Báo Đồng Nai điện tử
En

Cứ đam mê sẽ có ngày 'đơm hoa kết trái'

07:11, 29/11/2022

Không chỉ là gương mặt được yêu thích nhất trong cuộc thi Tình ca Việt Nam năm 2022, anh Phan Thánh (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) còn giữ lửa đam mê âm nhạc bằng cách thành lập Trung tâm Âm nhạc Thánh Tâm nhằm đào tạo năng khiếu âm nhạc trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ là gương mặt được yêu thích nhất trong cuộc thi Tình ca Việt Nam năm 2022, anh Phan Thánh (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) còn giữ lửa đam mê âm nhạc bằng cách thành lập Trung tâm Âm nhạc Thánh Tâm nhằm đào tạo năng khiếu âm nhạc trên địa bàn tỉnh.

Anh Phan Thánh - chị Nguyễn Thị Tường Vy (giữa) được trao giải Thí sinh được yêu thích nhất và giải Triển vọng trong cuộc thi Tình ca Việt Nam năm 2022. Ảnh: L.Na
Anh Phan Thánh - chị Nguyễn Thị Tường Vy (giữa) được trao giải Thí sinh được yêu thích nhất và giải Triển vọng trong cuộc thi Tình ca Việt Nam năm 2022. Ảnh: L.Na

Trên cả 3 vai trò: người thầy, nghệ sĩ và nhà quản lý, anh đã và đang góp phần lan tỏa âm nhạc nghệ thuật Đồng Nai đến gần hơn với công chúng.

1. Chúng tôi gặp anh Phan Thánh khi anh vừa trở về sau đêm chung kết cuộc thi Tình ca Việt Nam năm 2022 tổ chức tại TP.HCM. Anh Thánh cho biết, bản thân anh cảm thấy rất vui khi là thí sinh được nhiều người yêu thích nhất trong cuộc thi. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên anh tham gia một cuộc thi âm nhạc nhưng lại là lần đáng nhớ nhất, bởi “cái duyên” và tình cảm yêu mến mà khán giả đã dành cho anh.

“Tôi đến với cuộc thi rất tình cờ; trong một lần lướt Facebook, thấy thông báo cuộc thi và nhấp thử vào xem, đăng ký. Sau đó, Ban tổ chức đã gọi điện xác nhận cho vợ chồng tôi cùng tham gia. Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ tham gia cho vui, bởi hát bolero không phải là sở trường của mình. Tuy nhiên, cái duyên và tình yêu với âm nhạc đã đưa đẩy chúng tôi vào đến vòng chung kết xếp hạng và đoạt 2 giải thưởng” - anh Thánh chia sẻ.

Theo anh Phan Thánh, âm nhạc, nghệ thuật luôn có tính định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Một ca khúc hay đôi lúc còn có sức kêu gọi, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng hơn nhiều phương thức tuyên truyền khác. Dù hát bolero, hát các ca khúc cách mạng hay những ca khúc trữ tình về quê hương… đều mang đến những thông điệp tích cực, những mục tiêu tốt đẹp về lối sống, biết trân trọng giá trị văn hóa để hoàn thiện bản thân mình.

2. Sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, đam mê ca hát từ khi còn rất nhỏ song anh Phan Thánh không được sự ủng hộ của gia đình. Một phần vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện để anh được học thêm về âm nhạc, phần vì cha mẹ không muốn anh đi theo con đường nghệ thuật, thu nhập vừa thấp mà công việc không ổn định. Phải học đến THPT, anh mới tích cực tham gia hoạt động phong trào và các cuộc thi hát cấp trường, từng đoạt được giải nhì.

Trong tháng 11 này, anh Phan Thánh và chị Nguyễn Thị Tường Vy đã tham gia đêm chung kết cuộc thi Tình ca Việt Nam 2022. Anh chị đã lần lượt đoạt giải thí sinh được yêu thích nhất và giải triển vọng của cuộc thi.

Anh Thánh bộc bạch: “Nuôi dưỡng ước mơ với nghệ thuật, tôi kiên trì theo đuổi để thi vào Học viện Âm nhạc Huế. Sau vài năm lỡ hẹn, tôi trúng tuyển Khoa Thanh nhạc vào năm 2006. Có thời điểm tưởng chừng như tôi phải nghỉ học giữa chừng do vừa phải đi làm thêm để trang trải học phí, vừa đi học, trong khi nhiều thầy cô có quy định rất gắt gao về giờ giấc. May mắn, vào năm cuối đại học, tôi được một trường tư thục tại Huế tuyển thẳng vào hợp đồng, vừa dạy học, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp”.

Với mong muốn phát triển con đường âm nhạc, anh Phan Thánh rời Huế vào TP.HCM, sau đó đến Đồng Nai tiếp tục tham gia giảng dạy cho học sinh THCS tại H.Vĩnh Cửu. Sau 2 năm, anh quyết định về TP.Biên Hòa, mở Trung tâm Âm nhạc Thánh Tâm chuyên đào tạo các bộ môn piano, organ, guitar, thanh nhạc, violon…, chủ yếu dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi. Với số lượng học sinh đăng ký theo học đông, nhất là vào mỗi dịp hè, anh đã mở rộng các cơ sở dạy nhạc, đặt tại các phường trên địa bàn TP.Biên Hòa và TP.HCM.

“Thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, hoạt động dạy nhạc gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng học sinh theo học nhạc giảm dần và ngưng hẳn khi dịch bùng phát mạnh. Từ 5 trung tâm, hiện tại chúng tôi còn 3 trung tâm đang hoạt động. Sau dịch, số lượng thanh thiếu nhi đến đăng ký học nhạc đã ổn định, có khoảng 35-40 em/tháng/trung tâm. Sau các khóa đào tạo, nhiều em có năng khiếu đã theo học nghệ thuật chuyên nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, tìm được việc làm ổn định. Nhiều em tham gia các cuộc thi, liên hoan, hội diễn và đoạt nhiều giải thưởng cao” - anh Thánh nói.

Cũng từ các lớp dạy học âm nhạc tại trung tâm đã se duyên để anh Phan Thánh và chị Nguyễn Thị Tường Vy gặp nhau. Chị Tường Vy kể, chị cũng đam mê nghệ thuật từ nhỏ song không được gia đình ủng hộ. Trưởng thành, vừa đi làm, chị vừa đăng ký theo học thanh nhạc và thu âm ở Trung tâm Âm nhạc Thánh Tâm. Trong lớp học, chị bắt gặp người thầy có giọng Huế nhẹ nhàng, ấm áp, ánh mắt dịu dàng và có giọng ca truyền cảm. Từ buổi học đầu tiên cùng chung tình yêu với âm nhạc ấy đã giúp anh chị quen biết nhau, hiểu nhau và rồi nên duyên vợ chồng vào năm 2013.

3. Hiện tại, ngoài việc quản lý các trung tâm âm nhạc, anh Phan Thánh còn tích cực cộng tác với các trường học, tham gia dạy nhạc cho các trường THCS, đại học trên địa bàn tỉnh. Là một thầy giáo, nhà quản lý, anh bận rộn nhưng chưa khi nào ngưng hát. Mỗi khi đứng lớp là một lần anh phải tự học để mở mang kiến thức, làm cho bài giảng của mình phong phú, hiệu quả hơn. Anh bảo, anh có cơ hội tiếp xúc, làm việc nhiều với học viên trẻ tuổi, đối tượng học sinh, sinh viên. Chính họ đã truyền cho anh năng lượng, cách nghĩ và cách làm chỉ có ở tuổi trẻ.

Ở tuổi 40, anh Phan Thánh cảm thấy rất hạnh phúc khi được gia đình ủng hộ, sẻ chia và yêu thương khi thấy anh theo đuổi đam mê âm nhạc đúng hướng. Không chỉ năng động, bắt kịp với xu thế công nghệ, anh cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá âm nhạc trên các nền tảng mạng xã hội với mong muốn giúp nhiều người tiếp cận và thỏa đam mê với các loại nhạc cụ, thanh nhạc. Anh Thánh cho hay, trong thời gian tới, anh có dự định phối hợp với các đơn vị tổ chức các sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp, tổ chức các buổi thực hành biểu diễn tại các không gian công cộng cho thanh thiếu nhi; đồng thời, sẽ tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương. Với anh, chỉ cần có tình yêu và giữ lửa đam mê, biểu diễn hết mình… sẽ có ngày “đơm hoa kết trái”.

Ly Na

Tin xem nhiều