Báo Đồng Nai điện tử
En

Ổn định giá thuê nhà trọ để chia sẻ với người lao động

Nguyễn Hòa
08:35, 09/03/2024

Những năm trước đây, khi giá các mặt hàng leo thang, các chủ nhà trọ trên địa bàn Đồng Nai cũng “rục rịch” tăng giá cho thuê phòng đối với người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, đầu năm nay, ghi nhận tại các khu nhà trọ cho thấy, các chủ nhà trọ vẫn giữ nguyên giá phòng để chia sẻ khó khăn với NLĐ.

Gia đình công nhân giải trí tại phòng trọ sau giờ tan ca. Ảnh: N.Hòa
Gia đình công nhân giải trí tại phòng trọ sau giờ tan ca. Ảnh: N.Hòa

* Mong công nhân ổn định việc làm

Hơn 3 năm nay, ông Lê Mạnh Tiến (chủ nhà trọ ở ấp 3, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) vẫn giữ nguyên giá thuê phòng trọ cho công nhân lao động.

Ông Tiến cho biết, dãy nhà trọ của ông có 18 phòng với 37 công nhân lao động đang sinh sống. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có 21 lao động ở lại nhà trọ đón Tết vì điều kiện khó khăn. Hiểu được cuộc sống công nhân xa quê thiếu thốn, ngoài động viên bằng tinh thần, năm nay ông Tiến vẫn quyết định giữ nguyên giá cho thuê 800 ngàn đồng/tháng.

Theo ông Tiến, công nhân sinh sống tại nhà trọ chủ yếu là người miền Tây Nam Bộ, nhiều người đưa cả gia đình đến Đồng Nai sinh sống, mưu sinh. Năm 2023, một số lao động bị giảm giờ làm, thu nhập không đảm bảo nên ngoài hỗ trợ tiền thuê phòng trọ, ông còn hỗ trợ thực phẩm và tặng quà Tết cho họ.

“Công nhân đến từ nhiều tỉnh, thành về đây sinh sống, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm nên mình giúp được gì thì giúp. Chỉ mong năm nay họ có việc làm ổn định để tăng thu nhập” - ông Tiến chia sẻ.

Đồng Nai hiện có hơn 20 ngàn khu nhà trọ với khoảng 150 ngàn phòng trọ, đáp ứng trên 450 ngàn chỗ ở cho NLĐ. Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã có những buổi đối thoại với các chủ nhà trọ để nắm bắt tình hình và khuyến khích họ giữ ổn định giá cho thuê phòng trọ, chia sẻ với công nhân lao động. Nhờ đó, NLĐ đã được san sẻ phần nào để vơi bớt khó khăn, yên tâm bám trụ với các doanh nghiệp.

Ông Lý Văn Lực, chủ nhà trọ tại ấp 5, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), cho biết dãy nhà trọ của ông có 13 phòng, hiện có trên 30 công nhân ở trọ với giá thuê từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/phòng. Nhiều lao động sống tại khu nhà trọ của ông làm trong lĩnh vực sản xuất gỗ, hiện vẫn còn khó khăn nên ông rất chia sẻ với họ. Do đó, năm nay ông vẫn giữ nguyên giá thuê trọ dù giá mặt bằng chung có tăng lên. Trước đó, một số công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Lực đã miễn 100% tiền thuê trọ cho họ.

 Theo ông Lực, bản thân cũng làm công nhân nên hơn ai hết, ông hiểu những khó khăn mà NLĐ đang gặp phải, nhất là những lao động đang là trụ cột gia đình nhưng không may bị mất việc, giảm thu nhập. Ngoài ra, khi xa quê, ngoài tiền thuê nhà trọ, NLĐ còn phải lo tiền học cho con, sinh hoạt phí và các khoản phát sinh. Nếu không có tiền tích lũy, lúc đau ốm, họ không biết lấy gì bù vào, gian nan hơn nữa là phải chạy cơm từng bữa. Do đó, nhiều năm nay, ông không tăng giá thuê nhà trọ và luôn hỗ trợ để họ yên tâm hơn với cuộc sống xa quê.

* Chia sẻ khó khăn với công nhân lao động

Nhìn lại năm 2023, không chỉ NLĐ mà các chủ nhà trọ cũng giảm thu nhập do nhiều người trả phòng về quê sinh sống vì thất nghiệp. Có thời điểm, nhiều phòng trọ xuống cấp vì không có người ở, các chủ nhà trọ chỉ biết ngậm ngùi khóa cửa phòng đợi người đến thuê. Một số chủ nhà trọ đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại phòng trọ chờ công nhân trở lại sau Tết. Khó khăn là vậy nhưng các chủ nhà trọ cho biết, vẫn sẽ giữ nguyên giá cho thuê ngay từ đầu năm để chia sẻ với công nhân, giúp họ yên tâm lao động sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Tam An, huyện Long Thành) hiện có 30 phòng trọ với trên 60 công nhân cư trú, mỗi phòng cho thuê giá 900 ngàn đồng/tháng. Theo ông Thanh, người thuê trọ ở đây chủ yếu là lao động tự do, buôn bán hàng rong, bán vé số, phụ hồ và công nhân đang làm việc tại các công ty. Nhiều người công việc không ổn định nên khi gặp khó khăn về việc làm, họ phải lo từng bữa ăn. Do đó, ông luôn thấu hiểu và san sẻ với họ.

Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, ông Thanh đã miễn 50% tiền thuê phòng cho công nhân lao động đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Năm 2023, một số lao động giảm giờ làm, mất việc, ông vẫn hỗ trợ tiền thuê hoặc nhu yếu phẩm.

Ông Thanh chia sẻ: “Vợ chồng tôi cũng là lao động từng sống vất vả nên càng hiểu hơn nỗi khó khăn mà người thuê trọ trải qua. Do đó, tôi chia sẻ với công nhân bằng nhiều cách để động viên họ vượt khó”.

Công nhân Phạm Thị Nên (ở trọ tại khu nhà của ông Thanh) cho biết, đến nay chị đã có 6 năm ở trọ tại đây và luôn được chủ nhà trọ quan tâm, hỗ trợ hết mình. Đặc biệt, nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, ông Thanh không chỉ giúp đỡ mà còn hỗ trợ giảm giá thuê phòng trọ hoặc cho trả chậm. Có thời điểm công nhân quá khó khăn, dù không ai xin giảm tiền thuê phòng trọ nhưng hiểu được hoàn cảnh của người thuê trọ, ông Thanh vẫn giảm giá cho NLĐ.

Thực tế, ở những khu nhà trọ thực hiện tốt an ninh trật tự, môi trường sống và các quy định về kinh doanh phòng trọ, đời sống công nhân lao động cũng được nâng lên, nhất là các khu nhà trọ văn hóa. Ngoài ra, NLĐ yên tâm hơn vì chủ nhà trọ tạo điều kiện giữ giá thuê phòng trọ, tiền điện và nước đúng giá quy định. Điều này có thể thấy rõ qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tình hình khó khăn của công nhân trong năm 2023, các chủ nhà trọ thường lui tới động viên, hỏi thăm tình hình việc làm và sẵn sàng hỗ trợ, tạo động lực, điểm tựa cho NLĐ.

Trong đợt đến các khu nhà trọ thăm, tặng quà công nhân đón Tết xa quê dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các cấp Công đoàn cảm kích trước tấm lòng của các chủ nhà trọ trong việc đồng hành, hỗ trợ để NLĐ yên tâm hơn với cuộc sống. Các cấp Công đoàn mong muốn các chủ nhà trọ tiếp tục chia sẻ với công nhân lao động để họ yên tâm về nơi ở, nhất là đảm bảo an ninh trật tự, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ nâng cao ý thức, xây dựng khu nhà trọ văn hóa. Ngoài ra, động viên các chủ nhà trọ giữ nguyên giá thuê cho công nhân lao động năm 2024, bởi cuộc sống NLĐ còn nhiều khó khăn.

Nguyễn Hòa

Tin xem nhiều