Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ khát vọng cứu nước, cứu dân đến khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc

09:06, 04/06/2021

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị, cả dân tộc chìm đắm dưới đêm trường nô lệ của chủ nghĩa thực dân phương Tây, nhân dân mà chủ yếu là công nhân, nông dân ngày đêm rên xiết dưới gót giày của kẻ thù ngoại bang lẫn nội phản.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị, cả dân tộc chìm đắm dưới đêm trường nô lệ của chủ nghĩa thực dân phương Tây, nhân dân mà chủ yếu là công nhân, nông dân ngày đêm rên xiết dưới gót giày của kẻ thù ngoại bang lẫn nội phản. Tình cảnh “nước mất, nhà tan” đã nung nấu ở người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khát vọng tìm một hướng đi mới, một con đường mới để vừa cứu được nước, vừa cứu được dân.

Quang cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Công Nghĩa
Quang cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Công Nghĩa

Trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cứu nước là tiền đề, là điều kiện để đạt tới mục đích cao nhất là đưa lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân và phồn vinh thực sự cho đất nước.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh với “khát vọng cứu nước, cứu dân”

Thực hiện khát vọng đó, ngày 5-6-1911, với tên Văn Ba, Người đã bước lên con tàu Đô đốc Latouche - Tréville bắt đầu chuyến hành trình “Đi tìm hình của nước”. Từ năm 1911 đến trước thời điểm tháng 7-1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi nhiều nơi, đến nhiều nước, tận mắt chứng kiến những ánh hào quang của nền văn minh lẫn tận cùng của đau khổ, tủi nhục, những nốt thăng trầm của thời cuộc. Bằng tư duy biện chứng khoa học, Người đã khảo nghiệm các học thuyết, các cuộc cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ. Và đi tới khẳng định tất cả các cuộc cách mạng đó “đều không đến nơi, không triệt để...”, không thể đem lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân của Người.

Tháng 7-1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, đăng trên Báo Nhân đạo (L’Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp. Từ đó, Người đi đến sự lựa chọn: tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin.

Dưới góc nhìn của một người dân tộc thuộc địa, bị mất nước, thấu rõ nỗi đau của dân tộc mình, lại đứng trên lập trường cứu nước của nhân dân lao động Việt Nam, Người đã thấu rõ sâu sắc rằng chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản thì nhân dân Việt Nam mới có được độc lập, tự do, mới có tiền đề để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc thực sự.

Vì lẽ đó, sau khi giành lại được độc lập, trong Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ký tên Hồ Chí Minh; đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945, Người khẳng định: “Nước có độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì”. Từ đó cho đến khi mất, suốt những năm tháng trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho mục đích mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, phồn vinh cho đất nước.

Trước khi đi về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại Di chúc cho Đảng và nhân dân ta với điều mong muốn cuối cùng là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

* Khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc

Kiên định thực hiện khát vọng và di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới toàn diện đất nước. Kinh tế - xã hội ở mức ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân trong giai đoạn 2011-2020 đạt 5,95%/năm, thuộc vào nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; là điểm sáng trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và đời sống nhân dân. Quốc phòng - an ninh được củng cố, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Việc ứng xử kiên trì, kiên quyết, khôn khéo trước những biến động của tình hình thế giới và chủ quyền quốc gia, lãnh thổ của Đảng và Nhà nước không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, mà còn được các nước, các tổ chức và các chuyên gia thế giới đánh giá cao. Hoạt động đối ngoại đạt được nhiều thành tựu lớn, tổ chức thành công Hội nghị APEC tại Đà Nẵng (từ ngày 6 đến 11-11-2017), Hội nghị Mỹ - Triều (từ ngày 27 đến 28-2-2019)… Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với 192/193 phiếu - số phiếu cao nhất trong lịch sử của tổ chức này. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đảm đương chức Chủ tịch ASEAN khi đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những kết quả trên các lĩnh vực không chỉ khẳng định tiềm lực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là minh chứng khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đồng thời, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Từ đó, khơi dậy khát vọng, tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn trong mỗi người dân Việt Nam. Trở thành tiền đề thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân viết tiếp những kỳ tích phát triển mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước mà Đảng và dân tộc ta đặt ra: đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc về đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

TS Ngô Minh Vương (Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai)

Tin xem nhiều