Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch không gian ngầm cho đô thị Biên Hòa

Phạm Tùng
08:24, 24/11/2023

Phát triển không gian ngầm, mô hình đô thị TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) là những vấn đề được đặt ra trong quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa. Việc quy hoạch thêm các không gian cũng như mô hình đô thị mới sẽ giúp cho TP.Biên Hòa khai thác tối đa các lợi thế trong quá trình phát triển.

Đồng Nai sẽ quy hoạch xây dựng một nhà ga tại khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với mô hình quảng trường nhà ga. Ảnh: P.TÙNG
Đồng Nai sẽ quy hoạch xây dựng một nhà ga tại khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với mô hình quảng trường nhà ga. Ảnh: P.TÙNG

Những xu hướng phát triển mới cho đô thị Biên Hòa được định hình dựa trên các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn được đưa vào quy hoạch để triển khai trong thời gian tới.

* Metro nên đi ngầm trong lòng đô thị

Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, đồng thời cũng là đô thị có tốc độ gia tăng dân số hàng năm cao. Chính vì vậy, thời gian qua, hệ thống hạ tầng của đô thị Biên Hòa luôn trong tình trạng quá tải so với nhu cầu. Hàng loạt tồn tại trong phát triển đô thị đang bộc lộ ngày càng rõ như: tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu bãi đậu xe ô tô… Trong khi đó, quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng hạn hẹp.

Trong bối cảnh đó, việc quy hoạch và khai thác không gian ngầm được xem là một trong những đáp án cho bài toán quá tải của đô thị Biên Hòa. Mặc dù vậy, thời gian qua, không chỉ Biên Hòa mà phần lớn các đô thị trong cả nước, việc phát triển đô thị đang chủ yếu tập trung khai thác không gian mặt đất và trên không. Trong khi đó, không gian ngầm đô thị Biên Hòa gần như chưa được khai thác nhiều.

Tuy nhiên, việc khai thác không gian ngầm của đô thị Biên Hòa thời gian tới sẽ phải được tính toán kỹ càng hơn khi hệ thống đường sắt đô thị (metro) sẽ được quy hoạch để triển khai đầu tư xây dựng.

Hiện nay, để tăng cường mạng lưới giao thông kết nối vùng, Sở GT-VT TP.HCM đã đề xuất phương án kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai và Bình Dương. Trong đó, đoạn kéo dài về Đồng Nai có chiều dài khoảng 18,3km đi trên cao. Đoạn tuyến kéo dài về Đồng Nai cũng sẽ được chia làm 3 đoạn gồm: đoạn từ ga S0 đến ngã ba Vũng Tàu; đoạn từ ngã ba Vũng Tàu đến Chợ Sặt và đoạn từ ngã ba Chợ Sặt về khu vực xã Hố Nai 3.

Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cho biết, trong phương án kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai sẽ quy hoạch xây dựng nhà ga tại khu vực Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 với mô hình quảng trường nhà ga.

Xuất phát từ nhà ga KCN Biên Hòa 1, Sở GT-VT cũng đề xuất tuyến metro đi qua khu vực cù lao Hiệp Hòa, đi vào trung tâm TP.Biên Hòa. Tuyến metro này sẽ đi xuyên trục trung tâm TP.Biên Hòa đến đường Nguyễn Ái Quốc, đi theo đường Nguyễn Du để kết nối với sân bay Biên Hòa đang được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, liên quan đến tuyến metro đi xuyên tâm đô thị Biên Hòa, Sở Xây dựng đã làm việc với Sở GT-VT để thống nhất các nội dung liên quan. Trong đó, quan điểm của Sở Xây dựng là metro khi đi vào đô thị Biên Hòa phải đi ngầm.

Cũng theo ông Hồ Văn Hà, thuận lợi để xây dựng quy hoạch ngầm tuyến metro này là TP.Biên Hòa cũng đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Biên Hòa. “Hướng tuyến, phương án đi ngầm và vị trí đặt các nhà ga sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung đô thị Biên Hòa” - ông Hà cho biết.

* Phát triển mô hình đô thị TOD

Ngoài 2 tuyến metro từ TP.HCM đến KCN Biên Hòa 1 và từ KCN Biên Hòa 1 đến sân bay Biên Hòa, trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng sẽ có thêm các đoạn tuyến metro kết nối từ KCN Biên Hòa 1 đến cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và từ H.Nhơn Trạch đến TP.Biên Hòa. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình đô thị TOD đối với đô thị Biên Hòa.

Tại hội thảo khoa học góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh tổ chức vào giữa tháng 6-2023, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu Đồng Nai có thể đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị cho trục TP.Biên Hòa - TP.HCM thì đây sẽ là khu vực rất thuận lợi để phát triển đô thị theo mô hình TOD.

Ông Hồ Văn Hà cho rằng, phải nghiên cứu và quy hoạch phát triển được mô hình đô thị TOD dựa trên các hạ tầng ngầm sẽ được quy hoạch xây dựng tại TP.Biên Hòa.

Mô hình TOD là mô hình phát triển đã có những thành công tại Nhật Bản gồm các hình thức: TOD khu vực tư nhân, TOD khu vực Chính phủ, phát triển tập trung quanh nhà ga, phát triển quảng trường ga với các chức năng trung chuyển không giới hạn đối với giao thông công cộng. Theo đánh giá, ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho đường sắt đô thị. Tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị nhằm giúp kinh doanh vận tải hành khách công cộng sinh lời. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận thuận tiện, thoải mái, an toàn của hành khách từ các không gian đô thị kiểu TOD tới các ga đường sắt đô thị và ngược lại, góp phần cải thiện điều kiện môi trường và xã hội tại địa phương. Tại Việt Nam, hiện TP.HCM cũng quy hoạch để phát triển mô hình này.

Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ lần thứ 2 được tổ chức vào đầu tháng 7-2023, Sở GT-VT TP.HCM đã kiến nghị các địa phương quan tâm nghiên cứu áp dụng mô hình TOD cho các vị trí xung quanh ga trên các địa bàn có tiềm năng, có điều kiện thực hiện, nhằm sử dụng hợp lý đất đai đô thị và tạo thêm nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng GT-VT. Đồng thời, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch địa phương, rà soát quỹ đất, nghiên cứu quy hoạch các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn kết nối để thực hiện hiệu quả mô hình TOD.

Phạm Tùng

 

Tin xem nhiều