Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường thông tin về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Lâm Viên
08:05, 20/03/2024

Nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam ngày càng khẳng định được tính phù hợp, hiệu quả, là đường lối đúng đắn để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy vậy, các thế lực thù địch liên tiếp đưa những thông tin sai trái về thể chế này nhằm mục đích chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm khoa học về Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm khoa học về Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, ngày 14-3, trang t. đăng video clip lấy từ trang báo b. của nước ngoài với tiêu đề: “Việt Nam có phải là nền KTTT?”. Trong video clip có hơn 3,7 ngàn lượt xem này, các thế lực thù địch đưa những lý lẽ xuyên tạc, sai trái nhằm phủ định nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam, qua đó cài cắm những nội dung chống phá sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.

* Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin

Hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN đã khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền KTTT định hướng XHCN; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau khi hoàn thành về cơ bản những nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà không qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Trao đổi chuyên đề về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên Báo Đồng Nai vào ngày 12-3 vừa qua, Tiến sĩ Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đã khẳng định: “Việt Nam xuất phát từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nửa thực dân, nửa phong kiến, đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn của nước ta”.

Theo đó, từ một xã hội chậm phát triển, thuộc địa nửa phong kiến, với trình độ kinh tế nông nghiệp lạc hậu, chúng ta hướng đến hình thành một trạng thái xã hội phát triển văn minh, tiến bộ dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất tiến bộ, tiến tới xóa bỏ các kiểu quan hệ người bóc lột người, nhân dân được sống trong một môi trường xã hội tự do để phát huy sức sáng tạo, cống hiến và thụ hưởng những thành quả lao động tự giác, chính đáng của mình làm ra. Tuy nhiên, thời kỳ quá độ này là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp và đầy gian khổ, nhất là với một nước có trình độ xuất phát điểm thấp như Việt Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà không qua chế độ tư bản chủ nghĩa, Việt Nam chọn xây dựng và phát triển thể chế KTTT theo định hướng XHCN - một mô hình kinh tế chưa từng có tiền lệ trên thế giới.

Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội vào ngày 14-3 đã tổ chức Tọa đàm khoa học Góp ý vào Báo cáo tổng kết Nội dung 3: Phát triển nền KTTT định hướng XHCN qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí ĐINH TIẾN DŨNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Trưởng Nhóm 2 tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam, nêu rõ: kết quả nghiên cứu của nhóm đã khẳng định, phát triển KTTT định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta qua 40 năm đổi mới. Phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, đem lại những thay đổi to lớn, tốt đẹp cho đất nước; tuy nhiên, cũng còn không ít hạn chế, tồn tại, cũng như đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới về cả lý luận và thực tiễn. Những đề xuất, kiến nghị của nhóm nghiên cứu về phát triển nền KTTT định hướng XHCN trong bối cảnh mới sẽ góp phần vào việc tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và xây dựng các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng sắp tới.

* Nhiều tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và phát triển

Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường.

Qua quá trình 15 năm đổi mới, tổng kết đánh giá và rút ra các bài học lớn của các kỳ Đại hội VII, VIII, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2002), Đảng khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN; đó chính là nền KTTT định hướng XHCN”.

Một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin xuyên tạc về Việt Nam.
Một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin xuyên tạc về Việt Nam. Ảnh chụp màn hình: L.V

Tiếp đó, qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo, Đảng tiếp tục làm rõ nhận thức lý luận về thể chế KTTT định hướng XHCN. Đến Đại hội XIII, Đảng nêu rõ: “KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.

Tiến sĩ Quản Minh Cường nhấn mạnh: “Chủ nghĩa tư bản, các công ty sản xuất lớn, các tập đoàn lớn như Samsung, Amata… vào Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đầu tư và phát triển mấy chục năm qua dưới thể chế KTTT định hướng XHCN và họ không thấy ảnh hưởng gì trong quá trình đầu tư, sản xuất và phát triển. Thế nhưng, các thế lực thù địch đả phá: “đã là KTTT thì phải không có sự lãnh đạo của Đảng”, muốn hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, chúng ta phải chứng minh điều ngược lại, không chỉ bằng lý luận, mà còn bằng thực tiễn mấy chục năm qua khi rất nhiều Chính phủ, nhà đầu tư đến Việt Nam ký kết đầu tư, hợp tác quốc tế…”.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nói thêm: “Để phát triển cân đối nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững, ở Đồng Nai, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết tiếp tục phát triển công nghiệp với định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động, tập trung kinh tế số, kỹ thuật số…”.

Như vậy, để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cũng như góp phần để các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ, toàn diện, đúng đắn về thể chế KTTT định hướng XHCN, cần phải tăng cường, nâng cao nhận thức về lý luận và thực tiễn, cùng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nền KTTT định hướng XHCN đến nhiều đối tượng trong xã hội. Qua đó, không có khoảng trắng thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, tuyên truyền xuyên tạc.

Lâm Viên

Tin xem nhiều