Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp cần hỗ trợ chuyển đổi xanh và số hóa sản xuất

Văn Gia
08:04, 11/03/2024

Năm 2023, những bất cập, các điểm nghẽn kéo dài, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản… đã được Chính phủ, bộ, ngành cũng như địa phương tập trung tháo gỡ. Nhờ đó, tình hình sản xuất kinh doanh đang chuyển biến tích cực hơn.

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (thành phố Biên Hòa). Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (thành phố Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Trước những dự báo khó khăn vẫn tiếp diễn trong năm 2024, bên cạnh sự nỗ lực tự thân thì doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục duy trì, bổ sung các chính sách tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, việc thúc đẩy lộ trình sản xuất xanh, số hóa trong doanh nghiệp cần được thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận ưu đãi chính sách.

* Nhiều yếu tố tác động đến doanh nghiệp

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho thấy, các khó khăn của doanh nghiệp hiện nay vẫn rất lớn. Trong thực tế, năm 2023 và ngay đầu năm 2024, dù khởi sắc hơn song vẫn có doanh nghiệp phải giảm giờ làm do thị trường tiêu thụ yếu. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng gặp khó khăn trong việc duy trì đơn hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, một số quy định về thủ tục hành chính và hướng dẫn thực hiện chưa đầy đủ nên ít doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.  Thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều xáo trộn trong khi các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xăng dầu chưa được quan tâm; các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải kinh doanh trong tình hình chiết khấu bằng 0 đồng kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay.

Các quy định của pháp luật còn nhiều chồng chéo hoặc có những quy định còn gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Nổi cộm hiện nay là quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Các doanh nghiệp cho hay, họ phải xây dựng lại phương án phòng cháy chữa cháy theo quy định mới dù đã có những công trình được xây dựng từ trước. Điều này khiến cho doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí tuân thủ các quy định, ảnh hưởng đến việc đầu tư nguồn lực vào sản xuất.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh ngày 6-3 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhận định kinh tế đầu năm đã có các chuyển biến tích cực khi xuất khẩu tăng trở lại. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động tiêu cực như: doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng cao, cước phí vận chuyển tăng. Tình hình thế giới khó đoán định cùng với những khó khăn tích tụ nếu không có hướng xử lý, khắc phục và linh hoạt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế trong năm nay. Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được tỉnh ban hành. Từ đó tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục, hồ sơ cho các đối tượng đã đăng ký, sớm được hỗ trợ theo quy định, đồng thời rà soát đăng ký bổ sung đối tượng hỗ trợ hàng năm.

* Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong phát triển xanh

Từ các vướng mắc gặp phải, ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, kiến nghị Chính phủ cần xem xét đơn giản thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay tín dụng để có thể được hưởng chính sách hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi các quy định không còn phù hợp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nhằm ổn định tình hình, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp bán lẻ. Đảm bảo chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ một cách phù hợp vì đây là công đoạn cuối cùng để đưa xăng dầu đến người tiêu dùng.

Về phía địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh có các chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí… hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước để có cơ hội hợp tác về nguồn nguyên vật liệu, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kêu gọi góp vốn thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị về đầu tư.

Một vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hiện nay nhưng vẫn còn loay hoay vì thiếu thông tin là chuyển đổi để sản xuất xanh. “Thực tế, chúng tôi đã nghe nói nhiều về các chương trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa thấy những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể nào. Thời gian tới, các sở, ngành có liên quan cần phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp để triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn”- ông Châu Minh Nguyện chia sẻ.

Tương tự, theo ông Lê Bạch Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, thời gian qua, song song với các hoạt động của tỉnh thì Hội Doanh nhân trẻ cũng tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Trong đó, nổi bật là chương trình đến thăm doanh nghiệp hội viên nhằm tạo điều kiện kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực. Do đó, việc gặp gỡ, trao đổi hai chiều giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ là kênh rất quan trọng để doanh nghiệp có thêm động lực thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.

Văn Gia

Tin xem nhiều