Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh thu từ du lịch lữ hành chưa xứng tầm

Khánh Minh
08:01, 19/12/2023

Trong 11 tháng của năm 2023, doanh thu từ du lịch lữ hành của Đồng Nai đạt gần 62 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thế nhưng nhìn tổng doanh thu của du lịch lữ hành thì thấy con số còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh.

Bởi Đồng Nai nằm sát với TP.HCM, Bình Dương, nơi có công nghiệp phát triển, dân số đông, nhu cầu về du lịch rất lớn. Đồng Nai nổi tiếng có nhiều điểm đến hấp dẫn như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch suối Mơ (H.Tân Phú); thác Giang Điền, thác Đá Hàn (H.Trảng Bom); Khu du lịch Bò Cạp Vàng, Làng Tre Việt, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, nhà cổ họ Đào (H.Nhơn Trạch); Chiến khu Đ, đảo Ó - Đồng Trường (H.Vĩnh Cửu)… Gần đây, Đồng Nai còn là một trong những nơi phát triển khá tốt du lịch nông nghiệp.

Từ kết quả trên cho thấy, khách du lịch trong và ngoài nước đến Đồng Nai tăng cao, nhưng chi tiền còn rất ít. Như vậy có nghĩa là các dịch vụ phục vụ cho du lịch chưa phát triển nên khách du lịch mới chỉ đến tham quan là chính. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn cho du lịch phát triển, tăng doanh thu, ngoài có các điểm đến đẹp, hấp dẫn du khách còn phải phát triển các dịch vụ khác đi kèm để du khách có thể tiêu tiền. Cụ thể như thưởng thức các món ăn đặc sản miền quê, mua các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương tại những điểm du lịch. Có nhiều trải nghiệm khác giữ khách lưu lại qua đêm. Đồng thời, các điểm đến phải để lại những dấu ấn tốt để du khách còn quay lại những lần sau. Nếu các địa phương thực hiện được những điều trên thì doanh thu từ du lịch lữ hành, lưu trú, ăn uống sẽ tăng cao. Theo đó, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho thu ngân sách của địa phương.

Đồng Nai không thiếu các điểm đến đẹp và có thể phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ, thác, sông, du lịch tâm linh, về nguồn, làng nghề và du lịch nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, sự kết nối giữa các điểm du lịch chưa tốt. Tỉnh có nhiều làng nghề với những sản phẩm đặc sắc như: gốm, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, trầm hương, nấm, cốm… nhưng chưa phát triển các dòng sản phẩm phù hợp cho khách du lịch.

Do đó, muốn du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết 04-NQ/TU ban hành ngày 30-12-2021 thì các sở, ngành, địa phương phải nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, thực hiện tốt quy hoạch cho ngành du lịch, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho du lịch, xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch, nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch…

Khánh Minh

Từ khóa:

Du Lịch

lữ hành

Tin xem nhiều