Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thảo luận nhiều nội dung quan trọng

07:10, 21/10/2022

Sáng 21-10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp.

Sáng 21-10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp.

Các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham dự kỳ họp. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham dự kỳ họp. Ảnh: Hải Yến

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau. Do có sự khác nhau nên thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của Luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể” (khoản 10, Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW) và chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng trong thời gian qua. Để khắc phục vướng mắc này, cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

* Tiếp đó, Quốc hội nghe báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh việc tuân thủ thể chế chung áp dụng cho các địa phương đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp với yêu cầu phát triển của TP.HCM, trên cơ sở Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và đề nghị của thành phố, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14. Nghị quyết là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho thành phố.

Cũng trong chương trình, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Chiều cùng ngày, với 459/460 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước giữ chức Tổng kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Với 434/458 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 87,15% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Y tế, giữ chức Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2021-2026; ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, giữ chức Bộ trưởng GT-VT nhiệm kỳ 2021-2026.

T.H (tổng hợp)

 

 

Tin xem nhiều