Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững với thị trường EU

07:10, 03/10/2022

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại, tự động hóa của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hải Quân
Dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại, tự động hóa của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hải Quân

Đặc biệt, sau 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, quan hệ kinh tế - thương mại có nhiều điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU với những kết quả đáng ghi nhận.

* Nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ EVFTA

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại 2 chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm thứ 2 thực thi EVFTA (từ tháng 8-2021 đến tháng 7-2022), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng 0,2%.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa, khi không chỉ các mặt hàng chủ lực tăng ấn tượng như: máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%)... mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao. Đáng kể như: cà phê (tăng 54,4%), thủy sản (tăng gần 42%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như: dược phẩm (tăng 7,6%), hóa chất (tăng 102%), gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (15,5%), sữa và sản phẩm sữa (tăng 29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (tăng 45,3%), cùng các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai (TP.Biên Hòa) Bùi Thế Kích cho biết, hiện nay EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính của công ty, có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu khá tốt. Đặc biệt, từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều hàng rào thuế quan được miễn hoặc giảm mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường cho công ty. Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU của công ty tăng khoảng 30% cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân các năm trước.

Phát biểu trực tuyến tại diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU năm 2022 với chủ đề Việt Nam - EU hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng bền vững do Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam và Hiệp hội EuroCham tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt ghi nhận những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - EU sau 2 năm EVFTA đi vào hiệu lực bất chấp bối cảnh kinh tế, giao thương và chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều khó khăn.

“Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại, đầu tư với đối tác EU, khi cả Việt Nam - EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch; tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương và bước đầu tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm hỗ trợ mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với EU cũng như các nước thành viên, tạo tiền đề rất lớn để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, không chỉ giới hạn trong thương mại mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế khác” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

* Tiến tới cơ cấu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

EVFTA không chỉ đem lại cho Việt Nam cơ hội về mở rộng, đa dạng hóa thị trường; mà quan trọng hơn là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và tận dụng hợp tác với EU trong những lĩnh vực mới và quan trọng như chuyển đổi xanh và số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) Nguyễn Duy Thuận cho biết, năm 2022, công ty đã xuất khẩu 1 ngàn tấn gạo mang thương hiệu riêng vào 2 chuỗi bán lẻ lớn của Pháp sau nhiều năm nỗ lực. Từ năm 2016, tập đoàn đã chuyển đổi hoạt động trồng trọt, chế biến và đóng gói, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU. Tập đoàn đã quy hoạch lại vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường khắt khe để đưa sản phẩm vào thị trường EU…

Tại diễn đàn thương mại Việt Nam - EU năm 2022, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy hơn nữa kinh tế, thương mại giữa EU - Việt Nam, góp phần giúp 2 phía phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Các doanh nghiệp (DN) châu Âu mong muốn tận dụng các lợi thế từ EVFTA nhằm đẩy mạnh hợp tác và mở rộng đầu tư cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh của các DN châu Âu, như khoa học công nghệ, phát triển năng lượng xanh, tái tạo hướng tới sự tăng trưởng xanh và bền vững cho DN và cộng đồng.

Trong các ngành hàng xuất khẩu, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên tuân thủ theo các tiêu chí: chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, tái chế giảm thiểu tối đa tác động môi trường, khí hậu. Các quy định này đã được đề cập trong chiến lược dệt may tuần hoàn của EU được công bố.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho hay, trên cơ sở những chính sách yêu cầu của các thị trường lớn, trong đó có thị trường châu Âu với sản phẩm dệt may xuất khẩu, ngành dệt may đã có tầm nhìn phát triển bền vững và xanh hoá. Việc xây dựng nền tảng phát triển như vậy để đảm bảo các nhãn hàng đánh giá chuẩn mực và có như vậy kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU và các thị trường lớn khác mới phát triển bền vững…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ thêm, với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA), Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững…

Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai NGUYỄN TIẾN CHƯƠNG chia sẻ, sau khoảng 2 năm có hiệu lực chính thức, Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội cho nhiều DN xuất khẩu trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, nhất là trong ngành giày dép, may mặc… Trước bối cảnh hội nhập như hiện nay, các DN cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt thông tin về các FTA nói chung và EVFTA nói riêng, qua đó có phương án tiếp cận thị trường tiềm năng, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp để tạo các sản phẩm có giá trị cao đáp ứng thị hiếu của thị trường, nâng cao sức cạnh tranh...

Hải Quân

Tin xem nhiều