Báo Đồng Nai điện tử
En

Vàng lửa Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Thế

08:10, 22/10/2022

Kể từ ngày 20-10-1930, phụ nữ Việt Nam có tổ chức Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội LHPN Việt Nam) lãnh đạo, đó là cột mốc kỷ niệm ngày truyền thống hằng năm. Sự kiện lịch sử này có nhiều ý nghĩa: Tổ chức cách mạng của phụ nữ Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo ngay khi Đảng ra đời; đó là lực lượng đông đảo, trung kiên của Đảng; phụ nữ Việt Nam tham gia cách mạng vừa giải phóng dân tộc, vừa giải phóng chính mình.

Kể từ ngày 20-10-1930, phụ nữ Việt Nam có tổ chức Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội LHPN Việt Nam) lãnh đạo, đó là cột mốc kỷ niệm ngày truyền thống hằng năm. Sự kiện lịch sử này có nhiều ý nghĩa: Tổ chức cách mạng của phụ nữ Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo ngay khi Đảng ra đời; đó là lực lượng đông đảo, trung kiên của Đảng; phụ nữ Việt Nam tham gia cách mạng vừa giải phóng dân tộc, vừa giải phóng chính mình. Từ đó, bao lớp người phụ nữ Việt Nam đã tham gia góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành lãnh đạo cấp cao của đất nước, nhiều người lập thành tích xuất sắc làm rạng danh dân tộc, hơn 4 vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tất cả đều đã sống, chiến đấu, lao động được thử thách như vàng trong lửa.

Trong khối “vàng lửa” ấy, có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Đồng Nai đáng được tưởng nhớ là liệt sĩ Huỳnh Thị Thế. Năm nay, kỷ niệm 92 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, cũng là 60 năm ngày hy sinh của má.

Má Huỳnh Thị Thế (thường gọi là Năm Thế) sinh năm 1930, trong một gia đình bần nông, đông con ở quê nghèo xã Phước Long (nay thuộc ấp 2, xã Long Thọ). Mẹ má là bà Lâm Thị Trừ, chịu thương chịu khó, bệnh nặng, thiếu thuốc men, mất năm 1946; má Thế và các anh chị em nghèo thiếu cả khăn tang, lúc an táng bom đạn cũng không để yên. Năm sau,1947, cha của má là Huỳnh Văn Phê cùng hơn 30 thường dân Phước Long bị tử nạn chiến tranh, các anh chị em má trở thành côi cút; lúc đó má vừa 17 tuổi, phải cùng chị Ba Giác làm đủ mọi việc để thay cha mẹ nuôi dưỡng các em. 

Vào tuổi 18, má Thế vừa đảm việc nhà vừa tham gia việc nước, bắt đầu nhận công tác trong phong trào phụ nữ ở xã. Với dáng người nhỏ nhắn, nhiệt thành, siêng năng, các cô chú kháng chiến ai cũng thương, tin cậy, giao việc hệ trọng. Trong công tác, má quen và hợp ý với chàng trai Lê Duy Linh người cùng xã, cùng hoạt động kháng chiến. Năm 1949, đám cưới diễn ra trong căn cứ, đơn giản mà đầm ấm, lời thề sắt son với nhau cũng là lời thề quyết hy sinh vì đất nước. Về làm dâu, má được nhà chồng tạo điều kiện tham gia công tác, cũng thường được về nhà phụ giúp chị Ba Giác nuôi em. Được vậy, má vui lòng, dù rất vất vả.

Niềm vui chẳng bao lâu, nỗi đau ập đến. Ngày 13-9-1953, chồng má - đồng chí Lê Duy Linh hy sinh. Người ta thấy má mạnh mẽ hơn, cương nghị hơn, sức làm việc nhiều hơn. Má xin nhà chồng được đưa con về với chị Ba Giác, các anh chị em cùng nhau rau cháo, vừa kiếm sống vừa tiếp tục công tác. Má rất giỏi trong việc gánh đất mướn, lượng đất má gánh nặng hơn trọng lượng của chính má.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cán bộ kháng chiến nòng cốt đi tập kết, cán bộ phong trào ở lại trong dân, chờ thực thi hiệp định. Nhưng, chính quyền Ngô Đình Diệm trở mặt, ra sức khủng bố lùng bắt người tham gia kháng chiến. Cuộc sống của nhà má lại nổi sóng, các anh chị em vừa làm mướn, vừa tránh các đợt khám xét, tra hỏi, bắt bớ trong chiến dịch Trương Tấn Bửu. Đến năm 1959, Bí thư Huyện ủy kháng chiến tên Hà Tư đầu hàng, dẫn giặc đi lùng bắt cán bộ kháng chiến, tàn phá cơ sở cách mạng thì gia đình má không ai yên thân, Ba Bính (anh Rể) và Sáu Khiêm bị bắt đi tù, số còn lại phải chia cách để tản cư; má Thế gởi 2 con gái là Lê Thị Hoàng, Lê Thị Oanh về nhà nội, bản thân má thoát ly ra căn cứ, tiếp tục công tác.

Công tác cách mạng thoát ly trong vòng vây vùng địch tạm chiếm, thật là vất vả gian nan đối với cán bộ nữ, vừa sống thiếu thốn trong căn cứ, vừa bám dân bám làng để vận động quần chúng, vừa bám gia đình để thăm con, chăm sóc mẹ chồng. Má đi về như con thoi, sớm tối bất kể, thoắt ẩn, thoắt hiện. Tên ác ôn Chín Trớn biết hoàn cảnh của má, nhiều lần cho mật phục, đón bắt nhưng đều thất bại.

Một buổi sáng tháng 10-1962, má Thế bất ngờ lọt vào ổ phục kích của trung đội lính đồn Phước Long. Chúng nổ súng, bắn má bị thương, dụ dỗ đầu hàng. Má kiên quyết không đầu hàng, chúng kê súng sát hại rồi kéo má về phơi xác lõa thể tại chợ Phước Long, cấm không cho ai đến gần. Đến trưa, nắng rát, bà Hai Sủi bán vải trong chợ cám cảnh may cho má bộ quần áo trắng, đến đấu lý với lính canh giữ: “Mấy ông ác vừa thôi, người ta chết rồi, cũng phải cho người ta tấm áo che thân chớ!”. Mấy tên lính đuối lý, làm thinh cho má được mặc áo.

Đến giữa trưa, sau nhiều lần năn nỉ, người em má vừa mới đi tù về là Sáu Khiêm (Sáu Cường) mới được tên chỉ huy cho phép đưa má về chôn, nhưng ra lệnh ác nhơn: Không được khiêng. Sáu Khiêm cùng người em họ là Tư Chùng lặng lẽ đưa chị vào hòm, dùng dây chạc bò còng lưng kéo chiếc hòm, vừa kéo vừa khóc. Kéo hòm đi khỏi đó hơn 100m, 2 người mới được nhiều người khác trợ giúp khiêng về nhà.

Tang má xong, vài ngày sau, thêm một người trong nhà là Ngô Thị Vĩnh hy sinh ở tuổi 18. Con gái lớn của má là Lê Thị Hoàng lớn lên, thoát ly, tiếp tục con đường của má, cũng anh dũng hy sinh trong độ tuổi 18, cách má 5 năm. Con gái thứ 2 là Lê Thị Oanh tham gia công tác mật, bị bắt, bị tù, quyết không khai báo, cũng kiên cường như phẩm cách của má.

1 tháng sau khi má hy sinh, tờ báo Tin Tức tháng 11 của Tỉnh ủy Biên Hòa có đăng bài thơ khuyết danh về má, thơ có đoạn:

… “Ngày đêm nợ nước thù chồng

Hai vai gánh nặng dứt lòng ra đi

Nắng mưa gian khổ ngại gì

Tình thương con dại gác đi bên lòng

Quyết đem sương trắng máu hồng

Bảo vệ Tổ quốc ruộng đồng quê hương.

 

Thế rồi chị ngã bên đường

Quân thù đã cướp tình thương cuối cùng

Chị chết trọn nghĩa vẹn trung

Như gương liệt sĩ Triệu Trưng thuở nào

Muôn tim rạn nứt thương đau

Khi nhìn hai trẻ lao nhao bên bà.

 

Gương chị là bản hùng ca

Như đang thúc giục trẻ già đứng lên

Đấu tranh cương quyết vững bền

Diệt tan Mỹ - Diệm xây nền tự do”.

 

Bản thân là liệt sĩ, có chồng và con gái cũng là liệt sĩ, má Huỳnh Thị Thế được Tổ quốc ghi công, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Quyết định số 394/KTCTN ngày 17-12-1994. 

Má Huỳnh Thị Thế đã mất, nhưng phẩm chất vàng lửa ở má không mất, vẫn rực cháy ở trong lòng của người đời sau, là biểu tượng đẹp muôn đời của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Ong Mật

Tin xem nhiều