Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

08:12, 20/12/2022

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã minh chứng cho quy luật tất yếu: Trong chiến tranh, thắng lợi về mặt quân sự trên chiến trường đã quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán ngoại giao và khẳng định chân lý bất biến: Không có gì quý hơn độc lập tự do!

[links()]Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã minh chứng cho quy luật tất yếu: Trong chiến tranh, thắng lợi về mặt quân sự trên chiến trường đã quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán ngoại giao và khẳng định chân lý bất biến: Không có gì quý hơn độc lập tự do!

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không không quân nghe trung tướng Phạm Tuân (giữa) kể lại ký ức lần đầu đánh gục B-52. Ảnh: N.Hà
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không không quân nghe trung tướng Phạm Tuân (giữa) kể lại ký ức lần đầu đánh gục B-52. Ảnh: N.Hà

Trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân là phi công đầu tiên trên thế giới bắn hạ B-52. Ông kể, B-52 của Mỹ thời đó được coi là “siêu pháo đài bay”, là một trong 3 loại vũ khí chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, được mệnh danh là “quả đấm thép” của không lực Hoa Kỳ. B-52 có thể mang được 30 tấn bom mỗi lần xuất kích chiến đấu, khi bay, B-52 thường được nhiều máy bay khác như: F4, F100, F111 bay cùng yểm trợ.

* Không quân bắn rơi B-52

Ngày 27-12-1972 được coi là mốc đánh dấu không quân nhân dân lần đầu tiên hạ gục B-52. Điều đó không chỉ góp niềm vui chung vào chiến thắng của Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng trong 12 ngày đêm mà còn giải tỏa những băn khoăn được coi như “món nợ” của những phi công như Phạm Tuân và nhiều đồng đội khác.

Trung tướng Phạm Tuân bồi hồi nhớ lại, sau nhiều lần thất bại, đơn vị đã rút ra kinh nghiệm, máy bay của ta tại các sân bay gần Hà Nội được bảo vệ tốt nhưng mỗi khi xuất kích đều bị phát hiện nên đã bàn bạc và quyết định đưa máy bay ra các sân bay bên ngoài như: Yên Bái, Thọ Xuân, Mộc Châu, Cẩm Thủy. Dùng các các trạm ra đa bên ngoài dẫn đường cho máy bay của ta bay lên chiến đấu với B-52.

Bởi xuất kích từ các sân bay bên ngoài, phi công sẽ chủ động được tốc độ, độ cao để khi phát hiện có thể tiếp cận nhanh nhất và cuối cùng dùng mắt thường bắn B-52. Kinh nghiệm cho thấy, B-52 có bật đèn khi bay đêm, nếu dùng ra đa nhiễu sẽ không đánh được và nó tắt đèn chạy mất. Đêm 27-12-1972, ông được lệnh điều khiển máy bay tiêm kích MIG-21 xuất kích từ sân bay Yên Bái, khi bay qua tầng mây đã nhìn thấy rất nhiều máy bay F4 yểm trợ cho B-52, nhưng không được đánh và phải bay vòng qua để tìm B-52; F4 yểm trợ lúc đó cũng không phát hiện ra MIG-21.

“Khi chỉ còn cách B-52 chừng 3km, tôi nhận lệnh bắn, nhưng tôi vẫn bảo chờ. Tôi tiếp tục căn chỉnh cho đến khi gần B-52. Sở chỉ huy mặt đất sốt ruột sợ tôi đâm vào máy bay địch nên lệnh cho tôi bắn thoát ly ngay bên trái. Lúc đó, tôi ngắm và bắn 2 quả tên lửa đồng thời kéo máy bay lên lật ngược trở lại thì đã thấy B-52 của địch nổ tung. Đấy là trận đầu tiên không quân bắn rơi B-52. Chúng tôi vui lắm vì đã hoàn thành nhiệm vụ” - trung tướng Phạm Tuân xúc động kể lại.

* Quyết tử bảo vệ thủ đô

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ) kể cho chúng tôi nghe về Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng trong 12 ngày đêm năm 1972 (chiến dịch tối mật mang mật danh Linebacker II). Ông là người bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhân dân khi vừa mới 27 tuổi.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho rằng, cuộc tập kích chiến lược trong 12 ngày đêm vào Hà Nội và phía Bắc của Mỹ có thể nói là cuộc chiến hủy diệt lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Mỹ đã dùng hàng ngàn lượt máy bay chiến thuật như: F4, F111, máy bay tiếp dầu trên không và gần 200 máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng các máy bay hải quân.

Dù ta chiến thắng trong 12 ngày đêm nhưng tội ác mà quân đội Mỹ gây ra tại miền Bắc và thủ đô là vô cùng to lớn. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80 ngàn tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B-52 cùng hàng ngàn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10 ngàn tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc…

Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược và dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1967 nên quân đội ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng “đọ sức” với những “siêu pháo đài bay” - thành tựu ưu việt của nền công nghiệp Mỹ lúc bấy giờ.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại, cuối năm 1967, khi làm việc với Quân chủng PKKQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua trên bầu trời Hà Nội…”.

Trước đó, Người từng nói: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng trong 12 ngày đêm của quân - dân ta đã khẳng định điều này. Ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52; 5 máy bay F111, bắt sống 43 phi công Mỹ; gây cho địch sự tổn thất lớn chưa từng thấy ở những trận tập kích đường không cùng nỗi kinh hoàng của Mỹ, nhất là những phi công Mỹ…

* Tỏa sáng trí tuệ Việt Nam

Đại tá Nguyễn Xuân Cự, nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng PKKQ) - đơn vị đã bắn rơi 25 chiếc B-52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ, kể lại Hà Nội thời điểm đó trong không khí không phải thời bình cũng chẳng phải thời chiến bởi màn giao giảng “Hòa bình trong tầm tay” của Henry Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã làm nảy sinh tư tưởng chủ quan trong một số cán bộ, chiến sĩ với suy nghĩ “Thăng Long phi chiến địa” - hòa bình sắp đến.

Trong khi đó, Sư đoàn xuất hiện 2 luồng ý kiến: máy bay B-52 to cồng kềnh, cơ động chậm nên dễ đánh và một số thì lo lắng về uy lực của B-52, vì thế thiếu tin tưởng vào vũ khí, khí tài và trình độ chiến đấu của bộ đội.

Thực tế này, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn họp để anh em thảo luận sôi nổi và ban hành nghị quyết vào tháng 11-1972. Trong đó, thống nhất cao với 4 điểm mấu chốt mà sau này tổng kết lại gọi tên là nghị quyết “4 khẳng định”, gồm: địch nhất định đánh trở lại Hà Nội và đánh cực kỳ ác liệt; khả năng nào cũng diễn biến phức tạp và quyết liệt; đánh vào Hà Nội lần này, Mỹ nhất định dùng máy bay chiến lược B-52; khẳng định đánh vào Hà Nội, Mỹ ở vào thế thua, thế yếu, thế bị động; chúng ta có nhiệm vụ và khả năng bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ. Nhiệm vụ đánh B-52 được giao cho bộ đội tên lửa, chủ yếu là Trung đoàn 257 và 261, Sư đoàn Phòng không 361 sau này.

Cùng với đó, các đơn vị trong toàn Quân chủng đẩy mạnh phong trào thi đua: “Mười ngày nâng cao chất lượng huấn luyện” dành riêng cho huấn luyện đánh B-52. Các phân đội thi đua giành danh hiệu “Kíp chiến đấu giỏi”, “Tiểu đoàn mạnh”, “Trung đoàn mạnh”…; đội ngũ nhân viên kỹ thuật, sáng tạo trong việc cải tiến vũ khí trang bị cùng nghiên cứu các giải pháp đánh B-52 đã tạo nên không khí chuẩn bị đánh B-52 diễn ra khẩn trương trên khắp các trận địa.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt cho rằng, thắng lợi này thực sự gây chấn động dư luận thế giới. Hàng ngàn bài báo, hàng trăm cuốn sách được viết chỉ để lý giải một câu hỏi: Nguyên nhân nào, sức mạnh nào mà một đất nước với tiềm lực kinh tế, quân sự kém xa Mỹ, chỉ với pháo phòng không, MIG-21 và tên lửa SAM-2 lại có thể bắn rơi hàng loạt máy bay B-52, niềm tự hào của ngành công nghiệp Mỹ?

“Với mỗi người dân Việt Nam, câu hỏi ấy rất đơn giản vì chiến thắng ấy xuất phát từ khối óc thiên tài và tầm nhìn vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Vận dụng cụ thể trong 12 ngày đêm chính là sức mạnh tinh thần to lớn của quân - dân ta, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PKKQ và nhân dân thủ đô Hà Nội” - trung tướng Nguyễn Văn Phiệt khẳng định.

Nguyệt Hà

Bài 3: Bản hùng ca bất diệt

Tin xem nhiều