Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tấm gương vượt khó

03:11, 30/11/2022

Mỗi học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai đều là tấm gương về tinh thần vượt khó, không khuất phục trước những thử thách của cuộc sống.

[links()]Mỗi học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai đều là tấm gương về tinh thần vượt khó, không khuất phục trước những thử thách của cuộc sống. Các em không chỉ luôn cố gắng học tập tốt mà còn chăm ngoan, phụ giúp gia đình để cha mẹ yên tâm làm ăn. Nhiều em còn nhỏ tuổi nhưng đã có suy nghĩ chín chắn về tương lai.

Em Nguyễn Huy Hoàng Anh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Trịnh Hoài Đức (xã An Viễn, H.Trảng Bom) trong giờ học. Ảnh: H.YẾN
Em Nguyễn Huy Hoàng Anh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Trịnh Hoài Đức (xã An Viễn, H.Trảng Bom) trong giờ học. Ảnh: H.YẾN

Suất học bổng không chỉ giúp có thêm chi phí để trang trải cho việc học mà còn là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các em thêm niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống.

Ước mơ của Hoàng Anh

Làm giáo viên 18 năm nhưng với cô Thái Thị Hoa Mai (Trường THCS Trịnh Hoài Đức, xã An Viễn, H.Trảng Bom), cậu học trò Nguyễn Huy Hoàng Anh là trường hợp đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng và cả niềm cảm thương.

Mẹ mất năm 2017 khi Hoàng Anh mới học lớp 5 và cô em gái chưa vào lớp 1. Do lo người cha có xu hướng bạo lực nên sau ngày mẹ mất, Hoàng Anh được người thân gửi vào ở trong một ngôi chùa trên địa bàn xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) và học ở Trường THCS Sông Nhạn trong 3 năm. Suốt thời gian đó, Hoàng Anh không được về nhà để thăm em gái.

Học bổng Vượt khó vì tương lai là chương trình xã hội - từ thiện được Báo Đồng Nai phối hợp cùng nhà tài trợ tổ chức thường niên. Năm nay, có 50 học sinh được trao học bổng trị giá 4 triệu đồng/suất. Học bổng này sẽ góp phần hỗ trợ kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có thêm điều kiện trang trải chi phí trong học tập.

Ngoài giờ học ở trường, trong chùa, Hoàng Anh còn theo sư phụ học thêm những giáo lý cơ bản của Phật giáo. Từ những câu kinh, tiếng kệ, tâm hồn em dần được xoa dịu, quên đi nỗi đau mất mát và lấy lại thăng bằng, chú tâm vào học tập.

“Ở chùa, em được dạy nhiều điều hay lẽ phải, giúp em hiểu được nhiều đạo lý tốt đẹp của cuộc đời” - Hoàng Anh trải lòng.

Đến đầu năm học lớp 9, Hoàng Anh mới được người thân đón về và trao lại cho cha em nuôi nấng. Kể từ ngày về ở với cha, Hoàng Anh thay cha chăm sóc, đưa đón em gái đang học lớp 4 của mình.

“Vì xa em gái tận mấy năm mà lúc đó bé còn nhỏ quá nên khi mới về nhà, em phải mất một thời gian dài mới làm quen được với bé. Dần dần bé mới chịu gần gũi với em” - Hoàng Anh kể.

Để giảm gánh nặng cho cha, sau khi ổn định việc học, Hoàng Anh đã tự đi tìm việc làm thêm. Hiện nay, em được nhận vào phụ việc tại một cửa hàng bán giày dép với mức thù lao 3 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, Hoàng Anh đi học buổi sáng, trưa về lo cơm nước cho em gái, đưa em đi học. Đến 16 giờ, em bắt đầu đi làm thêm, 21 giờ 30 thì tan làm trở về nhà nghỉ ngơi. Sáng sớm, em thức dậy từ 5 giờ để học bài.

Cô Mai Hoa kể: “Ban đầu, tôi cũng không biết em đi làm thêm. Hôm đó, thấy em đạp xe đi nhanh quá nên tôi mới chạy theo hỏi thăm. Khi biết em đi làm, tôi có đến chỗ làm để xem công việc của em thế nào, có bị người ta lừa gạt gì không. Hoàng Anh ở trong chùa mới về nên nhiều điều còn bỡ ngỡ, chưa hòa nhập được với các bạn. Em chưa bao giờ sử dụng điện thoại thông minh, không lên mạng internet nên khó tìm được câu chuyện chung để nói với các bạn. Tuy vậy, Hoàng Anh là cậu học trò khá thông minh, hăng hái phát biểu xây dựng bài”.

Hoàng Anh cho biết, sau khi nhận tiền thù lao, em đưa cho cha một ít để trang trải sinh hoạt phí gia đình; phần còn lại em mua sắm dụng cụ học tập và tiêu dùng cá nhân.

Cô Mai Hoa lo lắng, nếu Hoàng Anh phải đi làm thêm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình nên cậu học trò nhỏ này vẫn phải tiếp tục làm việc.

Nói về tương lai, Hoàng Anh cho biết, em ước mơ trở thành lập trình viên máy tính vì bản thân rất thích học công nghệ thông tin. Hoàng Anh còn cách ước mơ này rất xa, bởi hiện tại em chưa có máy tính để tự học thêm trong khi Trường THCS Trịnh Hoài Đức không dạy môn Tin học ở lớp 9. Bản thân Hoàng Anh cũng không biết liệu em có đủ điều kiện để tiếp tục theo học bậc THPT và xa hơn là theo học nghề lập trình máy tính hay không.

Học để nên người

Quê ở tỉnh Quảng Ngãi, thường xuyên phải chịu cảnh bão lũ nên dù chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tằn tiện, gia đình anh Nguyễn Thành Thông vẫn không thoát được cảnh nghèo. 3 năm trước, vợ chồng anh quyết định đưa 2 con nhỏ vào Đồng Nai kiếm kế sinh nhai. Không có nghề nghiệp và vốn liếng, anh chị quyết định mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu gõ ở xã Cây Gáo (H.Trảng Bom). Công việc chưa kịp ổn định, dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 phải giãn cách xã hội nên gia đình anh phải dắt díu nhau về quê tránh dịch cho đến khi thực hiện “bình thường mới” thì quay vào Đồng Nai.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của gia đình anh Thông là sức khỏe của vợ và con gái không được tốt. Anh Thông cho biết: “Con gái tôi trước đây sinh non nên bây giờ bé thường xuyên đau ốm, còn vợ tôi bị bệnh tim, thỉnh thoảng phải đi bệnh viện”.

Công việc bấp bênh, vất vả nhưng anh chị có được niềm an ủi là 2 đứa con chăm ngoan, học giỏi. Trong đó, em Nguyễn Trương Ngọc Thái, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh là học sinh giỏi nhiều năm liền. Đặc biệt, năm học 2021-2022, dù phải học online suốt một học kỳ nhưng Thái không chỉ hoàn thành tốt nội dung học tập mà còn đoạt giải khuyến khích cuộc thi Trạng nguyên toàn tài cấp tỉnh.

Biết tin con trai được trao học bổng Vượt khó vì tương lai, anh Thông rất vui vì sẽ có thêm tiền để lo việc học cho con. Anh cũng cảm thấy ấm lòng vì ở nơi “đất khách” vẫn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.

50 học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai là 50 hoàn cảnh khó khăn khác nhau, trong đó có không ít em mồ côi cha hoặc mẹ. Vì hoàn cảnh, nhiều em phải đến ở cùng ông, bà nội - ngoại hoặc nhà người thân. Những người cưu mang các em đều mong muốn dùng tình thương bù đắp cho những mất mát mà các em phải chịu khi tuổi đời còn quá nhỏ. Mong muốn các em có được tương lai tươi sáng hơn nên dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, người thân của các em vẫn nỗ lực để các em được đến trường.

Em Phạm Phúc Ân, học sinh lớp 2/1, Trường tiểu học Long Phước (H.Long Thành) là một trong số đó. Mẹ của em mất cách đây 2 năm, tuy còn cha nhưng Ân và chị vẫn được dì dượng đón về chăm sóc, dạy dỗ.

Phải có trái tim nhân ái, tấm lòng bao dung và hết mực thương yêu cháu, anh Nguyễn Bá Sinh (ngụ xã Long Phước, H.Long Thành) mới đón các cháu về nuôi. Bởi vì, vợ chồng anh chị cũng đang phải nuôi 2 con ruột ăn học, trong đó người con trai lớn đang học đại học và người con gái học lớp 11. Bản thân vợ chồng anh cũng không khá giả gì. Vợ làm giáo viên, còn anh Sinh làm nghề cơ khí nên để nuôi được 4 người con, cháu ăn học là điều không hề dễ dàng.

Anh Sinh, dượng của Ân chia sẻ: “Cha của cháu công việc không ổn định, hơn nữa môi trường sống cũng không được tốt lắm. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định đón 2 cháu về nuôi dạy. Nuôi các cháu đã đành, điều quan trọng mà vợ chồng tôi muốn là các cháu có môi trường tốt, được uốn nắn từ nhỏ để các cháu ăn học nên người…”.

Hải Yến

Tin xem nhiều