Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay bài trừ hàng giả, hàng nhái…

08:12, 10/12/2022

Dịp cuối năm nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân thường tăng cao, đây cũng là thời điểm các gian thương tung ra thị trường các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi.

Dịp cuối năm nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân thường tăng cao, đây cũng là thời điểm các gian thương tung ra thị trường các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hóa ở một cơ sở sản xuất, kinh doanh tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Cục Quản lý thị trường cung cấp
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hóa ở một cơ sở sản xuất, kinh doanh tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Cục Quản lý thị trường cung cấp

Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về tình trạng này, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhiều giải pháp từ cơ quan chức năng và chính sự cảnh giác, tự giác của người tiêu dùng.

* Hàng giả, hàng nhái ngày càng đa dạng

Việc các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều cơ sở sản xuất, phân phối mỹ phẩm giả với quy mô lớn mới đây đã gây lo ngại cho người tiêu dùng về các mánh khóe gian lận trên thị trường.

Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chống hàng giả, tìm hiểu thông tin hàng hóa qua nhiều kênh; hợp tác với cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời khi bị xâm phạm quyền lợi.

Bà Trần Thị Bảo Châu (KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận định, từ các vụ việc gian lận cụ thể được cơ quan chức năng phát hiện như:  phát hiện 5 kho và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu ở H.Bình Chánh (TP.HCM) vào ngày 5-12; kiểm tra, bắt giữ 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả mạo tại tỉnh Bắc Ninh vào tháng 7-2020; phát hiện, xử lý hàng ngàn sản phẩm, nguyên liệu sản xuất áo khác giả mạo nhãn hiệu ở tỉnh Hải Dương vào tháng 5-2022... cho thấy quy mô và đặc biệt là tính phức tạp của hàng giả ngày càng tăng.

“Đáng ngại là hàng giả khá đa dạng, không chỉ tập trung ở mỹ phẩm, đồ gia dụng mà đã xuất hiện ở cả xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, thực phẩm... Nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, thậm chí trộn cả đất, xỉ vào để làm phân bón bán ra ngoài thị trường gây bức xúc trong dư luận” - bà Châu bày tỏ lo lắng.

Mua hàng trực tiếp còn khó phân biệt thật giả, huống hồ mua hàng qua các trang mạng xã hội hoặc giao dịch trên các trang thương mại điện tử. Đây là kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ; hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Từng mua phải hàng nhái, hàng giả trên các trang thương mại điện tử, BĐ Đồng Đại Thành (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho rằng, bên cạnh các tiện ích khi mua hàng online thì điểm yếu của phương thức mua bán này là sự xác tín về nhãn mác, chất lượng, tính hợp pháp… của món hàng hầu như lệ thuộc vào uy tín của trang web bán hàng hoặc cá nhân người bán.

* Cần quyết liệt trong xử lý

Do có tính đặc thù nên hiện nay, mua bán hàng trực tuyến hầu chưa được quản lý, kiểm soát sâu sát, bao quát của cơ quan quản lý trong các khâu: thanh toán, giao hàng, kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng món hàng… “Điều này dẫn đến các kênh bán hàng trực tuyến đang là “thiên đường” của hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Cơ quan chức năng cần có biện pháp khả thi, rốt ráo để kiểm tra và xử phạt nghiêm” - BĐ Đồng Đại Thành kiến nghị.

Để bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ, nhiều giải pháp từ cơ quan chức năng và chính sự cảnh giác, tự giác của người tiêu dùng. “Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử phạt các đơn vị vi phạm trong vấn đề hàng nhái, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, tăng cường áp dụng các giải pháp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, ban hành các quy định pháp lý chặt, phù hợp để quản lý đối với lĩnh lực kinh doanh trực tuyến” - BĐ Phan Hồng Trâm (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) đề xuất.

Thực tế, có nhiều người tiêu dùng còn dễ dãi thậm chí có thói quen dùng hàng nhái, mua hàng nhái (“fake”). Nhu cầu này được nhiều trang mạng bán hàng đáp ứng, quảng cáo bán hàng nhái công khai. Có nơi còn quảng cáo khẳng định sản phẩm của mình là hàng “fake” loại 1, loại 2… hay “super fake”.

Người bán hàng giả khi bị phát hiện đã có luật để xử lý, tuy nhiên với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý. Đây là vấn đề pháp lý được một số BĐ đặt ra. Một số ý kiến cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững, cần công bằng trong vấn đề xử lý với cả người bán lẫn người mua.

 Song song đó, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng người tiêu dùng không nên có tâm lý “sính ngoại”,  mua các mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc...

Kim Liễu


Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh PHẠM GIA HẢI: Siết chặt các quy định về bán hàng online

Việc xác minh tên, địa chỉ người vi phạm liên quan đến hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái… khi mua hàng online gặp khó khăn do nhiều người bán không đăng ký với các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp bị phản ảnh đã khóa tài khoản không liên hệ được. Có trường hợp phát sinh khiếu nại, Hội tiếp cận được thì thiếu cơ sở pháp lý để làm việc vì người bán hàng không có phiếu giao hàng và nhận tiền mặt…

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi gian dối, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh, các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa các quy định về bán hàng online, tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Song song đó, người tiêu dùng nên nâng cao cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nhận diện hàng thật, giả; tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, cách truy xuất nguồn gốc hàng hóa; nên mua hàng ở những trang thương mại điện tử chính thức, uy tín.

Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Đồng Nai NGUYỄN THANH LÂM: Bổ sung và hoàn thiện pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái

Việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về mua bán hàng online không dễ do khó tìm ra danh tính thật của chủ thể kinh doanh. Bởi hiện nay việc lập ra các trang mạng xã hội để bán hàng quá dễ dàng, ai cũng có thể làm được. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc rà soát, quản lý mô hình kinh doanh trên mạng, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt cần bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp lý về chống hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thì quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng lực lượng quản lý thị trường, năng lực thực thi điều tra, phát hiện cũng như xử lý vấn đề hàng gian, hàng giả. Để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng luôn được bảo vệ, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính sự tự giác của người tiêu dùng.

Từ nay đến cuối năm 2022 là dịp buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, để kịp thời ngăn chặn, mới đây Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống  buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật… Đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Gia An (ghi)


 

Tin xem nhiều