Báo Đồng Nai điện tử
En

Trịnh ca - Nét văn hóa của người Hà Nội

07:02, 24/02/2023

Giữa ồn ào náo nhiệt của phố thị, phòng trà Trịnh ca ngụ ngõ 233, phố Tô Hiệu, Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội) trở thành điểm đến của nhiều người yêu nhạc Trịnh Công Sơn (Trịnh khách) và trở thành nét văn hóa của Hà Nội hơn ngàn năm tuổi.

Giữa ồn ào náo nhiệt của phố thị, phòng trà Trịnh ca ngụ ngõ 233, phố Tô Hiệu, Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội) trở thành điểm đến của nhiều người yêu nhạc Trịnh Công Sơn (Trịnh khách) và trở thành nét văn hóa của Hà Nội hơn ngàn năm tuổi.

Các ca sĩ biểu diễn nhạc Trịnh tại phòng trà
Các ca sĩ biểu diễn nhạc Trịnh tại phòng trà

* Điểm hẹn văn hóa

Theo ca sĩ Lê Tâm, Giám đốc phòng trà Trịnh ca, năm 2023 vừa tròn 15 năm phòng trà hoạt động với sự cho phép của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhằm lan tỏa tinh thần nhạc Trịnh. Khi thiết kế, phòng trà Trịnh ca luôn tâm niệm phải đưa được hình ảnh quê hương với bụi tre, mái nhà vào khuôn viên quán. Đây là một nét đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt giữa phố thị thủ đô. 15 năm gây dựng và trưởng thành, phong trào yêu thích nhạc Trịnh không chỉ thu hút những người cao tuổi, mà còn rất nhiều bạn trẻ đến với phòng trà.

“Bụi tre, mái nhà - nét đặc trưng của quê hương Việt Nam và âm nhạc Việt. Bởi cây tre là hình ảnh luôn gắn với quê hương, đất nước; mái nhà là đại diện hình thái cư trú. Khi nhắc đến bụi tre, mái nhà, người Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều liên tưởng ngay đến gia đình, dòng họ, làng mạc, cộng đồng và là sợi dây kết nối sự “hướng về” của mọi người Việt ở khắp năm châu. Qua đó, còn tạo cho các Trịnh khách cảm giác nhớ về quê hương, gia đình khi đến với phòng trà” - ca sĩ Lê Tâm bộc bạch.

Theo thống kê của Trịnh ca, khoảng 80% Trịnh khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố đến với phòng trà. 20% còn lại là người Việt sinh sống tại các nước trên thế giới cũng như du khách nước ngoài thưởng thức và yêu nhạc Trịnh.

Không chỉ được đánh giá cao về không gian, Trịnh ca còn được nhiều người biết đến bởi chất lượng âm nhạc cũng như giọng hát của các ca sĩ, nhạc công đã được lựa chọn tỉ mỉ, đủ để làm hài lòng những Trịnh khách. Không gian quán nhỏ xinh, thiết kế đơn giản nhưng mang lại cảm giác ấm cúng, thân thuộc. Hơi hướng hoài cổ toát lên trong từng cách bày trí vừa hiện đại, vừa tạo cảm giác “gây thương nhớ” cho các Trịnh khách khi đến với Trịnh ca.

Từ bộ bàn ghế gỗ mộc mạc, nhỏ xinh, ánh đèn vàng, những ngọn nến lung linh, những bức tranh về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bình hoa cúc, những lời bài hát, câu thơ gắn liền với tên tuổi của người nghệ sĩ quá cố được treo ở những vị trí trang trọng, tạo điểm nhấn cho quán. Tất cả cùng hòa quyện vào nhau, mang lại cảm giác hoài niệm cho bất kỳ ai từng một lần đến với Trịnh ca. Menu đồ uống của quán đa dạng với tên gọi được lấy cảm hứng từ những ca khúc của người nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn như: Cafe Vô thường, Thu phai, Kocktail Biển nhớ…

Là người đặc biệt yêu thích nhạc Trịnh sau những bài giảng và công việc trí tuệ khá mệt, TS Đặng Thanh Phương, giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền chia sẻ: “Giữa bộn bề và sự náo nhiệt của phố thị, phòng trà Trịnh ca thực sự trở thành điểm đến vừa thư giãn nghe nhạc, vừa bồi đắp thêm tình yêu âm nhạc cũng như được đắm mình trong những ca khúc nhạc xưa. Điều này giúp tôi được cảm nhận, chiêm nghiệm và sống chậm hơn dành cho chính bản thân mình”.

Chị Thu Hoài đến từ Đà Nẵng cho biết, chị biết đến phòng trà khá lâu nên dịp về Hà Nội công tác, chị đã đặt vé để được cảm nhận sâu sắc hơn những tình khúc nhạc Trịnh qua sự biểu diễn của các nghệ sĩ rất “chất”.

Một trong những yêu cầu khi các Trịnh khách bước vào phòng trà là để chế độ điện thoại im lặng hoặc tắt máy để được cảm nhận sâu sắc nhất từng lời ca, tiếng hát, điệu đàn nêu bật ý tưởng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đặc điểm của nhạc Trịnh chính là yêu hòa bình - là sợi dây kết nối hòa bình, yêu cuộc đời và đặc biệt ông nhấn mạnh về tình yêu một cách có chiều sâu phù hợp nội tâm của các Trịnh khách.

* Tri ân người nhạc sĩ tài năng

Trải qua 15 năm thăng trầm, Trịnh ca có những lúc khó khăn, có sự thành công và trở thành một điểm đến không thể thiếu của những du khách mê nhạc xưa, nhạc Trịnh khi về đến Thủ đô. Ca sĩ Lê Tâm cho rằng, điều quan trọng nhất mà Trịnh ca thành công chính là luôn hướng tới cách hát, cách trình diễn xưa cũ nhưng nêu bật được ý muốn, chủ đề mà các ca khúc của tác giả muốn viết ra.

Khung cảnh của Trịnh ca nhìn từ ngoài vào
Khung cảnh của Trịnh ca nhìn từ ngoài vào

Sau 2 năm dịch Covid-19, các Trịnh khách không thể trực tiếp đến phòng trà nên anh chị em nghệ sĩ phải thực hiện các đêm âm nhạc qua hình thức online. Nhờ vậy mà khán giả trong và ngoài nước biết đến, yêu mến. Trong đó, không chỉ du khách người Việt ở xa Tổ quốc mà còn có cả những du khách trên thế giới như: Úc, Mỹ, Nhật… đều yêu thích nhạc Trịnh.

Khi đại dịch lắng xuống, phòng trà được mở cửa lại, nhiều du khách nước ngoài đến với phòng trà tiếp tục khẳng định, nhạc Trịnh thực sự không biên giới, không giới hạn và trở thành sợi dây kết nối hòa bình giữa người Việt với bạn bè quốc tế.

Ca sĩ Lê Tâm nhấn mạnh: “Nhạc Trịnh đại diện âm nhạc của Việt Nam đến với bạn bè năm châu; là sự kết nối hòa bình của người Việt đến với bạn bè quốc tế…”.

Ngày 1-4 năm nay sẽ kỷ niệm 22 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ biệt cõi trần. Với những người yêu nhạc Trịnh, ông không bao giờ mất đi mà ông chỉ rời cõi tạm. Trịnh ca sẽ tổ chức đêm tri ân với chủ đề Giấc mơ Trịnh tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đêm nhạc sẽ có sự góp mặt của nhiều ca sĩ đã từng thành công khi hát nhạc Trịnh như: Hoàng Trang, Nguyễn Đông, Lê Tâm, Diệu Thúy…

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều