Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm gánh nặng rác hữu cơ: Phải gắn với làm nông nghiệp sạch

07:11, 14/11/2022

Hiện nay, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, sử dụng rác hữu cơ làm phân bón đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, sử dụng rác hữu cơ làm phân bón đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nông dân xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) thực hiện phân loại rác tại nguồn, tận dụng nguồn rác hữu cơ để ủ phân bón cho sản xuất sạch. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) thực hiện phân loại rác tại nguồn, tận dụng nguồn rác hữu cơ để ủ phân bón cho sản xuất sạch. Ảnh: B.Nguyên

Đây cũng là giải pháp hữu hiệu thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn, một trong những tiêu chí khó và quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Theo đó, mô hình này đang được các địa phương tích cực triển khai.

* Rác thải hữu cơ chiếm tỷ trọng lớn

Sản xuất nông nghiệp đang tạo ra lượng rác thải khổng lồ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các loại rác thải hữu cơ. Ngay cả với rác thải sinh hoạt, nguồn rác hữu cơ cũng chiếm tỷ trọng lớn.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện nay, rác phát sinh trong quá trình sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 1.895 tấn/ngày. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng phương pháp compost (phương pháp sinh học để ủ rác hữu cơ thành phân bón) khoảng 1.446 tấn/ngày.

Rác hiện nay được phân thành 3 loại: chất thải tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác. Người dân vẫn có thói quen để chung tất cả các loại rác thải rắn sinh hoạt. Trong khi việc phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, chất thải tái chế có thể dùng để bán cho các cơ sở tái chế; chất thải thực phẩm có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ. Nếu thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng nguồn rác thải tái chế, rác thải hữu cơ, lượng rác còn lại cần thu gom, xử lý sẽ giảm rất nhiều.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, việc phân lọại chất thải tại nguồn có mục tiêu khuyến khích người dân nông thôn sử dụng chất thải hữu cơ làm phân bón. Chỉ những chất thải không sử dụng được mới đưa đi xử lý.

Hiện rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có khoảng 864 tấn/ngày, trong đó khoảng 70% là rác thải sinh học. Trong khi đó, việc thực hiện phân loại rác ở khu vực nông thôn có nhiều thuận lợi, nông dân nên thực hiện phân loại rác tại nguồn và toàn bộ chất thải thực phẩm, hữu cơ được tận dụng làm phân bón sử dụng cho cây trồng. Những chất thải tái chế có thể tận dụng bán cho các cơ sở tái chế. Như vậy lượng chất thải ở khu vực nông thôn đưa về các khu xử lý chất thải giảm mạnh, góp phần giảm chi phí, ô nhiễm môi trường; đồng thời tiêu chí khó về môi trường trong xây dựng nông thôn mới sẽ được thực hiện tốt.

* Chủ động nguồn phân, thuốc cho sản xuất sạch

Nguồn rác hữu cơ nếu trực tiếp thải ra môi trường hoặc đốt bỏ sẽ gây ô nhiễm, trong khi đó nếu được tái sử dụng, trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là giải pháp góp phần vào phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ.

Ông Thang Văn Tú, nông dân xã Sông Thao (H.Trảng Bom) đã tận dụng các loại trái cây, lá rụng có sẵn trong vườn kết hợp với phân dơi, phân yến, ốc sên... để tự ủ làm phân bón hữu cơ sử dụng cho vườn bưởi rộng 8ha của gia đình.

Ông Tú còn ứng dụng chế phẩm IMO kết hợp quả bồ hòn ủ tạo ra thuốc sinh học trừ sâu, bệnh cho cây trồng. Giải pháp này giúp gia đình giảm từ 60-80% chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Tú so sánh: “Trước đây dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giá bưởi khoảng 20 ngàn/kg, người trồng mới có lời. Nhưng khi tự làm phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học, chỉ cần bán được 12 ngàn/kg bưởi là tôi đã có lợi nhuận. Trồng theo hướng hữu cơ, cây trồng sinh trưởng tốt, trái cây đảm bảo an toàn nên được thị trường ưa chuộng”.

Đây cũng là giải pháp có thể ứng dụng tốt trong lĩnh vực chăn nuôi. Ông Võ Vũ Mạnh, nông dân nuôi vịt tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây nguồn phân vịt thải ra rất hôi thối, việc xử lý là gánh nặng tốn kém. Sau khi dùng IMO, ông dễ dàng xử lý chất thải trong chăn nuôi lại tiết kiệm được chi phí, đảm bảo chuồng trại không gây mùi hôi. Chất thải chăn nuôi sau xử lý trở thành nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp an toàn.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền (H.Tân Phú) Đinh Thị Hương cho hay, Phú Điền là địa phương đi đầu của huyện trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Trong đó, xã thực hiện tốt tiêu chí về môi trường nhờ người dân tích cực thực hiện phân loại rác tại nguồn. Toàn xã đã có 3/5 ấp đăng ký thực hiện khu dân cư kiểu mẫu, làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn. Chất thải rắn trong chăn nuôi cũng được các hộ dân thu gom hàng ngày đem đi ủ làm phân bón cho cây trồng.

Theo Phó giám đốc Sở TN-MT TRẦN TRỌNG TOÀN, thời gian tới, toàn tỉnh cần nâng cao hơn công tác phân loại rác thải tại nguồn. Các địa phương trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong xử lý rác thải, nhất là ủ rác và IMO để sử dụng trong nông nghiệp.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều