Báo Đồng Nai điện tử
En

Sửa đổi chính sách về đất đai sát thực tế

09:03, 04/03/2023

Luật Đất đai được xây dựng từ năm 1987, sau nhiều năm đi vào cuộc sống, dù đã có những chỉnh sửa, bổ sung, gần nhất là Luật Đất đai năm 2013, cũng không theo kịp với nhu cầu và những đổi thay của thực tế.

Luật Đất đai được xây dựng từ năm 1987, sau nhiều năm đi vào cuộc sống, dù đã có những chỉnh sửa, bổ sung, gần nhất là Luật Đất đai năm 2013, cũng không theo kịp với nhu cầu và những đổi thay của thực tế.

Khi chính sách đất đai hoàn thiện, việc làm các thủ tục liên quan đến đất đai sẽ dễ dàng hơn Trong ảnh: Người dân làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Trung tâm hành chính công TP.Biên Hòa. Ảnh: P.LIỄU
Khi chính sách đất đai hoàn thiện, việc làm các thủ tục liên quan đến đất đai sẽ dễ dàng hơn Trong ảnh: Người dân làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Trung tâm hành chính công TP.Biên Hòa. Ảnh: P.LIỄU

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Chính phủ lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự án Luật Đất đai sửa đổi (từ ngày 3 đến 15-3-2023), nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến đất đai để tránh những hạn chế, vướng mắc dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.

 Lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết

Sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm: 16 chương, 236 điều, bao gồm nhiều chính sách mới; sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng của Luật Đất đai năm 2013, là văn bản quy phạm pháp luật có sức tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến từng cá nhân và môi trường đầu tư, kinh doanh.

9 vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến lần này gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất…

Theo ý kiến của nhiều người, đây là những vấn đề rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đất nước nói chung và của từng bộ ngành, địa phương nói riêng, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi gia đình. Cho nên việc lấy ý kiến để tiến hành sửa đổi, cập nhật, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là rất cần thiết và quan trọng, để bảo đảm Luật theo sát được diễn biến thực tế, tính toán, dự trù được những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi áp dụng Luật trong thực tiễn.

Ông Đặng Đức Hòa, cán bộ lão thành (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, Luật Đất đai là một luật lớn, có tác động đến mọi thành phần. Việc tổ chức lấy kiến nhân dân sẽ giúp phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai.

“Qua theo dõi, tôi thấy việc lấy kiến đang được diễn ra khá thực chất, rộng khắp. Đây cũng là dịp để người dân tiếp cận thông tin, hiểu rõ và hiểu đúng chính sách về đất đai để thực thi đúng, nhận định đúng để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia góp ý một cách thuận tiện, dễ dàng, minh bạch. Công tác tổng hợp ý kiến của người dân cũng cần được tiến hành khách quan, toàn diện” - ông Đặng Đức Hòa bày tỏ.

Người dân đặc biệt quan tâm

Trong rất nhiều nội dung lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân lần này, vấn đề giải tỏa, thu hồi đất, giá đền bù, tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) là những nội dung hay gây ra khiếu nại, tố cáo, tranh chấp kéo dài… đang được người dân đặc biệt quan tâm.

Ông Trần Đức Đoàn (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, khu vực nhà của ông sắp tới sẽ bị giải tỏa trắng để nhường đất cho dự án Cầu Thống Nhất, nên ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường và tái định cư - nội dung cũng đang được thảo luận, lấy ý kiến đợt này. Theo ông Đoàn, sau khi đọc dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cũng như theo dõi ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia khoa học về vấn đề này, ông thấy dự thảo có nhiều quy định mới, có lợi cho người dân. Dự thảo quy định rõ trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Cụ thể, mức bồi thường bằng tiền phải căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất; đồng thời việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống, bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.

Ngoài ra, vấn đề cấp giấy chứng nhận QSDĐ cũng được rất nhiều người dân quan tâm. Ông Trần Ngọc Thành (ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) cho hay, những năm qua việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua những buổi tiếp xúc cử tri cho thấy đã có rất nhiều ý kiến tố cáo tiêu cực, những vụ tranh chấp đất đai, khiếu nại, khiếu kiện xảy ra liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Do đó, ông Thành cho rằng, Luật cần quy định rõ các trình tự, các giấy tờ liên quan và trách nhiệm của cán bộ địa chính trong việc hỗ trợ người dân khi đất của họ đủ điều cấp giấy, tránh tình trạng cán bộ cơ sở không hướng dẫn hoặc cố ý không hướng dẫn thủ tục cụ thể cho người dân khi làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhằm trục lợi.

Phương Liễu


Giám đốc Sở TN-MT ĐẶNG MINH ĐỨC:

Nhiều ý kiến đóng góp rất trách nhiệm, có giá trị, xác đáng và sát với thực tế

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Đồng Nai đang tổ chức các hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Những ngày qua, đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp rất xác đáng và có giá trị cho việc hoàn thiện chính sách đất đai, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các thành phần trong xã hội đối với việc thể chế hóa những quan điểm đổi mới về quản lý, sử dụng đất đai của Đảng và Nhà nước trước đây.

Phần lớn các ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung trọng tâm, trong đó nổi bật là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 3 cấp huyện, tỉnh, quốc gia; vấn đề  thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mức giá đất bồi thường phù hợp… Đặc biệt, nhiều ý kiến có sự chuẩn bị công phu, xác đáng, chi tiết và cụ thể, chỉ ra những lỗ hổng, những thiếu sót, bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Điều đó giúp cho việc hoàn thiện chính sách về đất đai càng sát với thực tiễn cuộc sống.

Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó     giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh): 

Xây dựng khá chi tiết các nội dung cần sửa đổi

Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã làm rõ và quy định khá chi tiết các nội dung cần sửa đổi. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, các chính sách mới và nội dung cơ bản của dự thảo luật cần phải có nhiều điểm mới nổi bật và mang tính đột phá quan trọng như: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản…

Đây là những chính sách vô cùng thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Ngoài ra, các chính sách và nội dung cơ bản của dự thảo cũng tiếp tục bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; tiếp tục đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng đất. Từ đó thực hiện mục đích lớn là hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, lâu dài, phù hợp với thực tế.

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều