Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm

Phương Liễu (thực hiện)
09:01, 13/01/2024

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), phòng chống ngộ độc dịp Tết, Phó chi cục trưởng, phụ trách Chi cục ATVSTP tỉnh NGUYỄN ĐÌNH MINH cho biết:

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra thực phẩm bán trong dịp Tết tại siêu thị Go! Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: CTV

Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trong việc chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm để vui Tết trọn vẹn.

* Thưa ông, Tết là thời điểm nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) rất cao. Vậy công tác quản lý, bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết được triển khai như thế nào?

- Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về triển khai công tác bảo đảm ATVSTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024, Ban Chỉ đạo bảo đảm ATVSTP tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn. Theo đó, cấp tỉnh sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa. Ngoài ra, tại các địa phương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Đối tượng kiểm tra đợt này là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nước giải khát, nước đá; dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Bên cạnh đó, sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại.

* Hoạt động kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm phục vụ Tết đã được triển khai từ tháng 12-2023. Qua công tác kiểm tra, ông đánh giá việc chấp hành các quy định về ATVSTP trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

- Qua kiểm tra, có thể nói tình hình bảo đảm ATVSTP mặc dù có cải thiện nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, việc vi phạm còn khá phổ biến. Nhiều chủ cơ sở chưa kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật về ATVSTP, ý thức chấp hành của người quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm chưa tốt. Bên cạnh đó, việc xử lý chưa nghiêm của lực lượng chức năng tuyến huyện, tuyến xã cũng là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về ATVSTP.

Hiện thị trường thực phẩm Tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm, cảnh giác và chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATVSTP để cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.

* Được biết, công tác bảo đảm ATVSTP hiện được giao cho 3 ngành: Nông nghiệp, Công thương và Y tế với mỗi ngành quản lý một phần trong chuỗi thực phẩm. Theo ông, việc quy về một mối như TP.HCM vừa thành lập Sở ATTP, công tác bảo đảm ATVSTP có thuận lợi và hiệu quả hơn không?

- Hiện Luật ATTP đã phân công trách nhiệm quản lý ATTP cho 3 ngành: Nông nghiệp, Công thương và Y tế. Về thuận lợi, đã tạo được cơ sở hình thành và kiện toàn bộ máy, tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các ngành. Hiện sự phối hợp quản lý ATVSTP giữa 3 ngành cũng đã góp phần phát huy hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý ATVSTP theo quá trình từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối đến tay người tiêu dùng theo nguyên tắc: “Quản lý ATVSTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP”.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, việc phối hợp giữa 3 ngành vẫn xuất hiện những khó khăn, tồn tại như: thiếu tính thống nhất, đồng bộ, phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP; mỗi ngành tuân theo các quy định, hướng dẫn riêng của ngành mình, dẫn đến việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chịu sự quản lý của nhiều ngành. Ngoài ra, giữa 3 ngành cũng chưa có sự chia sẻ, thống nhất cơ sở dữ liệu về ATTP; hệ thống thông tin ATTP chưa được liên thông, tích hợp giữa các bộ, ngành dẫn đến khó khăn trong công tác phối hợp quản lý… Nếu quy về một mối như thành lập Sở ATTP như TP.HCM vừa qua, cá nhân tôi cho rằng, công tác điều hành, hoạt động sẽ có sự thống nhất, đồng bộ cao hơn, công tác quản lý ATVSTP khả năng cũng sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

* Để bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết nói riêng và phòng tránh ngộ độc thực phẩm nói chung, cần phải có những giải pháp gì, thưa ông?

- Trước mắt sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức, nhất là vào các đợt cao điểm hàng năm như Tết hoặc Tháng Hành động ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đặc biệt đối với những loại thực phẩm có nguy cơ cao mất ATTP, công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và nói “không” với các cơ sở, các sản phẩm không bảo đảm ATTP.

Về lâu dài, sẽ triển khai mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nông - lâm - thủy sản an toàn; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn, phát triển hàng hóa nông sản có chất lượng cao; quản lý ATTP theo chuỗi; tăng cường quản lý bảo đảm an ninh, ATTP đối với làng nghề, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm.

“Vào những ngày Tết, trong tủ lạnh không nên chứa quá nhiều thực phẩm, không để lẫn thực phẩm sống, chín sẽ dễ gây nhiễm chéo. Ngoài ra, nhiệt độ tủ lạnh bảo quản phải phù hợp để không làm biến chất thực phẩm. Chế biến chín và hạn chế ăn các thực phẩm tái, sống” - Phó chi cục trưởng, phụ trách Chi cục ATVSTP tỉnh NGUYỄN ĐÌNH MINH khuyến cáo.

* Tết là thời điểm người dân dự trữ và tiêu thụ nhiều thực phẩm. Ông có khuyến cáo gì về việc chọn và bảo quản thực phẩm an toàn, phòng tránh được ngộ độc?

- Khi mua thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn những điểm kinh doanh biết rõ về nguồn hàng; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng, đồ hộp móp méo; không mua dự trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để không phải sử dụng sản phẩm không còn tươi ngon, mất dinh dưỡng hoặc hư hỏng.

Riêng với thực phẩm tươi sống như: thịt, hải sản, rau quả… nên mua lượng thực phẩm vừa đủ dùng trong 1-2 ngày. Trường hợp bảo quản đông lạnh thì phải sơ chế sạch, chia phần vừa ăn trước khi đưa vào tủ lạnh.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều