Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ:
Kỳ 2: 'Mở cửa' bầu trời
.

Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ:
Kỳ 2: 'Mở cửa' bầu trời

09:10, 26/03/2024
 
 

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành cùng Sân bay Tân Sơn Nhất là 2 sân bay tạo thành cụm cảng hùng mạnh, hiện đại để đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực.

Đối với vùng Đông Nam Bộ, đây cũng là những “hạt nhân” giúp cho vùng “mở cửa” bầu trời, mở ra không gian phát triển mới với hệ sinh thái kinh tế hàng không.

 

Cuối tháng 8-2023, công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1 và nhà ga hành khách T3 Sân bay Tân Sơn Nhất đồng loạt được khởi công xây dựng.

Nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1 có công suất thiết kế phục vụ 25 triệu lượt hành khách mỗi năm. Công trình nhà ga hành khách là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong sân bay thuộc dự án Đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trị giá gói thầu 35 ngàn tỷ đồng. Đây cũng được xem là “trái tim” của dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Theo hợp đồng đã ký kết, công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành sẽ hoàn thành xây dựng sau 39 tháng thi công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các
hạng mục dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) vào đầu năm
2024. Ảnh: Hải Quân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các hạng mục dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) vào đầu năm 2024. Ảnh: Hải Quân

Trong khi đó, nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất có quy mô phục vụ khoảng 20 triệu lượt hành khách mỗi năm, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong quý II-2025.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành là hai cảng hàng không tạo thành một cụm cảng hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 

Đánh giá về tầm quan trong trọng việc triển khai xây dựng công trình nhà ga Sân bay Long Thành giai đoạn 1 và nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. “Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới. Mở ra không gian phát triển mới với hệ sinh thái kinh tế hàng không, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

 

Ngày 7-6-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý theo quy hoạch này, Sân bay Biên Hòa sẽ được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng.

ân bay Biên Hòa được quy hoạch trở thành sân bay lưỡng dụng với công suất phục vụ 5 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ảnh: Phạm Tùng
Sân bay Biên Hòa được quy hoạch trở thành sân bay lưỡng dụng với công suất phục vụ 5 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ảnh: Phạm Tùng

Tháng 3-2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án Sân bay Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư (PPP) như đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Các hạng mục của Sân bay Long Thành đang dần thành hình. Chủ đầu tư và các
đơn vị thi công đang cố gắng“vượt nắng thắng mưa”, thi công ngày đêm để đảm
bảo tiến độ, khối lượng công việc. Ảnh: Phạm Tùng
Các hạng mục của Sân bay Long Thành đang dần thành hình. Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang cố gắng“vượt nắng thắng mưa”, thi công ngày đêm để đảm bảo tiến độ, khối lượng công việc. Ảnh: Phạm Tùng

Theo quy hoạch, Sân bay Biên Hòa khi khai thác lưỡng dụng sẽ có công suất phục vụ 5 triệu hành khách mỗi năm trong thời kỳ 2021-2030. Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, việc sớm đưa Sân bay Biên Hòa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như vùng Đông Nam Bộ.

Cũng theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh việc hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất, khai thác lưỡng dụng Sân bay Biên Hòa, vùng Đông Nam Bộ còn có thêm một sân bay nữa cũng được đầu tư nâng cấp là Sân bay Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Như vậy, khi các dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác, vùng Đông Nam Bộ sẽ có một hệ thống sân bay hùng mạnh, hiện đại, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ tình trạng quá tải của vận tải hàng không thời gian qua.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hạ tầng hàng không là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có tính đặc thù cao, phức tạp và hội nhập quốc tế sâu. Phát triển kết cấu hạ tầng vận tải hàng không nhằm tăng cường, mở rộng các phương thức vận tải để chia sẻ, kết nối liên thông trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng hàng không đòi hỏi đầu tư đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới, trong đó các sân bay đóng vai trò đầu mối.

 

Trong những năm qua, hạ tầng hàng không ở nước ta được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế. Nhiều sân bay đã trở nên "quá tải" cả trên bầu trời và dưới mặt đất.

Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 và Nhà ga hành khách T3 là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

 
 
Từ khóa:

Long Thành

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành

Xem thêm bình luận