Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tàn cây trứng cá…

07:02, 18/02/2023

Ở Nam bộ này, có lẽ trứng cá là loài cây quen thuộc, gần gũi với hầu hết mọi người. Trứng cá là loài cây mọc hoang, chẳng mấy ai chăm sóc. Nhưng ở nhiều nơi, người ta trồng nó để lấy bóng mát nên nó có mặt ở trên vỉa hè, trước sân nhà, ở bãi đất hoang…,

1. Ở Nam bộ này, có lẽ trứng cá là loài cây quen thuộc, gần gũi với hầu hết mọi người. Trứng cá là loài cây mọc hoang, chẳng mấy ai chăm sóc. Nhưng ở nhiều nơi, người ta trồng nó để lấy bóng mát nên nó có mặt ở trên vỉa hè, trước sân nhà, ở bãi đất hoang…, nhất là ở những vùng ven, ở ngoại thành. Có những bãi đất chưa kịp xây cất, chỉ trong vài tháng đã có nhiều cây trứng cá mọc lên, tàn lá xanh tươi, rủ chim chóc đến ríu rít tìm sâu, tìm trái. Trứng cá lớn nhanh, tán rộng, không chỉ làm tán che mát cho những người sửa xe, buôn bán nhỏ, bán dạo trên vỉa hè mà còn góp thêm vào mảng xanh của các đô thị.

Cây trứng cá còn có tên là mật sâm. Nhiều tài liệu nói đây là loài thực vật có nguồn gốc ở miền Nam và Trung Mỹ, là một loại cây thân gỗ nhỏ, thường cao khoảng ba đến năm thước với các cành xếp chồng lên nhau, nên dù lá nhỏ nhưng tán lá vẫn rất mát. Trứng cá có thể phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng, có khả năng chịu được các điều kiện khắc nghiệt, nhất là khô hạn. Bởi vậy, ta không lạ khi thấy trứng cá mọc ở kẽ gạch trên vỉa hè vốn rất nóng và thiếu nước, thậm chí nó còn mọc ở những khe tường… Nhờ vậy, trứng cá góp phần giúp cho việc cải thiện các điều kiện của đất và tạo điều kiện để một số loài cây khác có thể sinh sống được ở các vùng đất này.

2. Quả trứng cá ăn được, ngọt và mọng nước, chứa nhiều hạt nhỏ màu vàng trông như trứng cá. Nhiều thế hệ trẻ thơ đã từng gắn bó với việc tìm hái, trao đổi những quả chín đỏ. Đám con trai thì leo trèo, đứa nào nhát thì có thể kéo cành thấp xuống để với hái; con gái thì dùng cù móc, có đứa còn khéo léo làm một cái vợt vải nhỏ xíu để hái những trái trên cao. Trái chín được làm quà để tặng nhau hoặc là thứ để cá cược, trao đổi trong những trò chơi trẻ thơ, bắn bi, đánh đáo… Thi thoảng, ta vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh những lon sữa bò, những túi ny-lông đựng đầy trái trứng cá đỏ tươi để trên cái bàn nhỏ dưới tàn trứng cá chờ bán cho người đi đường…

Có tài liệu cho biết loại quả này có thể nấu chín để làm mứt. Lá có thể dùng nấu nước uống như nước trà. Nước sắc hoa trứng cá được dùng làm thuốc chống co giật, trị nhức đầu còn lá được dùng chữa các bệnh về gan. Dịch chiết từ lá cây trứng cá có tác dụng hạ huyết áp. Nước chiết từ lá có tác dụng làm dịu các cơn đau. Cây trứng cá tuy không phải là cây thực phẩm nhưng trái có thể ăn được, lá, thân, rễ thì có thể dùng làm thuốc. Thêm việc lấy tán, đối với một số người, trứng cá là cây có ích.

3. Từ lâu, cây trứng cá được đi vào văn chương, âm nhạc. Có lẽ rất nhiều người quen thuộc với ca khúc Nhành cây trứng cá của nhạc sĩ Vinh Sử, có âm điệu dịu dàng và ngọt ngào, ca từ giản dị, trong sáng nhưng cũng mang nỗi buồn man mác, không chỉ xa cách người yêu thương mà còn xa cả một thời hoa niên hồn nhiên. “Bẻ một nhành cây nhành cây trứng cá/ Để khi vô trường chia trái cho em/ Hương trái mê ly, hai đứa xù xì/ Cô giáo phạt quỳ em lệ hoen mi/ Bẻ một nhành cây nhành cây trứng cá/ Để chơi chung trò em giả cô dâu…”.

Đặc biệt, soạn giả Viễn Châu có một bản ca cổ mang tên Cây trứng cá sau vườn, được nghệ sĩ Minh Cảnh trình bày rất thành công. Bài hát nói về một mối tình bên cây trứng cá, nhưng rồi khi giặc Pháp vào xâm lược, chàng trai đã lên đường tham gia nghĩa quân chống giặc. Vào sinh ra tử, chàng vẫn nhớ về cây trứng cá và người yêu thuở nhỏ: “Mấy năm khổ ải với gió bãi trăng ghềnh. Anh không quên cây trứng cá của lứa đôi mình. Anh nhớ từng cái rễ lồi hai đứa mình làm ghế, từng cái cháng ba hai đứa mình leo”… Nhưng người con gái ở quê nhà lấy một tên Việt gian: “Anh đâu buộc em phí thời son trẻ chôn tuổi xanh trong mòn mỏi đợi mong. Nhưng trách con chim không lựa cành mà đậu thiếu chi nơi sao lấy giặc làm chồng”. Khi nghĩa quân tiến về làng thì chàng trai bắt gặp người yêu năm xưa cùng chồng đang ra lệnh đốn cây trứng cá năm nào để dọn đường cho việc đàn áp quân khởi nghĩa: “Chồng em đang hạ lịnh đốn cây trứng cá trống đường để quan sát nghĩa quân. Em thản nhiên nhìn cây kỷ niệm rên xiết lên từng nhát búa vô tình”. Lòng ghen hờn cộng với sự căm thù, chàng trai vung gươm giết cả hai người… Cây trứng cá trở thành biểu tượng cho quê hương, xứ sở, cho tình yêu gắn bó keo sơn, cũng là tình yêu nước thương nhà…

4. Hiện nay, tại nhiều nơi trứng cá là loại cây không có trong danh mục cây xanh đô thị được quản lý, là loài cây được khuyến cáo không nên trồng trên đường phố, công viên, vì quả rơi rụng gây ô nhiễm môi trường, hấp dẫn ruồi nhặng, có thể góp phần gia tăng dịch bệnh mùa hè. Trứng cá lại phát triển nhanh, rễ ăn lan, phá vỡ lớp vỉa hè. Không chỉ vậy, thân cây mềm, không chỉ dễ gãy đổ mà có thể thu hút một số người leo trèo gây nguy hiểm…

Dù vậy, cây trứng cá vẫn mọc, vẫn được trồng ở nhiều nơi và khá gần gũi với đời sống người dân. Nếu như một loài cây khác được trồng lấy tán khá phổ biến là cây bàng ít được nhắc tới thì cây trứng cá lại có thân thuộc với mọi người hơn. Phải chăng cây bàng hay có sâu, lại rụng lá vào cuối năm, còn trứng cá thì ít có sâu, lại không rụng lá theo mùa, hay trứng cá còn có trái ngọt khiến nhiều người không thể quên? Hay trứng cá đã đi vào nhạc khiến nó nên thơ, lãng mạn và gợi cho chúng ta nhiều kỷ niệm?

Không phải những thứ cho chúng ta chút ngọt ngào đều vô hại, cũng như không phải những thứ có hại cho chúng ta thì đều không có chút gì lợi ích. Vấn đề là ta ứng xử với nó như thế nào để cái tốt được nhiều hơn, cái hại bớt đi… Không chỉ với cây trứng cá mà còn nhiều thứ khác cũng vậy!

Nguyễn Minh Hải

Tin xem nhiều