Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Báo chí miền Đông tiên phong, đổi mới:
Đổi mới báo chí vùng Đông Nam Bộ

Hạnh Dung
20:00, 15/03/2024

Vùng Đông Nam Bộ với “đầu tàu” là Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước từ nhiều năm qua đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Báo Đảng với việc tuyên truyền liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội do Báo Đồng Nai tổ chức vào tháng 9-2023. Ảnh: Huy Anh

Hòa cùng dòng chảy của sự phát triển vùng Đông Nam Bộ, các cơ quan báo Đảng địa phương trong vùng đã, đang và tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, của vùng và cả nước.

* Đẩy mạnh báo chí giải pháp

Trải qua hơn 38 năm hình thành và phát triển, Báo Đồng Nai đã và đang khẳng định được vị trí trong hệ thống báo Đảng địa phương của cả nước. Báo liên tục đổi mới, cải tiến cả về nội dung và hình thức thể hiện, đa dạng các loại hình báo chí, thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Tổng biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn cho biết, với đội ngũ cán bộ, biên tập viên,  phóng viên không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, Báo Đồng Nai chuyển tải đến bạn đọc những thông tin nhanh nhạy, chính xác, mang tính định hướng cao. Báo tập trung tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, báo bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để thông tin, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao, mang tính lan tỏa trong sản xuất kinh tế, đời sống xã hội. Báo cũng đã và đang thông tin sâu về việc triển khai thực hiện các dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực và cả nước nói chung như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Qua đó nhằm tạo sự đồng thuận từ phía người dân, phối hợp cùng các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Với sự đoàn kết, nỗ lực, tập thể cán bộ, biên tập viên,  phóng viên của Báo Đồng Nai đã đoạt được nhiều giải thưởng báo chí quan trọng như: Giải Báo chí quốc gia; Giải Búa liềm vàng; cuộc thi Chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Giải Báo chí về miền Đông Nam Bộ…

Nhà báo Đào Văn Tuấn nhấn mạnh, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Báo Đồng Nai sẽ chú trọng thực hiện các tác phẩm báo chí theo hướng báo chí phân tích, báo chí giải pháp. Tăng cường các bài viết của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để có được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; phân tích các vấn đề theo hướng đa chiều, đề ra các giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của tỉnh.

Trong khi đó, theo nhà báo Trương Đức Nghĩa, Tổng biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian gần đây, báo đã xây dựng nhiều chuyên mục mới nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh của địa phương đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như chuyên mục Nơi ấy quê nhà đăng tải hàng ngày, khai thác các đề tài giới thiệu vùng đất, con người Bà Rịa - Vũng Tàu. Hay chuyên mục Mỗi tuần một vấn đề đăng tải các bài phỏng vấn các chuyên gia, lãnh đạo đầu ngành trả lời, lý giải, định hướng thông tin về những vấn đề thời sự trong nước, trong tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến đời sống của người dân.

Ngoài ra, chuyên mục Kết nối yêu thương đăng trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu từ tháng 7-2019 đến nay đã nhận được số tiền hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng từ các mạnh thường quân để hỗ trợ cho hơn 1,2 ngàn trường hợp có hoàn cảnh khó khăn…

Nhà báo Trương Đức Nghĩa, Tổng biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện để tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc. Nội dung các bài báo phải có thông tin nhiều chiều, có con người, địa chỉ, câu chuyện cụ thể, hạn chế kiểu viết theo báo cáo. Trang báo in được trình bày thoáng hơn, tăng cường hình ảnh để trang báo sinh động, hấp dẫn, dễ đọc hơn.

* Thay đổi tư duy người làm báo

Để xứng tầm với sự phát triển của đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Một mặt, báo hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự nhanh nhạy, có bản lĩnh và trình độ, am hiểu công nghệ số để chỉ đạo xử lý thông tin một cách kịp thời, chuẩn xác. Mặt khác, báo xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, luôn có tinh thần đổi mới tư duy, nỗ lực sáng tạo, tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, hấp dẫn, định hướng dư luận đúng đắn, kịp thời.

Còn ở Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, theo nhà báo Trương Đức Nghĩa, báo đang xin chủ trương đầu tư Dự án Chuyển đổi số, trọng tâm là xây dựng mô hình Tòa soạn hội tụ nhằm đáp ứng yêu cầu làm báo theo hướng hiện đại.

Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp. Ảnh: Huy Anh
Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp. Ảnh: Huy Anh

Ban biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên phối hợp với Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ làm báo điện tử theo hướng đa phương tiện cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của báo như: quay phim và dựng phim bằng điện thoại di động, kỹ năng đọc bản tin, kỹ năng dẫn chương trình…

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo Đảng địa phương trong sự phát triển chung của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và của cả nước, thời gian qua, Báo Bình Dương đã có nhiều sáng kiến, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng tờ báo.

Nhà báo Lê Minh Tùng, Tổng biên tập Báo Bình Dương chia sẻ, Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá cao, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Để đạt được mục tiêu phát triển của tỉnh nhà, Ban biên tập Báo Bình Dương thường xuyên quán triệt các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh trên các lĩnh vực. Từ đó xây dựng những tuyến bài đa phương tiện để chuyển tải thông tin đầy đủ, toàn diện, nhiều chiều đến bạn đọc.

“Hòa chung vào dòng chảy chuyển đổi số báo chí, Báo Bình Dương không đứng ngoài cuộc. Chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai các loại hình báo chí theo hướng đa phương tiện, chuyên nghiệp nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng bạn đọc trên nhiều nền tảng khác nhau. Bên cạnh báo in, báo đang đẩy mạnh phát triển báo điện tử với các thể loại như phóng sự truyền hình, podcast, infographic…” - nhà báo Lê Minh Tùng cho biết.    

Hạnh Dung

Tin xem nhiều