Loạt Megastory Đầu tàu kinh tế trong cuộc đua đến Net Zero:
Kỳ 3: Cần có cơ chế, tài chính và công nghệ
.

Loạt Megastory Đầu tàu kinh tế trong cuộc đua đến Net Zero:
Kỳ 3: Cần có cơ chế, tài chính và công nghệ

Hương Giang - Hoàng Lộc
09:01, 29/03/2024
 
 

Là đầu tàu kinh tế của Việt Nam nên Đông Nam Bộ (ĐNB) rất cần các cơ chế, chính sách rõ ràng, ổn định lâu dài để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đầu tàu phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững sẽ là lực đẩy cho các vùng kinh tế khác phát triển theo.

Theo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như: châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…hiện có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam, nhất là vùng ĐNB các dự án năng lượng tái tạo, đô thị xanh, logistics xanh, hạ tầng kỹ thuật xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tập đoàn đang chờ đợi Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách rõ ràng, ổn định từ 15-20 năm để nguồn vốn vào lĩnh vực này thuận lợi và doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận. Đồng thời, nhiều quỹ tài chính quốc tế sẵn sàng ưu tiên dòng tài chính xanh cho những dự án xanh nhưng cũng yêu cầu chính sách thông thoáng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

 

Việt Nam đang tích cực xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện các cam kết về môi trường, khí hậu. Bằng chứng là từ năm 2020 đến nay, Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình hành động. Bên cạnh đó, các quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, vùng, địa phương cũng lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ tăng trưởng xanh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp về chuyên đề Net Zero do Đồng Nai tổ chức. Ảnh HOÀNG LỘC
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp về chuyên đề Net Zero do Đồng Nai tổ chức. Ảnh HOÀNG LỘC

Có thể kể đến là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo đồng thời giảm phát thải nhà kính từ hoạt động năng lượng. Trong chiến lược này, các giải pháp ưu tiên là sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn nhằm mục tiêu kép: gia tăng điện sạch, bảo vệ môi trường và kinh tế tuần hoàn.

Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

 

Đối với vùng ĐNB, cuối năm 2022 của Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.

Ngoài ra, quy hoạch phát triển vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030 cũng xác định, phát triển vùng theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

 

Chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp về tăng trưởng xanh đã có nhưng để triển khai thực hiện vẫn là thách thức lớn với các địa phương, DN bởi lẽ chính sách chưa thống nhất, thiếu đồng bộ và chưa rõ ràng. Điển hình là năng lượng tái tạo điện mặt trời, hơn 3 năm qua, không có cơ chế khuyến khích phát triển loại điện này, các dự án mới không được đấu nối lưới điện quốc gia khiến nhiều DN muốn nhưng không thể lắp đặt.

Ngoài ra, nhiều DN đi trước trong sản xuất tuần hoàn lại gặp khó trong việc đề xuất cấp chứng chỉ xanh cho sản phẩm. Vì thế, DN mong muốn Chính phủ sớm ban hành quy định chi tiết để dễ dàng triển khai, tạo thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu.

 

Việt Nam đã cơ bản thiết lập được cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, nếu cơ chế, chính sách được hoàn thiện, rõ ràng và ổn định lâu dài sẽ thu hút được nguồn vốn lớn của DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào công nghệ để chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn. Do đó, đảm bảo “bộ ba” cơ chế, tài chính và công nghệ là “chìa khóa vàng” để Việt Nam nhanh tiến đến Net Zero.

TS Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II - USAID đánh giá, Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động về tăng trưởng xanh. Tại Quy hoạch điện VIII ban hành tháng 5-2023, Chính phủ đưa ra mục tiêu lớn về năng lượng tái tạo, có thể đạt 71,5% năm 2050, trong đó 2 loại hình được ưu tiên phát triển là điện gió và mặt trời. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, địa phương có tiềm năng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn tài chính xanh cho dự án năng lượng còn ít, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa có. “Tài chính cho năng lượng tái tạo của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3-4% trong tổng tín dụng, còn quá ít cũng là trở ngại lớn với các nhà đầu tư” - ông Sơn chia sẻ.

(từ trái sang): Công ty TNHH Việt Nam Nok ở Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa đang tham gia vào sản xuất xanh.

Công ty TNHH quốc tế Fleming Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) sản xuất nến thơm theo quy trình tuần hoàn để xuất khầu vào Mỹ.

(ảnh dưới): Nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu ứng dụng công nghệ hiện đại không phát thải của Công ty

Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: HOÀNG LỘC

(từ trái sang): Công ty TNHH Việt Nam Nok ở Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa đang tham gia vào sản xuất xanh.

Công ty TNHH quốc tế Fleming Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) sản xuất nến thơm theo quy trình tuần hoàn để xuất khầu vào Mỹ.

(ảnh dưới): Nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu ứng dụng công nghệ hiện đại không phát thải của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: HOÀNG LỘC

Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai đề án giảm phát thải carbon với 4 giai đoạn là: 2025-2030 giảm 20% phát thải khí nhà kính, giai đoạn 2030-2035 giảm 45%, giai đoạn 2035-2045 là trung hòa carbon và phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Giải pháp tỉnh đưa ra là nghiên cứu thực trạng, đề ra lộ trình, giải pháp giảm phát thải; đầu tư phát triển hạ tầng xanh, năng lượng xanh; yêu cầu các DN bổ sung nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực để thực hiện giảm phát thải.

Thực tế tại Đồng Nai, không ít DN có quy mô sản xuất lớn, tiềm lực mạnh đã xem đầu tư vào công nghệ, năng lượng, nguyên vật liệu để giảm phát là giải pháp để tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, đối với các DN nhỏ và vừa, việc xanh hóa sản xuất kinh doanh đang trở ngại lớn vì hạn chế về công nghệ, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính.

Đối với tỉnh Bình Dương, trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, địa phương đề ra các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chuyên sâu; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực lợi thế; phát triển tỉnh trở thành trung tâm dịch vụ của vùng ĐNB về tài chính, thương mại, du lịch, giao thương quốc tế. Giải pháp mà tỉnh Bình Dương ưu tiên là đẩy mạnh hợp tác, phát triển cộng hưởng với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước; đẩy mạnh thu hút có chọn lọc; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư tái chế, tái sử dụng chất thải; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo...

 

Trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng rõ ràng là các ngành kinh tế trụ cột công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp sẽ phát triển cân bằng và bền vững để đảm bảo lộ trình tiến đến Net Zero.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các lĩnh vực ưu tiên là quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị, năng lượng, nhân lực, công nghiệp phát thải thấp. Bên cạnh đó, thành phố có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các DN, tổ chức nước ngoài vào những lĩnh vực có lợi thế. Ông cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục hiến kế cho thành phố thực hiện chuyển đổi xanh.

 

 

Xem thêm bình luận