Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu kiểm tra, đối thoại với người chăn nuôi xã Hưng Lộc

Hoàng Lộc - Huyền Trang
08:39, 22/08/2023

Hưng Lộc là một trong 3 xã có ngành chăn nuôi lớn nhất của H.Thống Nhất. Sau thời gian địa phương kiểm tra đồng loạt và đối thoại với người chăn nuôi, 85% số trại nuôi đã tạm ngưng hoạt động để khắc phục và cải tạo môi trường.

Lãnh đạo UBND xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) kiểm tra công tác khắc phục hậu quả môi trường tại trại heo của ông Phan Tú. Ảnh: H.Lộc

Chăn nuôi là nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm môi trường chung.

* Dừng chăn nuôi để xử lý môi trường

Trang trại của ông Phan Tú (tại ấp Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc) nhiều năm nay chăn nuôi heo gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri (trụ sở ở tỉnh Long An). Thế nhưng, 4 tháng qua trang trại tạm ngưng hoạt động để khắc phục vấn đề môi trường.

Ông Phan Tú cho biết, trang trại có quy mô 800 con/lứa. Trước khi nuôi heo, ông đã đầu tư hầm biogas xử lý nước thải nhưng vì lâu năm bạt lót đáy bị hư hỏng. Tháng 4-2023, trang trại bị xử phạt 50 triệu đồng do xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn. Ngoài phạt tiền, đoàn kiểm tra còn yêu cầu ông phải tạm dừng chăn nuôi, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải. Vừa hay đúng dịp xuất heo nên ông làm luôn.

Tính đến cuối tháng 6-2023, H.Thống Nhất có hơn 1 ngàn cơ sở chăn nuôi. Trong đó, có 84 trang trại có pháp lý về môi trường, hơn 330 trang trại và hơn 600 cơ sở chăn nuôi chưa có pháp lý về môi trường.

“Tôi đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng đầu tư hạ tầng và thuê tư vấn làm hệ thống xử lý chất thải. Cụ thể, cải tạo lại chuồng nuôi, làm lại các hầm biogas chứa nước thải và mua máy ép tách phân thải. Với sự đầu tư này, nước thải sau khi xử lý đủ tiêu chuẩn tưới cây, tắm heo, nuôi cá” - ông Tú nói.

Không chỉ có thể tái sử dụng gần 100% nước thải, hệ thống xử lý môi trường bài bản này còn giúp trang trại tận thu tối đa phân heo phục vụ cho mục đích trồng trọt.

Trại heo của ông Trần Quang Tạo (ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc) là một trong số những trang trại chăn nuôi gia công có giấy phép môi trường. Mặc dù đợt kiểm tra vừa qua trang trại không vi phạm môi trường nhưng ông Tạo vẫn “treo trại”.

Ông Tạo nói: “Tôi nuôi heo gia công cho Công ty TNHH Sunjin Vina (có chi nhánh tại H.Trảng Bom) nên rất ý thức đầu tư chuồng trại. Đoàn kiểm tra yêu cầu tôi làm lại bạt lót đáy ở hầm biogas chứa nước thải để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tôi thấy yêu cầu này hợp lý để phát triển chăn nuôi lâu dài nên chấp thuận”.

Là địa phương phát triển chăn nuôi lớn của tỉnh, thời gian qua, H.Thống Nhất phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Để từng bước kiểm soát hoạt động này, đầu năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo đồng loạt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại. Sau đó, lãnh đạo huyện đối thoại, đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã tổ chức đối thoại để tuyên truyền và tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Huyện cũng có văn bản yêu cầu các công ty thuê nuôi gia công trên địa bàn không được hợp đồng thả heo khi chưa có xác nhận đủ điều kiện của cơ quan chức năng. Vì thế, nhiều trang trại dừng chăn nuôi để khắc phục vấn đề về môi trường.

* Phát triển chăn nuôi bền vững

Đầu tư công trình xử lý chất thải là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở chăn nuôi. Mục đích là để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thời gian qua, hầu hết người chăn nuôi có ý thức chấp hành và nhận thức được vai trò của việc bảo vệ môi trường nhưng vì chi phí đầu tư lớn, xử phạt chưa nghiêm khắc nên vẫn còn tình trạng vi phạm. Điều này cần phải chấn chỉnh, khắc phục.

Phó chủ tịch UBND xã Hưng Lộc Trần Duy Hưng thông tin, trên địa bàn xã có 48 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty lớn. Đầu năm nay, huyện và xã kiểm tra 33 trang trại thì phát hiện 16 trang trại vi phạm (chiếm 48%). Các cơ sở này ngoài bị phạt tiền còn buộc tạm dừng chăn nuôi để khắc phục vấn đề môi trường.

Cũng theo ông Hưng, sau nhiều nỗ lực từ kiểm tra, đối thoại, thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, hiện có 41/48 trang trại tạm dừng chăn nuôi để khắc phục các vấn đề về môi trường. Các trang trại còn lại đang chờ xuất heo xong sẽ thực hiện khắc phục. Khi hoàn thành việc khắc phục các vấn đề về môi trường, các trại được xã hoặc huyện kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện mới được tái thả vật nuôi.

Trong lần đối thoại với người chăn nuôi tại 3 xã: Hưng Lộc, Bàu Hàm 2 và Lộ 25, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho rằng, chăn nuôi có vai trò quan trọng với người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Huyện tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, đúng mật độ cho phép và phù hợp quy hoạch vùng được chăn nuôi.

Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn và xã thường xuyên theo dõi, giám sát các cơ sở chăn nuôi gia công, không để thả heo khi chưa được cơ quan chức năng kiểm tra và có văn bản chấp thuận đủ điều kiện chăn nuôi, có giấy phép môi trường. Không cho triển khai các dự án chăn nuôi mới không phù hợp quy hoạch. Đồng thời, đề xuất lộ trình di dời các cơ sở chăn nuôi để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ông Phan Tú, chủ trang trại chăn nuôi tại ấp Hưng Thịnh (xã Hưng Lộc) bày tỏ mong muốn, khi hoàn thành cải tạo hệ thống xử lý nước thải, cơ quan chức năng sớm xác nhận đủ điều kiện để trang trại chăn nuôi trở lại. Phía ngân hàng nâng mức trần nợ cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn tái đầu tư; công ty hợp tác chăn nuôi gia công hỗ trợ một phần chi phí đầu tư công trình bảo vệ môi trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, hiện hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vì vậy vấn đề môi trường cần được coi trọng. Kiểm soát chặt chẽ xây dựng trang trại, tổng đàn là yêu cầu rất cần thiết để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống.

Hoàng Lộc - Huyền Trang

Tin xem nhiều