Báo Đồng Nai điện tử
En

Có khởi sắc nhưng chưa hết khó khăn

03:11, 21/11/2022

Sau 10 tháng của năm 2022, Đồng Nai là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với tỉnh trong việc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2022.

Sau 10 tháng của năm 2022, Đồng Nai là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với tỉnh trong việc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2022.

Thi công dự án Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) - một trong các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
Thi công dự án Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) - một trong các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh :P.Tùng

Tăng tốc giải ngân nguồn vốn

Năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh sau điều chỉnh là hơn 13,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là gần 4,2 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 9,4 ngàn tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính về ước thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 sau 10 tháng, trong 6 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cao thứ 2 sau tỉnh Tây Ninh.

Theo số liệu về thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách ước đến cuối tháng 10-2022 vừa được Bộ Tài chính báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, tính tới hết tháng 9, nguồn vốn đầu tư công mà Đồng Nai đã thanh toán là hơn 6,8 ngàn tỷ đồng, đạt gần 50% tổng nguồn vốn. Đồng thời, ước tính hết tháng 10-2022, số vốn đầu tư công mà Đồng Nai đã thanh toán là hơn 7,9 ngàn tỷ đồng, đạt gần 58% tổng nguồn vốn.

Đối chiếu với mức bình quân chung về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của cả nước là hơn 46%, Đồng Nai là một trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cao hơn bình quân chung của cả nước sau 10 tháng của năm 2022.

Một tín hiệu đáng mừng là trong tháng 10-2022, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng tốc đáng ghi nhận. Trong 9 tháng của năm 2022, nguồn vốn đầu tư công mà tỉnh đã thanh toán đạt hơn 6,8 ngàn tỷ đồng, đạt gần 50% tổng nguồn vốn đầu tư công. Đây là tỷ lệ được đánh giá là thấp khi mục tiêu đề ra là hết tháng 9-2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh phải đạt 60% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, trong tháng 10-2022, tỉnh đã thanh toán thêm khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, từ đó nâng cao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.

Theo Sở KH-ĐT, trong thời gian qua, để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức họp với các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư để đôn đốc tiến độ giải ngân nguồn vốn. Sau các cuộc họp này, UBND tỉnh đã có các chỉ đạo để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Cùng với đó, các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh và các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thách thức vẫn còn nhiều

Kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu giải ngân nguồn vốn trong năm 2022 không vì vậy mà bớt đi những thách thức.

Theo Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15-9-2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022. Có thể thấy, đây là những mục tiêu rất cao và đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn để đạt được, đặc biệt là việc phải hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn ngân sách địa phương.

Trên thực tế, tính đến hết tháng 9-2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt hơn 47%. Với quỹ thời gian ít ỏi còn lại của năm 2022, việc hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn ngân sách địa phương là thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh một số khó khăn, vướng mắc có tính chất “thâm căn” vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Phát biểu tại buổi giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh vào tháng 10-2022, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho rằng, việc hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn ngân sách địa phương theo như nghị quyết của Chính phủ là rất khó khăn.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.

Ông Dương Minh Tâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho rằng, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư chính là công tác giải phóng mặt bằng.

Tương tự, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, trong số các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, hiện nay có 9 dự án đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án này, do ảnh hưởng của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa hoàn thiện dẫn đến chậm trễ dự án và không thể giải ngân số vốn hơn 165 tỷ đồng.

Những năm trước đây, thời điểm cuối năm được xem là thời gian chạy nước rút trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Một phần nguyên nhân là do, sau quá trình triển khai các thủ tục, nhiều dự án sẽ thực hiện ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp, đồng thời thực hiện tạm ứng nguồn vốn theo các hợp đồng đã ký. Chính vì vậy, nguồn vốn giải ngân trong những tháng cuối năm thường tăng rất nhanh. Tuy nhiên, năm 2022, khi Nghị định số 99/2021/NĐ-CP (ngày
11-11-2021) quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công được áp dụng, tổng mức vốn tạm ứng trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư đảm bảo không vượt quá 30% giá trị hợp đồng (bao gồm cả dự phòng nếu có) cũng sẽ là một thách thức đối với việc hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Bởi với quy định mới, tổng mức vốn tạm ứng so với giá trị hợp đồng đã giảm đi 20% so với trước đây.

Phạm Tùng


Bà HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG, Phó chủ tịch HĐND tỉnh:

Rà soát lại tiến độ của từng dự án

Kiến nghị Sở KH-ĐT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh rà soát lại tiến độ thực hiện của từng dự án. Từ đó, đánh giá xem từng dự án vướng chỗ nào để phối hợp với các ngành, các địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Ông NGUYỄN KIM PHƯỚC, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh:

Nâng cao chất lượng các đơn vị làm hồ sơ dự án

Cần nâng cao chất lượng công tác khảo sát thực tế, không để việc điều chỉnh hồ sơ làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Có dự án HĐND tỉnh ký “chưa ráo mực” thì đã phải tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư do việc khảo sát thay đổi làm tăng chi phí bồi thường, tăng số hộ dân phải giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tăng chi phí xây lắp do khảo sát thiết kế chưa chính xác.

Để khắc phục tình trạng này, đề nghị cần nâng cao chất lượng các đơn vị làm hồ sơ dự án trước khi trình chủ trương đầu tư.

Quỳnh Nhi (ghi)


 

Tin xem nhiều