Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng nâng giá trị cho cà phê Việt

07:10, 21/10/2022

Từ người chuyên kinh doanh dòng máy pha cà phê, anh Đinh Thành Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Laven Group đã thêm yêu công việc liên quan đến sản xuất cà phê. Và 4 năm trước, anh đã đứng ra khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu Laven Coffee của riêng mình.

Từ người chuyên kinh doanh dòng máy pha cà phê, anh Đinh Thành Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Laven Group đã thêm yêu công việc liên quan đến sản xuất cà phê. Và 4 năm trước, anh đã đứng ra khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu Laven Coffee của riêng mình.

Anh Đinh Thành Thiện (bên trái) cùng cộng sự kiểm tra chất lượng cà phê đang rang trên hệ thống máy hiện đại. Ảnh: V.Thế
Anh Đinh Thành Thiện (bên trái) cùng cộng sự kiểm tra chất lượng cà phê đang rang trên hệ thống máy hiện đại. Ảnh: V.Thế

Trải qua nhiều thử thách, với khát vọng lan tỏa giá trị của cà phê Việt bằng sự tử tế, chỉn chu và trọn vị, thương hiệu này bắt đầu định hình phân khúc của mình với sản lượng trung bình hằng tháng hơn 3 tấn cà phê cung ứng cho thị trường.

* Làm cà phê sạch không dễ

Theo anh Thiện, để có ly cà phê ngon, nguyên chất không hề dễ dàng và mục tiêu của anh chính là chia sẻ điều đó với mọi người thay vì cạnh tranh trực tiếp với những dòng cà phê phối trộn đang thịnh hành hiện nay. Chính vì lẽ đó, anh sản xuất cà phê rang mộc, khác với cà phê trộn, tẩm ướp, xử lý hương liệu.

Anh Thiện chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao thậm chí gấp đôi thị trường nhưng các hạt cà phê phải chín đủ độ gần như 100%. Khi thu hái không được lẫn tạp chất. Hạt cà phê nhân được lấy từ những nông trại cà phê kiểu mới, nơi người nông dân không ngừng học hỏi, cải tiến để nâng cao chất lượng hạt chứ không phải là số lượng hạt cà phê bán ra. Cây cà phê phải được trồng theo phương pháp hữu cơ. Đây cũng là xu hướng sản xuất mà mỗi người nông dân cần hướng tới để nâng giá trị của cà phê Việt.

Anh ĐINH THÀNH THIỆN: “Mong muốn cao nhất của chúng tôi là xuất khẩu cà phê nguyên chất sang thị trường nước ngoài ngày càng nhiều. Hiện nay, dù là nước xuất khẩu cà phê lớn song hầu hết hạt cà phê của chúng ta mới chỉ xuất thô. Cà phê làm nguyên liệu cho các ngành khác như: mỹ phẩm, bánh kẹo... hay cà phê phối trộn sẵn chứ rất ít đơn vị làm được thương hiệu cà phê nguyên chất riêng. Đó là khát vọng bỏng cháy nhưng con đường phấn đấu thì còn rất dài”.

“Muốn đưa sản phẩm tốt tới thị trường, trước hết trong các quy trình sản xuất của mình cũng phải ở tiêu chuẩn cao. Chúng tôi hướng đến sự nguyên bản của cà phê, nguyên bản từ nguồn nguyên liệu; nguyên bản trong chế biến khi không pha thêm bất kỳ hương phụ liệu, không chất bảo quản, hoàn toàn từ 100% hạt cà phê nguyên bản. Điều đó giúp người uống thưởng thức được tách cà phê trọn vị tinh túy từ thiên nhiên và nguyên bản trong quy trình theo đúng tiêu chuẩn, kiểm soát nghiêm ngặt từng khâu sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - anh Thiện chia sẻ.

Nhưng để thuyết phục người uống cà phê cũng như các cửa hàng bán cà phê lựa chọn sản phẩm của mình là thử thách không dễ dàng.

Làm được sản phẩm tốt, anh cùng cộng sự mang đi chào hàng khắp nơi, tại 2 đô thị Long Khánh, Biên Hòa và các khu vực lân cận nhưng thời gian đầu không mấy ai mặn mà. Gian nan nhất vẫn là thuyết phục khách hàng đến với cà phê rang mộc, bởi đa phần họ đã quen với cà phê đậm (phối trộn nhiều loại hương vị). Khi khách hàng còn chưa thay đổi thói quen uống cà phê, các chủ quán cũng vì thế mà không có nhu cầu.

“Không bán được hàng như ý muốn làm chúng tôi khá thất vọng bởi sản phẩm của mình được làm từ những hạt cà phê chất lượng, được lựa chọn cẩn thận, trải qua quá trình rang xay, bảo quản nghiêm ngặt. Đằng sau một cốc cà phê là quá nhiều sự vất vả của người nông dân. Cà phê rang xay mộc từ trước đến nay chưa thật sự phổ biến ở thị trường đại trà, bình dân, để thay đổi được điều đó là cả một vấn đề” - anh Thiện chia sẻ thêm.

* Muốn đi xa, phải xây dựng thương hiệu

Điều may mắn là vài năm trở lại đây, xu hướng uống cà phê bắt đầu có những thay đổi. Từ các thương hiệu nhượng quyền lớn đến các quán nhỏ hơn đã sử dụng máy pha cà phê tự động phục vụ khách hàng. Điều đó, góp phần tạo thói quen mới của người uống. Máy pha cà phê đắt tiền nên buộc các quán phải sử dụng cà phê sạch bởi nếu lẫn tạp chất, hóa chất rất dễ hỏng hóc. Bên cạnh đó, sử dụng máy pha sẽ không làm mất 1/3 lượng cà phê so với pha phin truyền thống. Do vậy lợi nhuận của các chủ quán vẫn tốt mà cơ hội bán hàng của nhà sản xuất cà phê thuận lợi hơn.

Cà phê rang xay mộc là những hạt cà phê được rang xay chỉ bằng nhiệt độ, sử dụng máy rang cà phê và canh chuẩn về màu sắc. Sau đó, đem xay và đưa vào sử dụng chứ không thêm bất cứ một loại hương liệu nào khác khi rang. Do vậy, người tiêu dùng có thể coi đây là một loại cà phê 100% hoàn toàn tự nhiên.

So với phần lớn những thương hiệu sản xuất cà phê mộc mới gia nhập thị trường, công ty còn có ưu thế là nhà cung ứng các hệ thống máy móc sản xuất cũng như cách pha chế cà phê. Việc là đơn vị cung cấp máy pha chế cà phê tự động tạo điều kiện cho công ty có thể tạo ra vòng dịch vụ khép kín cho các cửa hàng kinh doanh thức uống này. Vừa bán máy, vừa làm nhà cung cấp nguyên liệu cà phê sạch nên sự tin tưởng của khách khi đi thuyết phục, chào hàng vẫn tốt hơn. Máy móc hỏng hóc cũng được sửa chữa một cách nhanh nhất hoặc đổi máy sử dụng tạm thời để tiếp tục phục vụ thực khách.

Sau khi có dấu ấn bước đầu, vấn đề hiện nay của nhà sản xuất cà phê non trẻ này là việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Theo anh Thiện, trước đây anh cùng các cộng sự chỉ chăm chú xây dựng quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm tốt nhưng nếu không có thương hiệu, độ nhận diện mạnh trên thị trường sẽ khó lòng đi xa. Laven Coffee đang nỗ lực xây dựng thương hiệu của mình bằng cách chịu khó tham gia các chương trình giao thương, kết nối hàng hóa trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm cách đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn. Tham gia các sàn thương mại điện tử và kinh doanh online trên các nền tảng khác nhau cũng được công ty chú trọng bên cạnh bán hàng trực tiếp tại các quán cà phê truyền thống.

Sản phẩm được đưa đi giới thiệu, chào hàng tại các chương trình kích cầu tiêu dùng
Sản phẩm được đưa đi giới thiệu, chào hàng tại các chương trình kích cầu tiêu dùng

Song song với xây dựng thương hiệu, mở rộng bán hàng, thương hiệu này cũng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.

“Khi có được chứng nhận OCOP thì chúng tôi sẽ có cơ hội được hỗ trợ từ phía địa phương trong việc quảng bá sản phẩm, nhất là tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Điều đó giúp chúng tôi có khát vọng mạnh mẽ hơn, không chỉ ở thị trường Đồng Nai, lân cận mà xuất khẩu qua nước ngoài” - anh Thiện mong mỏi.

Vương Thế

Tin xem nhiều