Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Bình Nguyên
08:23, 12/12/2023

Sản xuất nông nghiệp đang tạo ra lượng rác thải khổng lồ, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là các loại rác thải hữu cơ. Cẩm Mỹ là huyện thuần nông, lượng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại địa phương rất lớn. Huyện rất quan tâm và thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nông dân xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, địa phương thực hiện tốt việc phân loại chất thải tại nguồn; tận dụng nguồn rác thải hữu cơ làm phân bón, thuốc sinh học phục vụ lại sản xuất, góp phần xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp cũng như phát triển nông nghiệp bền vững.

* Nhiều giải pháp hay

Người dân trên địa bàn huyện chủ yếu sống bằng nghề nông nên lượng rác thực phẩm phát sinh trên địa bàn huyện lớn, với khoảng 49 tấn/ngày. Nếu được tái sử dụng, đây chính là nguồn nguyên liệu rất lớn phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giải quyết được nguồn gây ô nhiễm và lãng phí về chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng cho biết, với mục tiêu “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế và phát triển bền vững”, huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường từ trong sinh hoạt đến sản xuất. Cụ thể, trong sinh hoạt, trên địa bàn huyện khuyến khích tiêu dùng thông minh, hạn chế sử dụng túi ny-lông, sản phẩm nhựa một lần, sử dụng nước tẩy rửa (nước rửa chén, tẩy rửa nhà vệ sinh...) hữu cơ thay cho các sản phẩm thông thường trên thị trường, phân loại rác thải tại nguồn… Mỗi xã, thị trấn lựa chọn 1 ấp, khu phố, khu dân cư để làm điểm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo trên 70% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và phân loại tại nguồn. 100% xã, thị trấn tham gia thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các địa bàn không thực hiện làm điểm cũng đảm bảo thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt từ 50% trở lên.

Mục tiêu phấn đấu của H.Cẩm Mỹ đến năm 2025, tại mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện có ít nhất 1 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt hữu cơ, trong đó chủ yếu sử dụng men vi sinh IMO và các chế phẩm làm từ IMO vào sản xuất.

Đối với khu dân cư tập trung, các địa phương trang bị thùng rác màu xanh chứa rác thực phẩm, thùng rác màu xám chứa rác thải sinh hoạt còn lại, xây dựng lịch thu gom rác xen kẽ trong tuần (rác thải thực phẩm 2 lần/tuần; rác thải còn lại 1 lần/tuần) hoặc đơn vị sử dụng rác thực phẩm sẽ chủ động lấy rác để làm phân hữu cơ, khuyến khích người dân xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO) để làm phân bón cho cây trong nhà và cây, hoa khu vực công cộng. Đối với khu vườn rẫy, thực hiện bê tông hóa các tuyến đường khu vườn rẫy, đảm bảo xe thu gom rác đến được tận ngõ các hộ dân, trang bị thùng rác chất thải rắn sinh hoạt khác để người dân thải bỏ sau phân loại, tần suất thu gom 7-10 ngày/lần.

Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray Bùi Thị Liên chia sẻ, hiện xã đã xây dựng được 3 khu dân cư kiểu mẫu với diện tích trên 70ha. Đây là mô hình điểm của địa phương trong xây dựng cảnh quan môi trường và giải pháp nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn. Nhờ chú trọng việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, đến nay tỷ lệ hộ dân phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn xã đạt trên 51,6%; tại các khu dân cư kiểu mẫu đạt trên 85%... Tại các ấp và các khu dân cư đều có từ 1-2 tổ tự quản về môi trường có vai trò lớn trong việc vận động nâng tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác tại các ấp và vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn. Hoạt động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ và thứ bảy hàng tuần.

* Tận dụng rác hữu cơ làm phân bón

Định hướng phát triển nông nghiệp của huyện là theo hướng hữu cơ, tận dụng nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, rác thải thực phẩm làm phân hữu cơ theo phương pháp IMO. Đây cũng là giải pháp giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất nông nghiệp; đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản; nâng cao năng lực, trình độ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của nông dân. Xây dựng nền nông nghiệp bền vững từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bằng phương pháp IMO.

Đến nay, 74/74 ấp trên địa bàn huyện đã có người dân sử dụng phương pháp IMO để xử lý rác thải thực phẩm thành phân hữu cơ trong nhân dân;13/13 xã, thị trấn có cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân là tuyên truyền viên đối với nội dung nêu trên. Trên địa bàn huyện đã có 18.593/36.036 hộ tham gia phân loại rác thải tại nguồn đạt 51,6% về số hộ; về khối lượng thu hồi, tái chế đạt 43% tổng lượng rác phát sinh.

Phương pháp IMO không ngừng được nhân rộng đến tất cả các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 170ha cây trồng áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả, giảm chi phí cho người sản xuất.

Ông Võ Văn Bé (ngụ ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo) cho hay, toàn bộ diện tích 0,6ha sầu riêng của gia đình ông đã sử dụng men vi sinh IMO và nấm 3 màu. Với phương pháp này, gia đình ông không chỉ giảm được chi phí sản xuất, cây trồng phát triển tốt mà trở thành mô hình điểm tại địa phương sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Đến nay, toàn bộ 13/13 xã, thị trấn của H.Cẩm Mỹ đã đồng loạt ứng dụng IMO trong sản xuất, tạo nền tảng cho phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tận dụng hết các phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm nguyên liệu ủ với IMO thành phân bón.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều