Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vẫn gặp khó vì thiếu đơn hàng

08:04, 05/04/2023

Đã bắt đầu vào quý II-2023, nhưng đa số các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đều thiếu hụt đơn hàng. Nhiều DN phải tạm dừng sản xuất, một số DN không cầm cự được phải giải thể. Vì thế, bức tranh sản xuất công nghiệp hiện rất ảm đạm.

Đã bắt đầu vào quý II-2023, nhưng đa số các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đều thiếu hụt đơn hàng. Nhiều DN phải tạm dừng sản xuất, một số DN không cầm cự được phải giải thể. Vì thế, bức tranh sản xuất công nghiệp hiện rất ảm đạm.

Doanh nghiệp đang rất vất vả để duy trì sản xuất. Ảnh minh họa: Công nhân một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: V.GIA
Doanh nghiệp đang rất vất vả để duy trì sản xuất. Ảnh minh họa: Công nhân một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: V.GIA

Với các DN nhỏ và vừa thì cắt giảm lao động, tìm hướng đi mới hay thậm chí là cho nhân viên dùng phần lớn thời gian “chăm sóc khách hàng”, bảo dưỡng, bảo trì...là giải pháp họ đang phải thực hiện.

* Công nghiệp ảm đạm kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Hoàng Anh (TP. Biên Hòa) cho hay, công ty chuyên lĩnh vực cơ khí, chế tạo và lắp đặt hệ thống thang máy dân dụng trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận. Những năm trước đơn hàng dồi dào nhưng từ đầu năm đến nay đơn hàng cho sản xuất thiếu trầm trọng. “Hiện nay, người lao động chủ yếu đi chăm sóc khách hàng, bảo dưỡng, bảo trì các sản phẩm mà công ty đã cung cấp. Khác với thời điểm này năm ngoái việc làm liên tục, phải tăng ca sản xuất”- ông Anh cho hay.

Nhiều công ty trước đây chuyên cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và xuất khẩu khá tốt giờ cũng rơi vào tình trạng chạy đôn, chạy đáo tìm đầu ra.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ở các DN sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh quý I-2023 so với quý IV-2022 chỉ có hơn 20% DN kinh doanh có xu hướng tăng lên; 39,4% giữ nguyên mức sản xuất và  40,4% DN nói tình hình đang xấu đi.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật VinaStar (TP. Biên Hòa) chia sẻ, DN có gần 300 lao động với 2 xưởng sản xuất cũng đang rơi vào tình trạng “khát” đơn hàng. Dù sản phẩm của công ty đã được cung ứng cho nhiều DN nước ngoài tại Đồng Nai và xuất khẩu tới một số thị trường trọng điểm. Hiện đơn hàng giảm đến hơn 60% so với trước khiến cho DN rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất, giữ chân công nhân.

Sản xuất DN bị co hẹp tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quý I-2023 GRDP của Đồng Nai chỉ tăng trưởng 3,25% so với cùng kỳ năm trước. Dù các chỉ số vẫn tăng song mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng rất thấp. Ngành công nghiệp - xây dựng của Đồng Nai đang chiếm cơ cấu trên 60% GRDP nên ngành này tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Các tỉnh thành lân cận  như: TP. HCM GRDP quý I-2023, tăng 0,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng -4,75%. Các địa phương khác trên cả nước cũng đều tăng trưởng thấp, kéo theo GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 12 năm qua.

* Đóng cửa, ngừng sản xuất gia tăng

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế chậm lại thì một chỉ số khác cho thấy sức khỏe của cộng đồng DN đang có vấn đề. Trong tháng 3 đầu năm, cả nước có hơn 60 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có gần 20,1 ngàn DN rút lui khỏi thị trường.

Với Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 14-3, có 127 DN giải thể và 148 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 619 DN tạm ngừng kinh doanh. Như vậy có tới 894 DN rút lui khỏi thị trường, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ có 691 DN.

Sau khi rút lui khỏi thị trường, chủ một DN gỗ ở Biên Hòa cho hay, đã phải “tái khởi nghiệp” với kinh doanh sản phẩm nệm gối, nhưng cũng rất khó khăn. “Chúng tôi buộc phải chuyển hướng, hợp tác với đơn vị sản xuất, tìm mọi cách bán hàng, để chờ thời cơ về sau” vị này chua chát nói.

Không chỉ DN nhỏ và vừa trong nước mà các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng lâm vào tình trạng khó khăn tứ bề. Theo Liên Lao động tỉnh, trong tháng 3 vừa qua, Đồng Nai có 3 DN phải cắt giảm hơn 2 ngàn lao động do bị sụt giảm đơn hàng. Cụ thể là Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) giảm 1 ngàn lao động; Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (H.Trảng Bom) giảm 227 lao động và Công ty TNHH Taekwang MTC Vina (TP.Biên Hòa) cắt giảm việc làm của 795 lao động.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích