lại cuối cùng là để phục vụ lợi ích của người dân.

 Với vai trò là nhà chuyên gia, tư vấn ông có sẵn sàng khi được Đồng Nai cần hỗ trợ?

- Như đã khẳng định, tôi có tình cảm rất đặc biệt với Đồng Nai, trong mọi tình huống, tôi rất sẵn lòng đóng góp những hiểu biết của mình phục vụ vào sự phát triển chung của địa phương.

 Xin cảm ơn ông!

 Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều