Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm 'phủ sóng' xe buýt trong nội ô Biên Hòa

07:12, 27/12/2022

Cũng như nhiều đô thị khác trên cả nước, tình trạng kẹt xe là một vấn nạn của TP.Biên Hòa, nhất là ở các tuyến đường trung tâm, vào các giờ cao điểm. Một trong những nguyên nhân chính là do phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp.

Cũng như nhiều đô thị khác trên cả nước, tình trạng kẹt xe là một vấn nạn của TP.Biên Hòa, nhất là ở các tuyến đường trung tâm, vào các giờ cao điểm. Một trong những nguyên nhân chính là do phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp. Một trong những giải pháp hữu hiệu được các ngành chức năng đưa ra là phát triển hệ thống xe buýt công cộng, gia tăng người đi xe buýt, giảm các phương tiện cá nhân.

Nhằm thu hút người dân đi xe buýt, ngành GT-VT đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao, cải thiện chất lượng phục vụ như: đầu tư xe mới; lắp đặt máy lạnh, camera giám sát hành trình; chú trọng tinh thần, thái độ phục vụ của nhà xe; mở thêm nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh… Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho người dân khi đi lại, Sở GT-VT cũng đưa vào sử dụng app Buýt Đồng Nai để giúp hành khách nắm được lịch trình, thông tin, giá vé các tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động xe buýt cũng còn những hạn chế như: một số tuyến xe buýt liên huyện thời gian chờ đợi còn lâu; xe buýt chưa phủ khắp nội ô thành phố và các khu công nghiệp… Chính vì vậy, số lượng học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động đi học, đi làm bằng xe buýt chưa nhiều, do không tiện đường. Điều này đồng nghĩa với việc lượng xe cá nhân dồn ra đường vào giờ cao điểm vẫn đông đúc, thường xuyên gây ùn tắc giao thông.

Để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động đi xe buýt, ngành chức năng cần có quy hoạch mạng lưới xe buýt phủ khắp thành phố, nhất là cần sớm mở thêm các tuyến xe buýt có trợ giá bao phủ nội ô TP.Biên Hòa, cũng như các khu công nghiệp. Vì đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động đông nhưng không có thu nhập hoặc thu nhập không cao nên để họ chọn xe buýt là phương tiện đi lại, trước hết giá vé phải rẻ, tuyến đường phải thuận lợi, an toàn. Để thành lập các tuyến xe buýt kết nối khu dân cư, doanh nghiệp có thể chọn loại phương tiện nhỏ gọn, tiết kiệm. Áp dụng các chính sách miễn, giảm giá vé với học sinh, sinh viên, công nhân…

Khi các tuyến xe buýt, trong đó có các tuyến xe buýt trợ giá được đông đảo người dân lựa chọn là phương tiện đi lại hàng ngày sẽ góp phần đáng kể trong giảm phương tiện cá nhân, chi phí đi lại, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Muốn người dân lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại hàng ngày, các ngành chức năng còn nhiều việc phải làm, phải đổi mới, và điều cần đổi mới trước tiên là từ xe buýt có trợ giá, hướng đến phục vụ số đông hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động.

  Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều