Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân viên y tế được hỗ trợ, người bệnh cũng vui lây

08:12, 17/12/2022

Tôi là một giáo viên về hưu, thường xuyên phải vào bệnh viện và cũng là mẹ của 2 con đang làm bác sĩ. Con trai tôi là bác sĩ hiện đang công tác tại một trung tâm y tế tuyến huyện, còn con dâu làm việc ở một đơn vị dự phòng nên tôi hiểu rất rõ về những khó khăn của những người khoác lên mình tấm áo blouse trắng với sứ mệnh thiêng liêng "thầy thuốc như mẹ hiền".

Tôi là một giáo viên về hưu, thường xuyên phải vào bệnh viện và cũng là mẹ của 2 con đang làm bác sĩ. Con trai tôi là bác sĩ hiện đang công tác tại một trung tâm y tế tuyến huyện, còn con dâu làm việc ở một đơn vị dự phòng nên tôi hiểu rất rõ về những khó khăn của những người khoác lên mình tấm áo blouse trắng với sứ mệnh thiêng liêng “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Từ những chia sẻ của con và những lần thực tế chữa bệnh, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, tôi đã cảm nhận được những khó khăn, vất vả và sự cống hiến không quản ngày đêm của NVYT khi phải đối mặt với áp lực công việc rất cao. Dù đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ chi phí cho lực lượng tham gia chống dịch Covid-19, song mức thu nhập vẫn chưa tương xứng với khối lượng và tính chất công việc nên khiến con tôi cũng như nhiều đồng nghiệp không khỏi nản lòng. 

Thực tế, con trai tôi học bác sĩ 7 năm, ra trường làm việc thêm 5 năm nữa, nhưng thu nhập chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng. Con dâu tôi cũng làm bác sĩ dự phòng và lương cũng chỉ được 6 triệu đồng/tháng. Áp lực cuộc sống khi vợ chồng cháu phải nuôi 2 con nhỏ, chi tiêu hàng ngày và phải trả tiền vay ngân hàng khi đầu tư mua căn hộ nhà ở xã hội… khiến các con tôi xoay như chong chóng. Ngày ra trực thay vì nghỉ ngơi, các con lại lao vào làm thêm kiếm tiền, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các NVYT phải làm việc nhiều hơn trong khi chế độ, chính sách không tăng, thậm chí có nơi còn giảm do không có nguồn thu thêm từ khám chữa bệnh dịch vụ, khiến nhiều bác sĩ, NVYT nản lỏng, nghỉ việc. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng hoạt động khó khăn do thiếu nhân lực, không đảm bảo kíp trực. Chất lượng khám chữa bệnh vì vậy cũng ít nhiều bị ảnh hưởng và người gánh chịu cuối cũng là bệnh nhân.

Cho nên, khi biết chính sách hỗ trợ nguồn lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 với gói hỗ trợ gần 890 tỷ đồng được thông qua, theo đó vợ chồng bác sĩ con tôi được thêm khoảng 7 triệu đồng/tháng thì không chỉ các con mà tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác sẽ vui hơn. Bởi khi NVYT sống được với nghề, họ sẽ yên tâm với công việc, nhất là các bác sĩ giỏi sẽ không rời khỏi bệnh viện công, để người bệnh có cơ hội chăm sóc điều trị tốt mà ít tốn kém.

Ông bà mình vẫn nói: “Có thực mới vực được đạo”, không thể đòi hỏi NVYT phải tận tâm, tận lực cho người bệnh, phải cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân khi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, vì đó là một đòi hỏi rất vô lý. Bác sĩ cũng cần có thu nhập tốt để yên tâm làm việc, cống hiến. Cho nên, chính sách hỗ trợ NVYT vừa được HĐND tỉnh thông qua, theo tôi là một sự nhìn nhận kịp thời và công bằng cho những người đang ngày đêm thao thức cùng bệnh nhân, đau với nỗi đau của bệnh nhân. Và hy vọng, sự hỗ trợ này đủ dài để vực lại tinh thần làm việc của một lực lượng không thể thiếu trong xã hội.

Đặng Thụy Lam Khuê (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều