Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều điểm mới trong Luật Thi đua, khen thưởng

Thảo Lâm
07:27, 21/02/2024

Từ ngày 1-1-2024, Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 chính thức có hiệu lực thi hành. Ngày 31-12-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT.

Thời gian qua, Đồng Nai rất chú trọng khen thưởng cho đối tượng là người lao động trực tiếp, nông dân, công nhân Trong ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, Đồng Nai rất chú trọng khen thưởng cho đối tượng là người lao động trực tiếp, nông dân, công nhân Trong ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.LÂM

Việc đưa Luật TĐKT với nhiều điểm mới vào thực tiễn nhằm góp phần bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.

Thành tích đến đâu, khen đến đó

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Luật TĐKT và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT năm 2022 do Ban TĐKT Trung ương tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho biết, Luật TĐKT năm 2022 có nhiều điểm mới nổi bật. Đó là việc thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác TĐKT; bổ sung nguyên tắc khen thưởng: thành tích đến đâu, khen đến đó; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh, cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, hạn chế tính hình thức trong thi đua.

Luật TĐKT năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024.

Cùng với đó, bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác TĐKT. Luật cũng giải quyết vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; giải quyết căn bản những vướng mắc trong tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng…

Với tinh thần không ngừng đổi mới công tác TĐKT, thời gian qua, Đồng Nai đã chủ động tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Các phong trào thi đua đã gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, các khâu đột phá của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, theo Trưởng ban TĐKT tỉnh Thái Bình Dương, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, việc khen thưởng cho đối tượng là người lao động trực tiếp, nông dân, công nhân được chú trọng hơn trước; công tác khen thưởng đã được thực hiện kịp thời, thực chất, có tác dụng nêu gương… Qua đó góp phần tạo động lực, khí thế sôi nổi, giúp phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong toàn xã hội. Việc đưa Luật TĐKT năm 2022 áp dụng vào thực tiễn sẽ tiếp tục góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính về TĐKT

Để hướng dẫn việc thi hành Luật TĐKT năm 2022, ngày 31-12-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT gồm 10 chương, 117 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Nghị định tập trung quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục khen thưởng, không quy định thời điểm trình hồ sơ khen thưởng theo công trạng để đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; điều chỉnh thời gian nhận hồ sơ danh hiệu thi đua để phù hợp với đặc thù của đơn vị, lĩnh vực đặc thù.

Nghị định quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác của người đứng đầu theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đổi mới công tác TĐKT và đảm bảo nguyên tắc “chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh” được quy định trong Luật TĐKT năm 2022. Cùng với đó, quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng cho cá nhân có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó điều chỉnh các chức danh khen thưởng quá trình cống hiến và bổ sung thêm các chức danh được khen thưởng quá trình cống hiến theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Nghị định còn quy định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, đơn giản hóa thủ tục hành chính về TĐKT nhằm đảm bảo khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời động viên, khuyến khích cá nhân là ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, tàn tật, nông dân, công nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…

Thảo Lâm

Tin xem nhiều