Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa bệnh gout

07:11, 30/11/2022

Bệnh gout là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.

Bệnh gout là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.

BS CKI Phạm Duy Linh, Khoa Nội Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai khám và tư vấn cho người bị bệnh gout. Ảnh: H.Yến
BS CKI Phạm Duy Linh, Khoa Nội Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai khám và tư vấn cho người bị bệnh gout. Ảnh: H.Yến

Bệnh thường xảy ra với nam giới trung niên (tuổi 30-60) chiếm 95% và những người có nguy cơ cao là béo phì, uống nhiều rượu, bia, người có tiền sử gia đình bị bệnh gout, ở nữ thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh. Ngày nay, nhiều người trẻ cũng mắc phải bệnh này do chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng không lành mạnh.

* Không còn là “bệnh nhà giàu”

Sau khi tham gia tiệc cưới vào buổi tối và uống khoảng 6-8 lon bia, đầu giờ sáng hôm sau, anh N.V.N. (26 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) chịu một cơn sưng đau đột ngột, dữ dội ở ngón 1 bàn chân phải. Anh N. đau đến mức phải ngồi xe lăn để di chuyển. Anh đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai. Tại đây, các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm và nhận thấy chỉ số Acide uric tăng cao (629 umol/l), CRP 112 g/l; X-quang bàn chân thấy phù nề mô mềm quanh khớp ngón chân cái, bàn chân phải, không thấy tổn thương ở khớp. Anh N. được chẩn đoán viêm khớp gout cấp nguy phát/ thừa cân độ II.

Bác sĩ đã tiến hành điều trị cơn gout cấp và anh N. hết đau khớp hoàn toàn sau 7 ngày điều trị. Tiếp đó, bệnh nhân được tái khám và điều trị phòng ngừa. Sau 4 tháng điều trị, bệnh nhân không có cơn gout cấp tái phát, acide uric máu còn 438 umol/l. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa cải thiện cân nặng; không uống rượu, bia nhưng chưa tiết chế được chế độ ăn nhiều thịt cá và thói quen dùng thức ăn nhanh khiến nguy cơ tái phát cơn gout cấp vẫn còn ở mức cao.

BS CKI Phạm Duy Linh, Khoa Nội Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, trước đây, bệnh gout được cho là “bệnh nhà giàu” và chỉ ảnh hưởng đến quý ông ở tuổi trung niên. Nhưng thực tế công tác khám và điều trị bệnh gout hiện nay cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ngày càng phổ biến, đặc biệt là nhóm phụ nữ sau mãn kinh. Đồng thời, đời sống kinh tế - xã hội ngày càng nâng cao, nguồn thực phẩm đa dạng và chế độ ăn uống không lành mạnh khiến bệnh ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Bệnh nhân N. nêu trên là một ví dụ.

Theo BS Linh, một số nguyên nhân chính khiến gia tăng bệnh gout ở người trẻ tuổi gồm: chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu purin như: thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật…; ít hoạt động thể lực, tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng tăng ở giới trẻ; lạm dụng rượu, bia, thuốc lá; sử dụng nhiều đồ uống có đường, các loại carbohydrate tinh chế.

* Cần tuân thủ chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh

Bệnh gout tuy không đe dọa đến tính mạng như các bệnh tim mạch, đột quỵ nhưng nếu không được theo dõi và điều trị đúng thì có thể gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo đó, ngoài việc gây đau và hạn chế vận động, bệnh còn nhiều ảnh hưởng như: giảm khả năng ham muốn trong quan hệ tình dục, ảnh hưởng xấu đến hôn nhân; tạo gánh nặng tâm lý: lo lắng, chán nản, khó chịu, stress…

“Tại khớp, bệnh gout gây tổn thương và biến dạng khớp gây đau mạn tính, hạn chế vận động và cuối cùng có thể phá hủy hoàn toàn khớp dẫn đến tàn phế. Mặt khác, các hạt tophi bị loét vỡ khiến vi khuẩn xâm nhập vào gây nhiễm trùng da ở khớp, viêm khớp nhiễm trùng hoặc nặng hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Đối với thận và đường tiết niệu, sự lắng đọng tinh thể urat ở nhu mô thận có thể gây sỏi thận ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận; tại đường tiết niệu có thể gây ra sỏi đường tiết niệu. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh gout có thể làm xấu thêm và tăng tỷ lệ tử vong khi có các bệnh đồng mắc như: tim mạch, thận, rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường type 2, hội chứng chuyển hóa, béo phì)…” - BS Linh cho hay.

Cũng theo BS Linh, ngoài các yếu tố nguy cơ không thay đổi được như di truyền, chủng tộc, giới tính, bệnh gout có thể phòng ngừa bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục, uống nhiều nước, hạn chế rượu, bia và chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.

Theo đó, người dân nên hạn chế: hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia và nước uống có cồn khác, tất cả các loại nội tạng động vật (gan, thận, lách, tim, não…); các sản phẩm thịt lên men hoặc chế phẩm từ thịt (xúc xích, thịt xông khói, dăm bông…); đồ uống có đường và các carbohydrate tinh chế như bánh kẹo, thực phẩm thêm đường…

Với các loại thực phẩm như: cá (cá cơm, cá ngừ, cá trích, cá hồi…); các loại hải sản (sò, hàu, tôm, cua, trứng cá…); các loại thịt đỏ (bò, dê, cừu, lợn…); các loại thịt gia cầm…, chỉ nên dùng ở mức độ vừa phải. Đồng thời, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm như: trái cây và các loại rau củ; các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu nành…) giàu purin  nhưng có nguồn protein lành mạnh thay thế nguồn protein động vật; các loại hạt (hạt óc chó, mắc ca, hạnh nhân, điều…); ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, lúa mạch, gạo lứt…); các loại sữa không béo hoặc ít béo; trứng gia cầm…

Người bị bệnh gout cần: tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và tái khám kiểm tra định kỳ; kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc; thay đổi lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống. Cụ thể, cần bỏ hẳn hoặc hạn chế tối đa rượu, bia; duy trì cân nặng hợp lý; uống đủ 2-4 lít nước/ngày, hạn chế đồ uống có đường, bánh kẹo thực phẩm thêm đường; tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, hạn chế thực phẩm nhiều purin: thịt đỏ, nội tạng động vật và một số loại hải sản… Ăn thịt không quá 150g/ngày; ưu tiên các loại protein lấy từ thực vật, có thể sử dụng thêm sữa ít béo hoặc không béo; chế độ vận động thích hợp: 150 phút/tuần, không ngừng quá 2 ngày liên tục.

Hải Yến

Tin xem nhiều