Báo Đồng Nai điện tử
En

Trương Anh Ngọc: Đi khi ta còn trẻ

08:10, 01/10/2022

Nhà báo, tác giả Trương Anh Ngọc vừa ra mắt cuốn sách du ký mới của anh: Đi khi ta còn trẻ (NXB Thế giới và Nhã Nam ấn hành). Cuốn sách tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người đi đó đi đây để trải nghiệm và khám phá thời hậu đại dịch Covid-19.

Nhà báo, tác giả Trương Anh Ngọc vừa ra mắt cuốn sách du ký mới của anh: Đi khi ta còn trẻ (NXB Thế giới và Nhã Nam ấn hành). Cuốn sách tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người đi đó đi đây để trải nghiệm và khám phá thời hậu đại dịch Covid-19.

Trương Anh Ngọc tại Porto (Bồ Đào Nha) hè 2022
Trương Anh Ngọc tại Porto (Bồ Đào Nha) hè 2022

“Cái máu xê dịch đã ăn sâu vào tôi từ lúc nào không biết nữa, để rồi nhận ra rằng, tôi thực ra thuộc về những chuyến đi. Và khi thế giới dần bình thường trở lại, tôi lại bay” - tác giả Anh Ngọc viết.

* “Tôi thuộc về những chuyến đi”

“Thế giới là một phần của tôi và tôi là một phần của nó” - tác giả TRƯƠNG ANH NGỌC.

Đi khi ta còn trẻ với 234 trang sách tiếp tục thể hiện tinh thần đam mê xê dịch, khám phá thế giới của tác giả với quan điểm: “Nơi đâu đi trên cõi đời này mà tôi và gia đình nhỏ của mình thấy thích, thì đấy chính là nhà. Nhà, hay quê hương, nơi tôi sinh ra, giờ là một khái niệm để chỉ một mảnh tâm hồn, là những người thân thương, là những kỷ niệm đã có, những chuyện buồn và vui đã gặp ở một nơi nào đó”...

Đi khi ta về già

Trong sách Đi khi ta còn trẻ, tác giả dẫn chứng trường hợp bà Sudha Mahalingam, người Ấn Độ, đã đi hơn 70 nước trên thế giới và chưa hề có ý định dừng lại dù đã 70 tuổi nhờ vào sức khỏe, vui vẻ, lạc quan và không ngại rủi ro. “Trong những hành trình của mình, tôi gặp rất nhiều ông bà cụ tuổi cao chót vót đang đi du lịch vui vẻ, rất nhiều cặp vợ chồng già đầu tóc bạc trắng vẫn lang thang khắp thế giới” - Anh Ngọc khẳng định.

“Đi khi ta còn trẻ, đúng thế, tôi luôn nói thế, nhưng già rồi thì vẫn cứ lang thang. Vấn đề là luôn giữ gìn sức khỏe và một tinh thần phơi phới ngay từ khi còn trẻ, để đến lúc già ta vẫn cứ chu du”. Sự chuẩn bị về văn hóa, tâm lý, tư tưởng và quan trọng là sức khỏe sẽ giúp người cao tuổi vẫn có thể rong ruổi và “tận hưởng cuộc sống một cách tối đa khi nó còn đang diễn ra”.

 

Ngay trong lời mở của cuốn sách, Trương Anh Ngọc đã kể rằng sau hơn chục năm ròng “cứ đi đi rồi lại về về trong những cuộc hành trình”, anh đã hiểu ra rất nhiều điều về cuộc sống, những gắn bó và những tình cảm với những nơi đã đi qua hay ở lại (tác giả từng có thời gian sống và làm việc tại Roma, Italy 6 năm trong thời gian làm phái viên TTXVN). Nhờ cơ duyên đi, Anh Ngọc đã trải nghiệm “nụ cười và nước mắt, niềm vui và nỗi đau, những mảnh đời, những buổi hoàng hôn và bình minh tuyệt đẹp, trăng, mưa, sa mạc, tuyết” từ châu Phi đến Nam Mỹ, từ Paris đến Saint Petersburg... Để rồi từ đó, anh có những quan niệm sống cởi mở và hiện đại giãi bày trong sách.

Ví dụ tiêu biểu là tác giả và bà xã không “đầu tư” vào vật chất, tài sản, mà vào những chuyến đi, vào con cái. Lý do? “Để sau này đủ lông đủ cánh, con sẽ lại bay đi, đến những chân trời khác. Bố mẹ con không cần phải lo, bởi bố mẹ chắc chắn sẽ có những khoản tiết kiệm để tiếp tục đi trong những năm tuổi già. Một cuộc sống nghèo nàn không phải là cuộc sống không có tiền, không giàu có, không của để dành, mà là cuộc sống không di chuyển, không biết gì nhiều về thế giới rộng lớn ngoài kia” - Anh Ngọc viết.

* Đi khi ta còn trẻ

Trương Anh Ngọc cho rằng đi ra thế giới là một trào lưu sống đối với không ít thanh niên nam nữ trên thế giới. Anh dẫn chứng Trần Đặng Đăng Khoa “là một ví dụ điển hình về việc một người Việt Nam có thể đi ra thế giới thế nào, với một chiếc xe máy”. Anh kể về cô gái người Mỹ Lexie Alford đã đặt chân đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ở tuổi 21. Thông qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến ngày nay, những gương mặt này vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các bạn trẻ lên đường.

Đi khi ta còn trẻ là tập du ký thứ 5 của tác giả
Đi khi ta còn trẻ là tập du ký thứ 5 của tác giả

Như Lexie nói: “Đi cũng dạy bạn về lòng biết ơn, với những người đã xuất hiện trong đời bạn, với những trải nghiệm bạn đã có trong đời”, Trương Anh Ngọc cũng muốn đi để được trải nghiệm nhiều nhất có thể, để luôn tận hưởng cảm giác hạnh phúc trên những cung đường thế giới…

Theo tác giả Đi khi ta còn trẻ, dù không ít rủi ro ở những chuyến đi (nhất là đi du lịch một mình), song “lòng khao khát đi và khám phá những chân trời mới vẫn không ngừng thôi thúc lên đường”. Anh Ngọc viết: “Thế giới rộng lớn lắm, mà ta chỉ sống có một lần. Đi ra thế giới cũng là một cách để học, để rèn luyện, để thấy thế giới ra sao và khi trở về, ta sẽ là một con người mới. Giới hạn lớn nhất của chúng ta thực ra không phải là thế giới quá rộng, mà chính là trí tưởng tượng và lòng dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của chúng ta quá hẹp”.

Thế giới này thật đẹp, hãy đi và khám phá nó bất cứ khi nào có thể!

Anh Ngọc giao lưu cùng độc giả tại TP.HCM
Anh Ngọc giao lưu cùng độc giả tại TP.HCM

5 lợi ích khi đi đó đi đây

Trả lời phỏng vấn Đồng Nai cuối tuần về những lợi ích “đi khi ta còn trẻ”, tác giả Trương Anh Ngọc cho biết có 5 lợi ích từ thực tế kinh nghiệm bản thân như sau:

1. Vốn sống. Bạn sẽ có rất nhiều những câu chuyện để kể lại, để chia sẻ với bạn bè khi trở về nhà. Đấy là kiến thức về địa lý, văn hóa, con người, là trải nghiệm trên những cung đường. Vốn sống chính là những gì ta đã trải nghiệm, những kinh nghiệm ta đã đúc kết sau mỗi hành trình, và thường thì những người càng nhiều vốn sống càng trở nên khiêm tốn, vị tha và bao dung hơn.

2. Sự tự tin. Những người đi nhiều thường rất có kỹ năng giao tiếp xã hội, bởi những chặng đường một mình dạy họ phải làm tốt điều này.

3. Cơ hội việc làm. Những người tuyển chọn vị trí việc làm, nhất là ở những tập đoàn lớn, hay thích chiêu mộ những ứng viên có nhiều trải nghiệm trên thế giới. Lựa chọn công việc cho bạn không chỉ ở một mà mở rộng ra nhiều quốc gia.

4. Cơ hội tình yêu. Biết đâu đấy, bạn có thể tìm thấy tình yêu của đời mình trên những cung đường đã đi.

5. Khám phá bản thân. Vượt qua giới hạn của bản thân về tri thức, về sức khỏe, về cá tính... một khi đã ra khỏi vùng an toàn. Không có cách khám phá bản thân nào tốt nhất bằng việc tự đặt chính ta vào những hoàn cảnh buộc ta ra quyết định và hành động/

C.Đ

Cẩm Điệp

Tin xem nhiều