Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều dự án lớn 'ngóng' nhà đầu tư

08:11, 24/11/2022

Đồng Nai quy hoạch nhiều dự án lớn trên các lĩnh vực và đang mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các dự án đang mời gọi đầu tư có tổng vốn hơn 10 tỷ USD đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030.

Đồng Nai quy hoạch nhiều dự án lớn trên các lĩnh vực và đang mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các dự án đang mời gọi đầu tư có tổng vốn hơn 10 tỷ USD đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030.

Huyện Vĩnh Cửu có nhiều hồ đẹp đang mời gọi đầu tư phát triển du lịch. Ảnh: H.Giang
Huyện Vĩnh Cửu có nhiều hồ đẹp đang mời gọi đầu tư phát triển du lịch. Ảnh: H.Giang

Dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành địa phương có kinh tế phát triển thứ 3 trên cả nước. Nguyên nhân là do Đồng Nai đóng vai trò trung tâm kết nối giao thông với các vùng kinh tế, nguồn nguyên liệu, nhân lực dồi dào như: Tây nguyên,  Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ là điểm đến của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước.

* Những dự án cần vốn “khủng”

Hiện nay, Chính phủ và tỉnh đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng cấp quốc gia tại Đồng Nai như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các đường cao tốc: Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương; Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường vành đai 3-TP.HCM và Đường vành đai 4 - TP.HCM.

Trong danh mục những dự án mời gọi đầu tư FDI giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai có 5 dự án gọi vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD. Các dự án này đa số thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh và những vùng lân cận, gồm các dự án: Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng có vốn đầu tư gần 2,98 tỷ USD; Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu vốn đầu tư 2,47 tỷ USD; Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành có vốn đầu tư 174 triệu USD; Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú) vốn đầu tư 268 triệu USD; Hệ thống cấp nước và xử lý chất thải TP.Long Khánh có vốn đầu tư 127 triệu USD.

UBND tỉnh đưa ra danh mục hàng chục dự án “khủng” để mời gọi nhà đầu tư. Đơn cử, lĩnh vực du lịch có 6 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, còn hàng chục dự án về hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị, nhà ở xã hội, thương mại dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn vài tỷ USD.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT Đoàn Thị Ngọc Vân nhấn mạnh: “Đồng Nai là điểm đến đầu tư lý tưởng giai đoạn hậu Covid-19 với DN trong nước, FDI vì tỉnh có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nền tảng kinh tế vững chắc, môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn. Tới đây, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, từ Đồng Nai đến các trung tâm tài chính, sản xuất hàng đầu của khu vực chỉ trong vòng 2 giờ bay. Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam, có nhiều tập đoàn FDI đầu tư vào tỉnh rất thành công”.

Cũng theo bà Vân, Đồng Nai còn rất nhiều tiềm năng để DN đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, hạ tầng kỹ thuật và thương mại dịch vụ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ… đã thăm và làm việc với Đồng Nai để tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư các dự án. Hầu hết các DN có chung nhận định Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn.

Phó giám đốc Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM Jang Bok Sang cho hay: “DN Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai hơn 7,2 tỷ USD và khả năng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện nhiều DN Hàn Quốc đang tìm hiểu các dự án lớn thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn tỉnh để đăng ký triển khai dự án”.

* Tìm cách hấp thu dòng vốn

Mục tiêu của Đồng Nai trong những năm tới là huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gần 4,2 tỷ USD/năm, riêng nguồn vốn FDI hơn 1 tỷ USD/năm. Nếu một số vướng mắc liên quan đến thủ tục, đất đai, quy hoạch được tháo gỡ nhanh, tỉnh có thể thu hút vốn đầu tư trong nước, FDI vượt xa so với kế hoạch năm.

Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam Nguyễn Quốc Bảo cho biết: “Đồng Nai là địa bàn các DN rất quan tâm và muốn sở hữu quỹ đất lớn để triển khai các dự án bất động sản về nhà ở, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Do đó, tỉnh tạo điều kiện cho DN tiếp cận về đất đai, giải quyết thủ tục nhanh chóng thì sẽ có nhiều DN sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện các dự án tại Đồng Nai”.

Nhiều dự án FDI đã đầu tư vào tỉnh cũng mong muốn những vướng mắc liên quan đến đất đai, quy hoạch được giải quyết nhanh để có thể giải ngân nguồn vốn đã đăng ký. Đơn cử như: Tập đoàn Amata đã chuẩn bị hơn 600 triệu USD để đầu tư 4 dự án tại H.Long Thành. Trong đó có 1 dự án hạ tầng kỹ thuật KCN công nghệ cao Long Thành và 3 dự án khu đô thị. Nếu những vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện nhanh thì nguồn vốn của nhà đầu tư sẽ giải ngân sớm. Các dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam Somhatai Panichewa, KCN công nghệ cao Long Thành sớm hoàn thành hạ tầng có thể thu hút nhiều DN FDI khác đến thuê đất làm nhà xưởng sản xuất. Thời gian qua, có nhiều DN FDI đến tìm hiểu và dự kiến sẽ đầu tư vào KCN và dòng vốn thu hút được có thể trên 2 tỷ USD.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành Lê Văn Kiểm đã đề xuất Chính phủ đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho những dự án hạ tầng KCN. Đồng Nai diện tích đất công nghiệp cho thuê còn rất ít, công ty muốn tham gia đầu tư một số dự án hạ tầng kỹ thuật KCN nhưng quá trình thực hiện các thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Thủ tục hành chính kéo dài sẽ làm mất đi nhiều cơ hội trong thu hút vốn FDI vì nhiều DN không thể chờ đợi thời gian thuê đất quá lâu.

Ngoài ra, Đồng Nai đang quy hoạch các dự án hỗ trợ cho sân bay quốc tế Long Thành như: sản xuất linh kiện, bảo trì, bảo dưỡng, dịch vụ hỗ trợ cho ngành hàng không. Các dự án logistics, sản xuất vật liệu mới là đầu vào cho chuỗi đầu vào sản xuất công nghiệp… và số vốn cho từng dự án lên đến hàng chục triệu USD.


Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Đồng Nai sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực theo quy định pháp luật. Tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án hạ tầng giao thông để kết nối vùng, giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất cho DN để dự án đầu tư đạt hiệu quả cao. Quy hoạch các dự án trên địa bàn cũng được tỉnh công khai để mời gọi những tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính đăng ký thực hiện. DN thực hiện dự án tại Đồng Nai sẽ được hướng dẫn, giải quyết kịp thời. Tỉnh giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các KCN Đồng Nai làm đầu mối nắm bắt, xử lý những vướng mắc của dự án trong KCN, dự án ngoài KCN do Sở KH-ĐT giải quyết.

Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM MADAN MOHAN SETHI: Hàng trăm DN Ấn Độ sẽ đến Đồng Nai

Hiện nay, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ đang tiến hành kết nối với Đồng Nai để mở rộng giao thương và đầu tư. Dự kiến đầu năm 2023, sẽ có gần 300 DN Ấn Độ đến Việt Nam, trong đó có Đồng Nai, để tìm cơ hội hợp tác và đầu tư. Đồng Nai là nơi nhiều DN Ấn Độ đang rất quan tâm và muốn đầu tư vào một số lĩnh vực như: cơ khí chế tạo, hóa chất, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, y tế và giáo dục. Dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, DN Ấn Độ di chuyển đến Đồng Nai chỉ trong vài tiếng. Do đó, đây là cơ hội để DN Ấn Độ đầu tư vào Đồng Nai, khai thác những tiềm năng của tỉnh.

Khánh Minh (ghi)


Hương Giang

Tin xem nhiều