Báo Đồng Nai điện tử
En

'Lão nông' thời 4.0

07:11, 18/11/2022

Tại ấp Cây Xoài (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) có một "lão nông" đã mạnh tay chi hơn nửa tỷ đồng sắm máy bay không người lái để phun thuốc, bón phân và ứng dụng công nghệ sinh học vào chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ. Ông là Trần Văn Mười, người tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0 và mô hình sản xuất thân thiện môi trường vào sản xuất nông nghiệp.

Tại ấp Cây Xoài (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) có một “lão nông” đã mạnh tay chi hơn nửa tỷ đồng sắm máy bay không người lái để phun thuốc, bón phân và ứng dụng công nghệ sinh học vào chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ. Ông là Trần Văn Mười, người tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0 và mô hình sản xuất thân thiện môi trường vào sản xuất nông nghiệp.

Máy bay không người lái do ông Trần Văn Mười đầu tư để phục vụ sản xuất
Máy bay không người lái do ông Trần Văn Mười đầu tư để phục vụ sản xuất

Việc đầu tư sản xuất theo xu hướng mới này đã giúp lão nông Trần Văn Mười gặt hái được nhiều cái lợi như: giảm chi phí về thời gian, nhân công lao động, phân bón trong chăm sóc cây trồng…, kéo theo giảm giá thành sản xuất mà năng suất cây trồng vẫn không giảm. Cùng với đó là những lợi ích về môi trường, sức khỏe người nông dân được bảo đảm an toàn, tránh tiếp xúc trực tiếp với phân bón, thuốc hóa học…

* “Lái máy bay” phun thuốc, bón phân

Xuất phát từ việc chật vật tìm người làm công chăm sóc cho hơn 10ha bưởi của gia đình, cùng với những chi phí cho nhân công, thời gian chăm sóc ngày càng cao do thị trường lao động nông nghiệp khan hiếm, năm 2021, ông Trần Văn Mười quyết định tìm giải pháp khắc phục những vấn đề trên để vừa bảo đảm chất lượng, năng suất cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí và an toàn cho sức khỏe. Trong thời gian đi tìm giải pháp cho vườn bưởi 10ha, ông Mười đã tiếp cận với mô hình phun, xịt thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái.

Chia sẻ về những khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình tiếp cận công nghệ hiện đại, ứng dụng sản xuất sạch bằng công nghệ sinh học, ông TRẦN VĂN MƯỜI cho rằng, người nông dân nói chung hiện nay còn hay e ngại trong việc chuyển đổi quy trình sản xuất cũng như đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ cho công việc do tốn kém đầu tư lúc ban đầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Mười, người nông dân nên mạnh dạn tìm hiểu, thu thập kiến thức để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa tiết kiệm chi phí và bảo vệ được đất và cây trồng.

Thích thú với công nghệ 4.0, ông Mười đã lặn lội tìm đến tận nơi sản xuất mô hình máy bay không người lái để tìm hiểu, nhờ tư vấn và hỗ trợ sử dụng. Không lâu sau đó, tại vườn bưởi 10ha của gia đình ông Mười, người dân xung quanh thường thấy một chiếc máy bay mô hình bay lượn trên những ngọn cây bưởi và phun ra lớp nước như sương mù, đó là những lúc ông Mười dùng điều khiển từ xa dưới mặt đất để “lái máy bay” phun thuốc, phân bón cho vườn bưởi.

Ông Mười cho biết, kể từ khi có máy bay phun thuốc và phân bón, ông đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian chăm sóc cây trồng. Trước khi có máy bay tưới cây, ông vừa phải lo tìm nhân công lao động, vừa lo tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu… Kể từ khi có máy bay không người lái, ông tiết kiệm được nhân công lao động khá lớn; hơn nữa, khi dùng máy bay không người lái để phun thuốc, phân bón còn giảm được đáng kể lượng thuốc và phân bón, đặc biệt là tránh cho người lao động tiếp xúc trực tiếp với thuốc, phân, bảo đảm an toàn về sức khỏe.

Chia sẻ về thiết bị phun thuốc, bón phân 4.0 của mình, ông Mười nói: “Hiện nay, mỗi khi tới kỳ phun thuốc, bón phân, tôi chỉ tốn khoảng 5 giờ điều khiển máy bay không người lái là có thể tưới hết vườn bưởi của mình. Ngoài những lợi ích về nhân công, thời gian, máy bay không người lái có thể phun thuốc từ trên cao xuống, bao trùm được cây nên lượng thuốc rải đều. Bên cạnh đó, nhờ cánh quạt của máy bay còn có thể đánh đuổi được một số loại côn trùng phá hoại, đặc biệt là loài nhện đỏ, “khắc tinh” của cây bưởi”.

* Làm phân bón, thuốc trừ sâu từ “rác” và chế phẩm sinh học IMO

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, ông Mười còn hướng đến kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ. Theo đó, ông đã ứng dụng hiệu quả công thức ủ “rác” là các phụ phẩm nông nghiệp với chế phẩm sinh học IMO để tạo ra thuốc trừ sâu thảo mộc và phân hữu cơ.

Ông Trần Văn Mười làm phân bón, thuốc trừ sâu bằng phương pháp IMO
Ông Trần Văn Mười làm phân bón, thuốc trừ sâu bằng phương pháp IMO

Theo tính toán của ông Mười, khi sử dụng máy bay không người lái đã giúp ông tiết kiệm được 20% chi phí công lao động và đảm bảo được an toàn sức khỏe. Sau khi làm ra phân bón và thuốc trừ sâu thảo mộc từ các phụ phẩm sinh học, chi phí đầu tư cho vườn cây lại được giảm thêm một mức đáng kể nữa. Quá trình đầu tư, sản xuất và chăm sóc cây theo phương pháp mới, ông Mười nhận thấy cây vẫn phát triển ổn định, năng suất không giảm và điều đáng nói là môi trường được trong lành hơn do sử dụng men vi sinh nên đất cũng tốt hơn.

Với sự cải tiến mạnh mẽ trong quy trình sản xuất nông nghiệp, ông Mười đang lên kế hoạch cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. “Thời gian tới, tôi dự định sẽ tăng thêm diện tích trồng bưởi và chuyển dần theo hướng hữu cơ, mà trước tiên là đăng ký sản xuất theo mô hình VietGAP. Thời gian qua, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các kỹ sư, chuyên viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Vĩnh Cửu trong làm men vi IMO. Với sự giúp sức này, tôi tin người nông dân sẽ thành công trong áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho gia đình” - ông Mười cho biết thêm.

Chia sẻ về sự tiên phong và chịu khó trong áp dụng công nghệ 4.0 và ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra phân bón và thuốc trừ sâu của nông dân Trần Văn Mười, đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Vĩnh Cửu cho biết, trong suốt quá trình hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, cách ủ và tạo ra phân, thuốc từ sự kết hợp giữa phụ phẩm nông nghiệp và chế phẩm sinh học IMO, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp luôn bám sát quá trình sản xuất và có những hướng dẫn kịp thời cho người nông dân. Không chỉ với ông Mười, bất kỳ người dân nào nếu có nhu cầu làm IMO đều được hỗ trợ về kiến thức cũng như phương pháp sử dụng hiệu quả.

Theo Phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu, năm 2020, H.Vĩnh Cửu bắt đầu triển khai mô hình thí điểm xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp xử lý IMO tại 3 khu dân cư kiểu mẫu của các xã: Tân Bình, Hiếu Liêm, Vĩnh Tân; hiện tiếp tục triển khai đến các xã đang thực hiện khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Tại các trường học, huyện đã triển khai thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn một cách đồng bộ. Trong quý IV-2022, các mô hình phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trong trường học như: ứng dụng men vi sinh (IMO) để khử mùi nhà vệ sinh trường học và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh (IMO) để tạo ra phân bón hữu cơ chăm sóc hoa, cây cảnh trong các trường học trên địa bàn huyện; mô hình Tái chế chất thải (Ngôi nhà tái chế) để tổ chức thu gom chất thải sau khi phân loại đối với sản phẩm nhựa dùng một lần được triển khai rộng rãi. Tại các điểm tập kết chất thải sinh hoạt của các xã Thạnh Phú, Thiện Tân và Bình Lợi được ứng dụng chế phẩm sinh học IMO để khử mùi khá hiệu quả.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều