Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội để Đồng Nai bán tín chỉ carbon rừng

Khánh Minh
08:04, 06/04/2024

Việt Nam cam kết với thế giới sẽ theo lộ trình cắt giảm khí thải về 0 vào năm 2050. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đều phải có kế hoạch cắt giảm khí thải theo từng giai đoạn, đảm bảo đến năm 2050 đạt net zero.

Đồng Nai là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, hàng hóa sản xuất ra đến gần 80% xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Đây đều là những thị trường có yêu cầu rất cao về sản phẩm. Hàng hóa muốn vào các thị trường này phải có lộ trình giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, sản xuất theo mô hình tuần hoàn, xanh. Vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đã đi đầu trong giảm phát thải, sản xuất xanh, tuần hoàn để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi.

Mới đây, tỉnh đã ban hành Đề án Giảm thiểu khí carbon, trong đó yêu cầu tất cả các ngành, lĩnh vực đều tham gia giảm khí thải, bảo vệ môi trường. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tiêu dùng… đều được tỉnh khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Thực tế, có nhiều nhà máy tại Đồng Nai được đầu tư từ 20-30 năm trước, công nghệ lạc hậu, nếu thay đổi máy móc mới phải đầu tư lại từ đầu rất tốn kém, nhà đầu tư không đủ khả năng. Vì thế, nhiều DN chọn đầu tư chuyển đổi dần công nghệ và tìm giải pháp khác. Cụ thể, tới đây các DN phát thải nhiều không thể cắt giảm khí thải từ các nhà máy theo lộ trình, buộc phải mua các tín chỉ carbon để bù lại. Như vậy sẽ có tín chỉ xanh đảm bảo hàng hóa có thể xuất khẩu vào những thị trường người tiêu dùng đòi hỏi cao trong bảo vệ môi trường.

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn giữ được hơn 165 ngàn hécta rừng, trong đó đa số là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Từ nhiều năm nay, Đồng Nai đã đóng cửa rừng nên rừng của tỉnh có đa dạng sinh học cao, trữ lượng carbon của rừng rất lớn, có thể lên đến 150 tấn/hécta. Tới đây, khi có sàn giao dịch tín chỉ carbon, các DN phát thải nhiều (cả trong và ngoài tỉnh) có thể mua tín chỉ này. Đây sẽ là cơ hội để Đồng Nai khai thác các lợi thế từ rừng để tái đầu tư cho công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Trong năm 2023, Việt Nam đã bắt đầu bán thí điểm tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tấn. Tại một số nước, giá bán tín chỉ carbon cao nhất là 150 USD/tấn. Về lâu dài, Đồng Nai có rất nhiều cơ hội để ký kết và bán tín chỉ carbon từ rừng và có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Khánh Minh

Tin xem nhiều