Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Văn Tất - kiến trúc sư đậm tình nhà Việt

Bùi Thuận
00:04, 06/02/2024
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất

Vào năm 1979 đất nước ta đang trong tình cảnh hết sức khó khăn, vậy mà hết sức bất ngờ khi Tổ chức ACCT của LHQ và VIA (Hội Kiến trúc sư thế giới) đã quyết định trao giải nhất cuộc thi “ARCHI’S 79 - Habitation Rural”  tổ chức tại Paris (Pháp) cho đề tài: Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm Căn - Cà Mau của một tác giả người Việt Nam.

Đặc biệt hơn, người đoạt giải kiến trúc quốc tế Nguyễn Văn Tất (24 tuổi) đang là sinh viên và xuất thân từ một vùng ven của TP.Biên Hòa.

* Từ mùi của thiên nhiên

Nói về việc nặng tình với “nhà nông thôn Việt”, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Tất tự bạch, hồi nhỏ ở xóm Miễu Ba Làng, ấp Vĩnh Thị, xã Bình Trước, nay thuộc địa bàn P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa: “Cha dạy tôi làm con diều giấy từ những nan tre thẳng, uốn cong mềm mại. Mê mẩn cánh diều, tôi yêu thích những đường thẳng, đường cong và những sợi dây. Tuổi trung học, trưa hè oi ả, đưa cơm cho cha làm ruộng, tôi biết yêu bóng mát làm ra từ tán cây và nắng. Yêu ngọn gió, yêu những khoảng không của đất trời hòa quyện, tôi yêu màu từ đó… Không có điện, má đốt lá ngoài sân, khói trắng bay lên… tôi biết yêu mùi lá, mùi rơm… mùi của thiên nhiên với bao hình ảnh tưởng tượng qua khói và ngọn lửa, đã vẽ lên. Làm ruộng, cha tôi làm việc như một “nghệ sĩ” ruộng vườn. Lên liếp, đào mương: thẳng tắp; làm giàn, cắm cọc: đều giăng, đẹp lạ lùng. Những khung xương từ tre ửng dần hình khối màu xanh của lá hoa phủ kín”.

Năm 1998, khi đã là một KTS tên tuổi và là giảng viên của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, KTS NGUYỄN VĂN TẤT lại đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Đồ án Kiến trúc quốc gia với đề tài: “Nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ”. Mấy năm gần đây, ông còn là giám khảo cuộc thi Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam.

Có lẽ “Bài học hình khối và vật liệu từ thiên nhiên đã được mở ra nhẹ nhàng…” như thế và tạo ra ấn tượng, hình thành nên một tư duy kiến trúc về nông thôn cho chàng trai Biên Hòa say mê bước chân vào một lĩnh vực không hề có chút… gia truyền. Và rồi được “gia cố” thêm bài học vỡ lòng khi ngồi ghế giảng đường đại học kiến trúc: “Tính nhân văn luôn là giá trị mơ ước của mọi tác phẩm kiến trúc”. Do vậy khi được trao giải thưởng quốc tế đầu tiên, Nguyễn Văn Tất đã có ngay suy nghĩ: “(Cuộc thi) với yêu cầu bản sắc và né tránh sự hiện diện thô bạo của kỹ thuật và vật liệu công nghiệp, cũng là lần đầu tiên tôi chiêm nghiệm về giá trị của sự hết lòng và chân thật với những xúc cảm của mình trong kiến trúc”.

Trao đổi về thiết kế nhà ở nông thôn, KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ: “Công việc chuyên nghiệp của KTS là sáng tác kiến trúc với nhiệm vụ thiết kế cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể. Nhà ở điển hình là một thách thức, vì không có một đối tượng rõ ràng. Nhà ở điển hình nông thôn lại càng là một thách thức lớn hơn nữa. Vì là nhà đơn lẻ nên sự đa dạng của nhu cầu mỗi gia đình nông dân vô cùng lớn, lại thay đổi theo sự lớn lên của từng gia đình…”

Ông còn nhấn mạnh: “Cần đặc biệt chú ý đến tính nơi chốn, địa lý, tập quán, đặc tính lao động… của cư dân, bối cảnh cụ thể của công trình là yếu tố tiên quyết giải quyết vấn đề công năng cũng như tư duy không gian cho nhà ở nông thôn”.

* Đến hơi thở nhiệt đới

Không phải chỉ thành công trong việc thiết kế “nhà ở nông thôn Việt Nam”, với tư duy “Một thành công nào đó trong kiến trúc của tôi luôn luôn là một minh chứng cho sự tự nhiên, không gò ép trong sáng tác, biết tôn trọng thực tế và tự trọng trong nghề nghiệp, tôn trọng kỹ thuật nhưng trung thành với xúc cảm kiến trúc. Có phải vì vậy mà tôi có duyên với loại hình kiến trúc thư giãn (nhà ở, resort…)? Nơi không chỉ bán tiện nghi và sự xa hoa kiến trúc, mà chủ yếu người ta bán hương vị cho hưởng thụ và sự thăng hoa cho cảm xúc”.

Tính ra đến nay, nhà kiến trúc tài hoa và sáng tạo Nguyễn Văn Tất đã thiết kế trên 270 công trình kiến trúc. Trong đó, ông đứng ra chủ trì 170 công trình thiết kế kiến trúc và 30 công trình thiết kế quy hoạch. Ngoài ra, KTS Nguyễn Văn Tất còn có 14 công trình xuất sắc đã xây dựng đoạt giải Kiến trúc quốc gia do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức trao giải 2 năm một lần.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định - một trong những công trình kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cùng tham gia thiết kế
Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định - một trong những công trình kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cùng tham gia thiết kế

Trực tiếp thiết kế các công trình kiến trúc một cách sáng tạo, tham gia giảng dạy, làm Chủ tịch HĐTV, KTS Chủ nhiệm đồ án Công ty TNHH Tư vấn & thiết kế TAD, nhà kiến trúc Nguyễn Văn Tất đang ở tuổi 68 vẫn đảm đương thêm nhiều nhiệm vụ như Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM, Ủy viên Hội đồng hành nghề kiến trúc thuộc Hiệp hội Kiến trúc châu Á… Ông còn là Phó Tổng biên tập của Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp của Hội KTS Việt Nam rất được giới chuyên môn lẫn độc giả ngoài ngành yêu thích do in đẹp, trình bày sang trọng và nội dung phong phú, đậm tính nhân văn. Có lẽ nhờ một phần làm báo và di chuyển không ngừng với cái máy ảnh trên tay, nhà kiến trúc đa tài Nguyễn Văn Tất còn “chộp” được những khoảnh khắc kỳ ảo trong thiên nhiên và không gian kiến trúc. Và đọng lại trong hồn cốt nghề nghiệp kiến trúc là tập sách Hơi thở nhiệt đới.

* Hoài niệm Biên Hòa

“Tôi đặc biệt yêu Biên Hòa và luôn có hoài niệm, tiếc nhớ những góc nhỏ duyên dáng mà theo tôi chính là bản sắc của Biên Hòa”.

Nhớ về vùng đất ven sông Đồng Nai, nơi mình được sinh ra và khôn lớn, KTS Nguyễn Văn Tất trầm ngâm chia sẻ: “Nói riêng về Biên Hòa, ở góc độ là một KTS tôi quan tâm đến đường phố, không gian kiến trúc, công trình văn hóa, lịch sử… Nhưng với góc độ người dân sinh ra và lớn lên ở đây, một người con của Biên Hòa, tôi nhớ tiếc những thứ khác, thứ giá trị kép của Biên Hòa mà tôi có điều kiện được hưởng thụ, va chạm suốt thời tuổi thơ. Bản sắc không phải là điều gì quá lớn lao. Tôi từng tự hỏi, một thành phố nhỏ xíu sao lại có nhiều thứ duyên dáng thế: Dốc Tòa, cù lao Phố, Thành Kèn, Gò Me, Tân Hiệp quán… hay những con đường thơ mộng trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Đôi khi chỉ một cái tên cũng đã là bản sắc. Những thứ phát triển quy mô, vui vẻ, nhộn nhịp… thì đâu đâu cũng thấy, không chỉ riêng Biên Hòa. Sự “to, nở” của đô thị trong thời đại này là rất nhanh, rất lớn, song tôi nghĩ, mỗi người dân gắn bó lâu năm với Biên Hòa vẫn sẽ thấy thiếu những góc nhỏ tự hào riêng của thành phố này…”.

Và nhà kiến trúc thành danh Nguyễn Văn Tất đã thoáng chút bùi ngùi: “Khi còn nhỏ, tôi nhớ Biên Hòa đã là trung tâm dịch vụ của cả vùng. Hình ảnh người Sài Gòn ngày ngày chạy xe xuống làm việc, chạy xe xuống ăn bánh canh đầu cá, bánh hỏi, thịt vịt, chơi chỗ này chỗ kia… là chuyện bình thường. Nay thì ngược lại, Biên Hòa sở hữu nhiều điều riêng, trong đó có văn hóa sông nước. Đô thị bám lấy dòng sông, phát triển dựa vào đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Cần cân nhắc chiến lược phát triển Biên Hòa theo đúng xu thế; theo tôi đó là hướng Tân Vạn, Bửu Hòa, bởi khi đúng hướng, sẽ tiết kiệm được tài lực. Câu chuyện bối rối, loay hoay giữa việc phát triển đô thị, giữ gìn các giá trị văn hóa, kiến trúc là câu chuyện chung của nhiều đô thị ở Việt Nam, không chỉ riêng Biên Hòa. Tôi chỉ tiếc Biên Hòa có đầy đủ tiềm năng về tài lực, địa hình, di sản… để trở thành một đô thị đầy bản sắc, nhưng lại chưa có cơ hội làm được điều đó”.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều