Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ, điêu khắc gia Võ Tùng Niên: Thổi hồn để mỗi tác phẩm đều mang giá trị nghệ thuật

09:05, 13/05/2023

Ở tuổi 77, sau nhiều năm lao động miệt mài, họa sĩ, điêu khắc gia VÕ TÙNG NIÊN luôn mong mình có đủ sức khỏe để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Ông là một trong số những tác giả trong lĩnh vực điêu khắc ở Đồng Nai có nhiều công trình tượng đài lịch sử, tượng đài Bác Hồ và các phù điêu, sản phẩm điêu khắc khác được đánh giá cao.

Tượng đài Bác Hồ ở Học viện Lục quân (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
Tượng đài Bác Hồ ở Học viện Lục quân (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)

Ở tuổi 77, sau nhiều năm lao động miệt mài, họa sĩ, điêu khắc gia VÕ TÙNG NIÊN luôn mong mình có đủ sức khỏe để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Ông là một trong số những tác giả trong lĩnh vực điêu khắc ở Đồng Nai có nhiều công trình tượng đài lịch sử, tượng đài Bác Hồ và các phù điêu, sản phẩm điêu khắc khác được đánh giá cao.

Không chỉ điêu khắc, hội họa, ông Võ Tùng Niên còn là người đam mê nghệ thuật chèo với mong muốn góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Từ anh văn công tới họa sĩ, điêu khắc

* Ông đến với nghệ thuật như thế nào?

- Quê tôi ở Nam Định, sau thời học sinh thì đi học mỹ thuật rồi lại được nhận vào Đoàn Văn công H.Trực Ninh (tỉnh Nam Định) và được cử đi học trung cấp nhạc dân tộc tại Hà Nội. Nhờ đó, tôi có thể biểu diễn trống chèo, sáo, nhị và làm được các nhạc cụ dân tộc như: nhị, sáo, tiêu, đàn tam, đàn tứ. Việc theo con đường nghệ thuật của tôi như là sự sắp đặt tự nhiên từ buổi ban đầu, từ mỹ thuật sang nhạc cụ, rồi lại điêu khắc.

Khi đang làm việc tại đoàn chèo thì năm 1971, theo lệnh tổng động viên, tôi vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu và được điều về Phòng Tuyên huấn Quân khu 7 chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Công việc lúc đó của tôi là chiến sĩ văn công giải phóng, đi hát các khúc ca cách mạng, truyền lửa tinh thần yêu nước, nhuệ khí của quân giải phóng trên chiến trường.

* Một chiến sĩ văn công phục viên trở về rồi tham gia vào hoạt động hội họa đã giúp ích gì cho ông trong sáng tác?

- Sau giải phóng, tôi về sinh sống ở Đồng Nai cho đến nay. Tôi làm việc ở một doanh nghiệp sản xuất gốm sứ và được giao vẽ chân dung các lãnh tụ, các nhà lãnh đạo quốc gia, quốc tế trên các sản phẩm gốm. Tôi còn nhớ năm 1980, rất vinh dự được Đồng Nai chọn cặp bình gốm lớn cao hơn 2m vẽ hình anh hùng vũ trụ Liên Xô V.Gorbatko và anh hùng Phạm Tuân trên con tàu vũ trụ để mang ra tặng Trung ương.

Theo nghề vẽ hơn 10 năm thì tới 1990, tôi làm việc tự do, nhận nặn tượng, đắp phù điêu, vẽ tranh, vẽ chân dung, thiết kế quang cảnh, trang trí các công trình tập thể, nhà ở tư nhân để kiếm sống. Thuận lợi nhất là khi được làm tượng, vẽ tranh cho những đơn vị lớn, những mạnh thường quân am hiểu nghệ thuật, cho phép nghệ sĩ được tìm tòi sáng tạo, tiếp cận mỹ thuật hiện đại.

* Ông là họa sĩ, nhà điêu khắc ở Đồng Nai có nhiều tác phẩm về tượng đài, Bác Hồ, người lính. Với ông để thể hiện thành công chủ đề này, cần có yếu tố nào?

- Về tượng đài, tôi điêu khắc rất nhiều thể loại, trong đó có những công trình về đề tài lịch sử như tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum); tượng đài Tội ác giặc Pháp ở Phan Rí (Bình Thuận); tượng đài Du kích Tuy Phong cùng tác giả Hồ Thái Thiết (Bình Thuận); tượng đài Bác Hồ ở Học viện Lục quân (Đà Lạt); tượng đài Bác Hồ ở Công an Bình Thuận…

Trong tỉnh, tôi có phù điêu Nhà bia tưởng niệm Đại đội Lam Sơn, Phù điêu Chiến thắng của Lữ đoàn 22 xe tăng, tượng đá Gia đình dương xỉ ở Vườn tượng Trấn Biên, tượng Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, các tượng Xẩm chợ, Đấm chiêng, nghệ nhân Hà Thị Cầu, các phù điêu tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai…

Với tôi, sáng tác về đề tài người lính và lịch sử trước hết là phải có cái hồn trong đó, vốn sống, độ tinh tế, biểu cảm cũng phải phù hợp và mang lại giá trị. Với tượng Bác Hồ, tôi không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu và trên nền nhiều chất liệu như: đất, thạch cao, đá, đồng nhưng tượng Bác không chỉ làm bằng đôi tay của người nghệ sĩ mà còn tình cảm mến yêu và lòng tôn kính. Đó là những bức tượng Bác trong nhiều thời điểm, tư thế, hình dáng khác nhau, toát lên phong thái của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất hiền hòa và gần gũi.

Mong được khỏe để tiếp tục cống hiến

* Làm nghệ thuật, sự đón nhận của công chúng đối với các tác phẩm của mình là rất quan trọng. Phía sau mỗi giải thưởng thì các tác phẩm phải sống với đời sống riêng của nó, ông nhận định về điều này ra sao?

- Đó là điều chắc chắn. Tôi rất vui vì nghề, nghiệp của mình được Nhà nước, công chúng, khách hàng đón nhận. Nó vừa là công cụ mưu sinh vừa là nơi để người nghệ sĩ tự do sáng tạo. Thú thực giải thưởng tôi gặt hái cũng được khá nhiều, từ cấp tỉnh tới Trung ương nhưng điều tôi mong chờ nhất là để lại được chút giá trị về sau.

* Là người lâu năm trong nghề, ông có cảm nhận thế nào đối với nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt Nam?

- Theo tôi, hội họa, điêu khắc ở Việt Nam đang nỗ lực để vươn lên cùng với thế giới và cũng đã có những thành công nhất định, được công nhận. Nhưng để nói sánh vai được với các quốc gia có truyền thống trong mảng này cũng còn là vấn đề.

Ví dụ như việc tạc tượng hay tượng đài, nếu non tay, người nghệ sĩ sẽ bị gò bó trong những khuôn mẫu mà thiếu đi sự sáng tạo. Do đó, sáng tạo là quá trình tái tạo cảm xúc bằng ngôn ngữ điêu khắc vốn bị giới hạn trong khuôn mẫu vật liệu hay không gian định lượng. Quá trình vượt qua các khuôn mẫu nhằm truyền tải cảm xúc vào tác phẩm nghệ thuật cũng chính là quá trình sáng tạo của nghệ sĩ.

Cũng cần nói thêm là phải tạo được cái hồn, nhân cách hóa tác phẩm điêu khắc lên, điều này, nếu thiếu cảm nhận thực tế, thiếu vốn sống cũng rất khó để thực hiện.

Tác giả Võ Tùng Niên đang hoàn thiện một tác phẩm. Ảnh: NVCC
Tác giả Võ Tùng Niên đang hoàn thiện một tác phẩm. Ảnh: NVCC

* Không chỉ theo nghiệp vẽ, điêu khắc, những năm gần đây ông còn thành lập nhóm dân ca để lưu giữ những nét đẹp về văn hóa của dân tộc. Nhóm này hoạt động ra sao?

- Chiếu chèo Hương Việt của chúng tôi đã hoạt động được một thời gian. Thực tế, ở đây có nhiều người ở các địa phương miền Bắc vào sinh sống nên chúng tôi tập hợp nhau lại, vừa là để có nơi sinh hoạt hội hè, vừa góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống.

Dù các “nhạc công, nghệ sĩ” đều là những người có tuổi nhưng vẫn say mê đàn hát vào thời gian định kỳ trong tuần. Chúng tôi cũng đi giao lưu, biểu diễn ở các khu phố, phường, địa phương khác. May mắn là vợ tôi vốn trước cũng làm văn công trong quân đội nên thuận lợi trong việc tập luyện, từ đó có thêm một số bạn bè hỗ trợ thêm.

* Nếu có một điều ước, giờ đây ông sẽ ước gì?

- Tất nhiên là ai cũng mong muốn mình được khỏe mạnh, tuổi của tôi năm nay cũng đã 77 rồi. Hiện sức khỏe không còn như trước, ngày xưa 2 vợ chồng vẫn có những chuyến “phượt Nam - Bắc” bằng xe máy nhưng bây giờ yếu nhiều rồi. Một năm nay cánh tay tôi yếu sau khi bị ốm nên đang phải tập để lấy lại cảm giác tốt nhất. Tôi chỉ luôn mong có được sức khỏe tốt để tiếp tục tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật để lưu lại cho đời.

* Xin cảm ơn ông!

Khi Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được thành lập vào năm 1979, Võ Tùng Niên tích cực tham gia các hoạt động và được kết nạp vào Hội, thuộc lớp hội viên lứa đầu. Từ nhiều năm trước, họa sĩ Võ Tùng Niên còn là cây bút vẽ minh họa chủ lực của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai.

Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích