Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên tranh tụng tội danh, hành vi phạm tội của 2 bị cáo Nguyễn Minh Khoa và Trần Văn Việt

02:11, 22/11/2022

(ĐN)- Sáng 22-11, trong phiên tranh tụng tại phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng, luật sư bào chữa đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa (52 tuổi, ngụ Q.Lê Châu, TP.Hải Phòng) và Trần Văn Việt (36 tuổi, quê H.Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thuyền trưởng tàu Western Sea).

(ĐN)- Sáng 22-11, trong phiên tranh tụng tại phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng, luật sư bào chữa đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa (52 tuổi, ngụ Q.Lê Châu, TP.Hải Phòng) và Trần Văn Việt (36 tuổi, quê H.Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thuyền trưởng tàu Western Sea).

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa tại phiên tòa xét xử
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa tại phiên tòa xét xử

Luận tội của Viện KSND tỉnh xác định, bị cáo Khoa và Việt đã giúp sức tích cực cho bị Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụQ.Tân Bình, TP.HCM) trong việc quản lý, điều hành các tàu Pacific Ocean, Western Sea và vận chuyển xăng lậu từSingapore về Việt Nam tiêu thụ. 

Do đó, bị cáo Khoa, Việt phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Viễn với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội từ 2 lần trở lên. Viện KSND tỉnh đề nghị mức án đối với bị cáo Khoa từ 7-8 năm tù, Việt mức án 6-7 năm tù.

Luật sư đề nghị chuyển tội danh

Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo Khoa từ tội buôn lậu (Điều 188) sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189, Bộluật hình sự năm 2015). Bị cáo Khoa và Việt không đồng phạm với bị cáo Viễn về tội buôn lậu bởi lẽ không có sự bàn bạc, thỏa thuận và cũng không được chia lợi nhuận.

Theo luật sư bào chữa, các bị cáo không được thông báo, thông tin về việc buôn lậu và không tham gia bàn bạc, trao đổi; ủng hộ tinh thần, vật chất và không tham gia mua bán xăng; không hưởng lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu xăng dầu và chỉ thực hiện chuyên môn làm thuyền trưởng, vận chuyển thuê và được trả lương của người làm công.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Cũng theo luật sư, hàng hóa vận chuyển từ Singapore về vùng đặc quyền kinh tế không thuộc vùng biển Việt Nam. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Khoa khai nghi ngờ nhóm bị cáo Viễn buôn lậu nhưng không biết cũng như tham gia vào việc buôn lậu của các bị cáo. Công việc của bị cáo Khoa và Việt chỉ là quản lý về mặt con người, kỹ thuật, lái tàu theo sự chỉ đạo của Viễn, còn lại không biết việc buôn lậu xăng.

Với số tiền thu lợi bất chính, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại vì các bị cáo chỉ thu tiền chênh lệch vì cho thuê tàu và làm công ăn lương, không thu lợi từ việc buôn lậu xăng của nhóm bị cáo khác.

“Người đi làm công ăn lương thì phải được trả lương khi làm việc. Không thể đánh đồng tiền lương và tiền thu lợi bất chính”- luật sư bào chữa cho hay.

Viện KSND tỉnh khẳng định các bị cáo phạm tội buôn lậu

Đối đáp lại tranh luận của luật sư bào chữa, đại diện Viện KSND tỉnh khẳng định, có đủ tài liệu chứng minh bị cáo Khoa và Việt đã giúp sức cho Viễn mua xăng nhập lậu về tiêu thụ tại Việt Nam. 

Đại diện Viện KSND tỉnh đã tranh luận tại phiên tòa xét xử ngày 22-11
Đại diện Viện KSND tỉnh đã tranh luận tại phiên tòa xét xử ngày 22-11

Theo cơ quan công tố, ngoài tài liệu trong hồ sơ, lời khai của bị cáo Khoa, Việt và các bị cáo khác trong quá trình điều tra đều nhận thức và thừa nhận đã đồng phạm giúp sức cho bị cáo Viễn buôn lậu xăng. Vì bị cáo Khoa và Việt không bàn bạc, thỏa thuận, cấu kết và không được hưởng lợi nhuận nên Viện KSND tỉnh chỉ truy tố các bị cáo tội buôn lậu đồng phạm giúp sức giản đơn mà không phải là đồng phạm có tổ chức.

“Nếu chứng minh được bị cáo Viễn có bàn bạc với bị cáo Khoa, Việt thì Viện KSND tỉnh sẽ đề nghị mức án cao hơn”- Viện KSND tỉnh cho hay. 

Về việc luật sư tranh luận các bị cáo giao nhận xăng ở vùng đặc quyền kinh tế, tức là không thuộc vùng biển của Việt Nam nên không phạm tội buôn lậu mà chỉ phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, Viện KSND tỉnh cho rằng, không quan trọng việc giao nhận xăng ở khu vực nào, mà quan trọng là hậu quả để lại là có gần 200 triệu lít xăng các bị cáo nhập lậu đã được đưa vào vùng nội thị và tiêu thụtại Việt Nam.

“Viện KSND không quy chụp tiền lương và tiền thu lợi bất chính, mà đây là số tiền thu được từ việc các bị cáo đã biết hành vi phạm tội buôn lậu của các bị cáo khác nhưng vẫn giúp sức cho các bị cáo khác buôn lậu nên cần tịch thu sung công quỹ”- đại diện Viện KSND tỉnh nhấn mạnh.

* Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận đối với tội danh, hành vi phạm tội của một số bị cáo khác là thuyền phó, thuyền viên, nhân viên làm việc trên các tàu vận chuyển xăng lậu Pacific Ocean và Western Sea.

Tố Tâm

Tin xem nhiều