Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu biết pháp luật lao động để giảm tranh chấp

Đoàn Phú
09:00, 21/09/2023

Quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) trên tinh thần hài hòa lợi ích sẽ giảm thiểu phát sinh tranh chấp.

Cán bộ pháp chế một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa trao đổi về việc xử lý kỷ luật lao động tại hội nghị đối thoại do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức vào ngày 16-9. Ảnh: Đ.Phú

Đây chính là vấn đề mà chủ đề hội nghị đối thoại Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật lao động cho DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức vào ngày 16-9 hướng tới.

* Ứng xử với NLĐ trước khó khăn

Toàn tỉnh có trên 38 ngàn DN đang hoạt động, thu hút khoảng 1,3 triệu lao động. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 8 - 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục khó khăn như các tháng đầu năm. Tuy vậy, các DN vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm để duy trì sản xuất, xuất khẩu, việc làm cho NLĐ.

Trước sức ép về đơn hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh, nỗ lực tồn tại và chờ cơ hội phát triển, nhiều DN tính đến phương án giảm lao động nhưng lúng túng vì nếu làm không khéo sẽ vi phạm pháp luật hoặc mất đi nguồn lực lao động quan trọng, tay nghề cao để hồi phục và phát triển DN trong thời gian tới.

Chính vì vậy, tại hội nghị đối thoại Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật lao động cho DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức, nhân viên phụ trách nhân sự của một số DN đặt vấn đề, DN có thể linh hoạt thay hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng các hình thức khác như: thỏa thuận việc làm, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng đại lý… để giảm bớt số lượng lao động, chi phí khác.

TS Nguyễn Thị Bích, Trường đại học Luật TP.HCM giải thích, dù hình thức của hợp đồng, giao dịch ký kết giữa đôi bên mang tên gọi khác nhau nhưng nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ thì được coi là HĐLĐ, được điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2019.

“Việc đội ngũ luật sư tỉnh tham gia ngày càng nhiều, tích cực vào việc tham vấn, hỗ trợ DN giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ lao động không chỉ giúp DN giảm rủi ro, mà còn xây dựng được đội ngũ nhân lực, pháp chế DN ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng” - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh LÊ QUANG Y bày tỏ.

“HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ về việc làm có trả công, có trả tiền lương, thỏa thuận về điều kiện lao động, thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Bản chất của nó thế nào thì phải thực hiện đúng như thế đó nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ được tốt nhất” - TS Nguyễn Thị Bích lưu ý.

Đồng quan điểm, luật sư Cao Thị Hà Giang, giảng viên Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) bày tỏ, nguồn lực lao động là một trong những nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển và thành công của DN. Do đó, bất kỳ DN nào, dù là DN nhỏ, vừa hay lớn muốn phát triển được tốt, ổn định cũng rất xem trọng vấn đề này. Chính vì vậy, muốn thành công trong việc giữ nguồn lực lao động cho phát triển trong hiện tại, tương lai, DN phải có chính sách đãi ngộ tương xứng với NLĐ và nó phải được DN thể hiện đầy đủ trong HĐLĐ. Như vậy, NLĐ mới sẵn sàng chia sẻ với NSDLĐ khi DN gặp khó khăn.

* Tốt nhất vẫn là giải pháp thương lượng, hòa giải

Việc cắt giảm lao động khi DN gặp khó khăn về đơn hàng, duy trì sản xuất, xuất khẩu trong tình hình hiện nay là điều khó tránh khỏi. Để thực hiện việc cắt giảm lao động đúng pháp luật, theo phương án sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, thu hẹp sản xuất…, không ít các DN đã đưa ra phương án cắt giảm theo ý chí riêng của NSDLĐ nên gặp phải sự phản kháng, không đồng thuận từ NLĐ.

Luật sư Lê Trọng Thêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) hiến kế, để NLĐ đồng thuận với các phương án cắt giảm việc làm, ngoài tuân thủ đúng, đầy đủ các trình tự quy định của pháp luật thì NSDLĐ cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng từ phía NLĐ một cách thực chất; tận dụng triệt để phương thức thương lượng, hòa giải khi đôi bên bất đồng quan điểm; phải thông tin đầy đủ, thuyết phục về việc cắt giảm việc làm, tạm dừng thực hiện HĐLĐ đối với NLĐ là vấn đề ngoài ý muốn và luôn được DN cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Trao đổi về nội dung này, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, trong 5 năm (2017-2022), trung tâm đã hỗ trợ và bảo vệ cho hơn 4,2 ngàn NLĐ khởi kiện NSDLĐ tại các cấp tòa để đòi quyền lợi. Tranh chấp xảy ra chủ yếu giữa NSDLĐ và NLĐ về vấn đề bảo hiểm xã hội, thôi việc, ngừng việc, tiền lương, giảm giờ làm…

Luật sư Vũ Ngọc Hà phân tích, các DN vừa và nhỏ còn hạn chế trong việc tuyển dụng cán bộ nhân sự có chuyên môn cao về pháp luật lao động. Chính vì vậy, khi DN thực hiện phương án cắt giảm lao động, việc làm, đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ chưa đúng quy định, trình tự của luật nên NLĐ khiếu nại, khởi kiện thì phát sinh trách nhiệm bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước về lao động xử phạt. Điều đó càng tạo thêm áp lực về kinh tế, uy tín, khó khăn cho DN.

“NSDLĐ thực hiện đúng các trình tự, quy định theo Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản có liên quan trong việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, cắt giảm lao động, ngừng việc… thì NLĐ sẽ tâm phục, khẩu phục, vui vẻ tìm việc làm mới. Ngược lại, NSDLĐ thực hiện các quy trình xử lý không đúng, áp dụng pháp luật sai, xử sự thiếu tôn trọng sẽ dẫn tới tranh chấp phát sinh. Điều này không chỉ gây khó khăn cho NSDLĐ mà còn cho cả NLĐ” - luật sư Vũ Ngọc Hà nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia pháp lý, quan hệ lao động phát sinh giữa NSDLĐ và NLĐ muốn được xử lý ôn hòa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hài hòa lợi ích của các bên, giảm chi phí, thời gian giải quyết, giữ uy tín cho nhau…, tốt nhất vẫn là giải pháp thương lượng, thỏa hiệp giữa các bên. Đồng thời, khi các bên chọn phương thức này trong giải quyết tranh chấp, nếu có thêm vai trò tham vấn, hỗ trợ pháp lý từ các chuyên gia pháp luật về lao động sẽ rất thuận lợi.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều