Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người “sửa lỗi” trái tim

HẠNH DUNG
16:33, 08/02/2024

5 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công hơn 100 ca phẫu thuật tim. Đây là bước tiến lớn trong hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện nói riêng và ngành Y tế Đồng Nai nói chung.

TS-BS Võ Tuấn Anh chủ trì cuộc họp chuyên môn của Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Để có được kết quả tích cực đó, ngoài sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo bệnh viện, hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại, còn phải kể đến sự nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng của các ê-kíp nhiều khoa, phòng trong bệnh viện.

* Chinh phục những kỹ thuật cao

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy
(TP.HCM) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho bệnh nhân Đ.T.V. (57 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị nhồi máu cơ tim nặng. Đây là kỹ thuật rất khó thực hiện.

Ông V. cho biết, năm 2006, ông từng bị nhồi máu cơ tim nhưng chỉ uống thuốc điều trị, không can thiệp. Trước khi nhập viện ít ngày, ông V. đi ngủ thì thấy người vã mồ hôi, mắt mờ dần, đau ngực dữ dội, mệt lả, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại Khoa Tim mạch can thiệp, bệnh nhân được chụp mạch vành và được chẩn đoán bị hẹp 3 nhánh mạch vành mức độ nặng, cần phẫu thuật ngay.

Những bệnh lý về tim mạch được điều trị, phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thời gian qua gồm: tim bẩm sinh, bắc cầu mạch vành và van tim, thay/sửa van 2 lá, thay van động mạch chủ, u nhầy nhĩ trái, van động mạch chủ và van 2 lá…

Hội đồng mổ tim của bệnh viện dưới sự chủ trì của BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc bệnh viện cùng lãnh đạo các khoa: Ngoại lồng ngực - tim mạch, Can thiệp tim mạch, Nội tim mạch, Gây mê hồi sức sau đó đã hội chẩn và quyết định thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch vành cho bệnh nhân.

TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, trong khoảng 4 giờ, bác sĩ phẫu thuật đã mở ngực đường giữa xương ức của bệnh nhân. Một ê-kíp lấy những động mạch ở trong thành ngực bệnh nhân, một ê-kíp khác lấy tĩnh mạch chân của bệnh nhân để làm cầu nối vào trong các điểm mạch vành, đảm bảo tái tưới máu cơ tim tốt nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ cũng không sử dụng máy tim phổi nhân tạo để giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn, nhanh hơn, tiết kiệm chi phí.

Đóng vai trò quan trọng không kém ê-kíp phẫu thuật là ê-kíp gây mê hồi sức. BS CKII Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, do bệnh nhân có nguy cơ cao (chức năng co bóp cơ tim khá kém, bị đái tháo đường không được kiểm soát tốt, hút thuốc lá nhiều) nên quá trình gây mê rất khó.

TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (người ngồi) cùng đồng nghiệp thực hiện ca phẫu thuật tim. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Ê-kíp gây mê phải tính toán sử dụng thuốc gây mê sao cho bệnh nhân không bị tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim trong lúc mổ. Ê-kíp chạy máy cũng phải phối hợp nhịp nhàng, không được phép mắc sai sót, bởi chỉ một tính toán không chuẩn xác, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Sau ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được đưa ra phòng hồi sức. Khi đó, ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng hồi sức lại tiếp tục chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân” - BS Định chia sẻ.

Ngoài kỹ thuật bắc cầu động mạch vành, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công gần 10 ca phẫu thuật tim nội soi. Đây là xu hướng tất yếu của thời đại, được xem như cuộc cách mạng trong phẫu thuật tim. Tại Việt Nam, mới chỉ có một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện E Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy… đã triển khai được kỹ thuật này. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là một trong số rất ít bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công kỹ thuật này.

* Người bệnh được hưởng lợi

Theo TS-BS Võ Tuấn Anh, khi mổ tim hở, bác sĩ sẽ phải xẻ một đường dài khoảng 20cm ở giữa xương ức trước ngực bệnh nhân để kết nối cơ thể bệnh nhân với hệ thống tim phổi nhân tạo thông qua các ống thông, rồi từ đó tiếp cận chỗ cần chỉnh sửa trong buồng tim. Cách làm này khiến xương ức của bệnh nhân sẽ không còn được vững như trước khi phẫu thuật, bệnh nhân mất nhiều máu trong mổ, hồi phục chậm, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, đặc biệt là với bệnh nhân nữ.

Với mổ tim nội soi, bác sĩ có thể tiếp cận tim qua nhiều đường khác, mỗi đường mở chỉ từ 3-5cm để đến được những chỗ cần chỉnh sửa trong buồng tim mà không cần phải mở xương ức. Chẳng hạn, khi mổ van 2 lá nội soi, bác sĩ sẽ tiếp cận van 2 lá từ bên phải với đường mở ngực chừng 3cm đến 2 lỗ trên thành ngực bệnh nhân để đưa camera nội soi và một số loại dụng cụ hỗ trợ vào.

Bệnh nhân hồi phục tốt sau ca phẫu thuật tim khó
Bệnh nhân hồi phục tốt sau ca phẫu thuật tim khó

Nhờ vết mổ nhỏ, ít xâm lấn nên bệnh nhân sẽ ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời phục hồi nhanh hơn so với mổ hở và mang lại tính thẩm mỹ cao.

Bên cạnh kỹ thuật mổ tim nội soi, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai còn thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý động mạch chủ và bệnh lý mạch máu ngoại biên. Đây là những kỹ thuật cao và phức tạp mà trước đây chỉ có những bệnh viện tuyến trung ương mới có thể làm được.

Chị Nguyễn Thị Nga (31 tuổi, ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa), một trong những bệnh nhân vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sửa van 2 lá thành công tâm sự, chị bị hở van 2 lá, suy tim, tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng. Khi vào thăm khám tại bệnh viện, chị được các bác sĩ tư vấn, giải thích cặn kẽ. Vào đến phòng mổ, biết được tâm lý người bệnh lo lắng, hồi hộp, chị được BS Tuấn Anh trấn an, động viên. Sau ca phẫu thuật, chị thấy khỏe hơn nhiều, không còn mệt mỏi như trước nữa. Quỹ Bảo hiểm y tế cũng chi trả một phần viện phí nên gia đình chị không phải trả quá nhiều tiền.

Nói về những dự định trong tương lai, TS-BS Tuấn Anh bộc bạch: “Mơ ước của chúng tôi là sẽ triển khai được thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để giúp người dân địa phương không còn phải đi xa lên các bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, chi phí, công sức cho người bệnh và gia đình họ. Để triển khai được một kỹ thuật mới không hề đơn giản, cần có sự đoàn kết, nhiệt tình, hợp sức của cả ê-kíp nhiều khoa, phòng trong bệnh viện. Mỗi ca phẫu thuật thành công là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa”.

* Tiến tới thành lập trung tâm tim mạch

BS CKII Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế cho biết, lãnh đạo Sở đánh giá rất cao những kết quả trong công tác phẫu thuật tim mà Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã đạt được trong thời gian qua. Phẫu thuật tim là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có trình độ tay nghề chuyên môn cao. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phải lường trước được những sự cố có thể xảy ra đối với bệnh nhân để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Nói về định hướng hoạt động của bệnh viện trong tương lai, BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, dự kiến trong 1-2 năm nữa, bệnh viện sẽ thành lập trung tâm tim mạch. Hiện tại, bệnh viện có Khoa Nội tim mạch đã có đội ngũ bác sĩ khá vững về chuyên môn, điều dưỡng tốt về tay nghề; các Khoa: Tim mạch can thiệp, Ngoại lồng ngực - tim mạch cũng đã có đội ngũ nhân lực hùng hậu. Sắp tới đây, bệnh viện sẽ triển khai điều trị rối loạn nhịp tim.

BS Ngô Đức Tuấn Tuấn nhấn mạnh: “Đây là cơ sở vững chắc để thành lập trung tâm tim mạch nhằm tăng cường sự đoàn kết, phối hợp giữa các khoa, phòng liên quan trong bệnh viện. Khi đó, người có lợi nhất không ai khác chính là bệnh nhân. Nhiều trường hợp mắc bệnh lý về tim mạch trên địa bàn tỉnh sẽ được điều trị ngay tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mà không cần phải đi xa”.

HẠNH DUNG

Tin xem nhiều