Báo Đồng Nai điện tử
En

Mãi mãi tình yêu áo dài

10:05, 10/05/2022

Thời học phổ thông tôi chưa một lần được mặc áo dài trắng dù lòng luôn mê mẩn. Thời ấy, quê tôi còn nhiều nghèo khó, học sinh được đến trường, có cái ăn cái mặc đã là hạnh phúc lắm nên ước mơ có được chiếc áo dài không dễ thành hiện thực...

Thời học phổ thông tôi chưa một lần được mặc áo dài trắng dù lòng luôn mê mẩn. Thời ấy, quê tôi còn nhiều nghèo khó, học sinh được đến trường, có cái ăn cái mặc đã là hạnh phúc lắm nên ước mơ có được chiếc áo dài không dễ thành hiện thực. Nhà trường quy định học sinh chỉ mặc đồng phục quần xanh áo trắng vào thứ hai chào cờ đầu tuần, những ngày còn lại mặc sao cũng được, miễn gọn gàng, sạch sẽ.

Chị em dịu dàng trong trang phục áo dài tại khu du lịch Bửu Long
Chị em dịu dàng trong trang phục áo dài tại khu du lịch Bửu Long (Ảnh: Huy Anh)

Thời đó, con đường đến trường còn lắm gian nan, nắng bụi mưa lầy, không khang trang sạch đẹp như bây giờ. Lũ chúng tôi đứa có điều kiện thì đi học bằng xe đạp, đứa khó hơn đành cuốc bộ cả chục cây số mỗi ngày. Ngày nắng còn đỡ, gặp mùa đông trời mưa tầm tã, lạnh tái tê, nhiều bạn bước vào lớp với bộ đồ ướt sũng, ngồi học mà rét run cầm cập. Riêng té xe do đường trơn trượt, nháo nhào chụp ếch là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Tôi vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm không thể nào quên, đó là lần ngồi sau xe cậu em họ học cùng lớp, đang nắc nẻ cười anh lớp trên bị té, quần áo lấm lem thì bất ngờ... “ùm”, cả hai chị em cùng chiếc xe đạp bổ nhào xuống mương nước thủy lợi. Tôi ngồi sau nên dễ đứng dậy, riêng cậu em phần vì trùm kín áo mưa, phần bị xe đè lên người nên luống cuống, loay hoay mãi mới thò đầu lên được. Chưa xong, đến lượt tìm dép, bùn ngập sâu và đặc nên mãi cậu em mới mò được đôi dép Lào chìm trong làn nước đục... Với sự trợ giúp của các bạn đồng hành, chị em chúng tôi nhanh chóng lau rửa quần áo, sách vở và tiếp tục hành trình vào lớp với trang phục ướt từ đầu đến chân... Điều kiện khó khăn vậy nên việc trường chúng tôi không bắt buộc đồng phục áo dài như nhiều trường khác ở thành thị là điều dễ hiểu.

Vất vả là thế nhưng sĩ số lớp học cuối năm vẫn gần như không giảm, chúng tôi đã cùng nhau đi qua những năm tháng học phổ thông như thế. Thời gian dần trôi và chúng tôi nhiều người giờ đã hai thứ tóc, có người thành đạt, khá giả, cũng có người cuộc sống giản dị, bình thường, có điều đa số đều tử tế. Mỗi lần gặp nhau lại tay bắt mặt mừng, ôn lại chuyện xưa không dứt. Quá khứ nghèo khó nhưng đáng trân trọng, tự hào.

Giờ đã không còn trẻ nữa nhưng tình yêu với áo dài thì vẫn mãi mãi vẹn nguyên trong tôi. Đó cũng là lý do tôi luôn mặc áo dài mỗi khi có dịp, có lẽ vì quá yêu và cũng là cách để bù lại những thiếu thốn, thỏa được ước mơ của thời thơ trẻ... Trong tủ đồ của tôi luôn dành vị trí ưu tiên để treo những chiếc áo dài và trong hành trang mỗi chuyến công tác, du lịch luôn luôn có chiếc áo dài để mặc bất cứ lúc nào thấy phù hợp.

Nếu có dịp ra Hà Nội, dạo cảnh Hồ Gươm tôi không quên khoác lên mình chiếc áo dài để lại được thướt tha, dịu dàng giữa khung cảnh nên thơ của một buổi chiều Hà thành miên man nỗi nhớ và đong đầy yêu thương. Rồi, khi đến với cố đô Huế mộng mơ, làm sao có thể rời mắt trước tà áo dài tím duyên dáng phối cùng chiếc nón bài thơ ai mang đi ngang qua cửa thành nội? Gần hơn, trong một chiều phương Nam lộng gió, hãy thử một lần mặc áo dài cùng nhau dạo bước bên bờ sông Đồng Nai, bạn cùng tôi sẽ cảm nhận đầy đủ hơn sự mềm mại, mượt mà, vẻ đẹp dịu dàng của người con gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất phương Nam hoặc chọn phương Nam làm quê hương thứ hai để gắn bó, yêu thương…

Áo dài cứ thế duyên dáng đi về trên muôn nẻo. Ấy là khi ai đó ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tinh khôi của những tà áo trắng nữ sinh “như mây xuống phố” sau mỗi giờ tan học. Là khi các bà, các cô, các chị, các em thướt tha trong những tà áo dài đa sắc cùng vui trẩy hội hay đến công sở, càng tôn thêm nét đẹp mặn mà của người phụ nữ Việt Nam.

Trong tâm thức người Việt, áo dài mặc nhiên được xem là quốc phục, là tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc và mãi được trân trọng, trao truyền qua bao thế hệ. Chính vì vậy trong bất cứ lễ nghi quan trọng nào cũng đều có sự hiện diện của áo dài. Áo dài vào lớp, áo dài đến công sở, áo dài đi lễ hội, áo dài cũng là trang phục hầu hết chị em chọn mặc trong lễ ra mắt trang trọng trước bàn thờ gia tiên ngày đầu về nhà chồng… Áo dài là một phần không thể thiếu làm đẹp thêm tâm hồn và cốt cách văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam.

Mãi mãi một tình yêu, áo dài!

Thanh An

 

Tin xem nhiều