Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo di tích

05:11, 01/11/2022

Đồng Nai hiện có 65 di tích đã được xếp hạng và hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được địa phương quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đồng Nai hiện có 65 di tích đã được xếp hạng và hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được địa phương quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hạng mục cổng tam quan di tích miếu Tổ sư (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) khang trang sau khi được nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: L.Na
Hạng mục cổng tam quan di tích miếu Tổ sư (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) khang trang sau khi được nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, với số lượng di tích lớn, tỉnh đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi ngày càng có nhiều di tích xuống cấp. Nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di sản, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo di tích.

* Xây dựng lộ trình tu bổ, tôn tạo các di tích

Ngày 24-5-2021, Sở VH-TTDL ban hành Kế hoạch số 1186/KH-SVHTTDL về việc xây dựng danh mục và lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Để có cơ sở xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục và lộ trình tu bổ theo từng giai đoạn cụ thể, trong tháng 9-2022, Sở VH-TTDL phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng 65 di tích, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của đơn vị được phân cấp, ủy quyền trực tiếp quản lý di tích.

Từ khảo sát, Sở VH-TTDL đã ghi nhận nhiều di tích trên địa bàn xuống cấp. Có thể kể đến như: đình Dầu Giây, Nhà hội Bình Trước, đền thờ Nguyễn Tri Phương, Văn miếu Trấn Biên, nhà cổ Trần Ngọc Du… Hệ thống cột, kèo, mái của nhiều di tích đã bị sập. Chẳng hạn, tại di tích Nhà hội Bình Trước (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) hạng mục trần thạch cao khu nhà chính đã hư hỏng cần thay thế bằng trần gỗ; toàn bộ các con giao, con giống trang trí trên bờ mái đã mất, rơi bể, cần phục hồi theo nguyên trạng…

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương (TP.Biên Hòa) và đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (H.Tân Phú). Nguồn kinh phí thực hiện 2 di tích sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, di tích càng lớn tuổi, nguy cơ xuống cấp càng cao. Chính vì tính chất của di sản như vậy nên đòi hỏi phải xây dựng cơ sở pháp lý, tham mưu cho UBND tỉnh lộ trình trùng tu, tôn tạo di tích đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Để đánh giá chuẩn và chính xác phải có khảo sát, nhìn tổng quan đối với hệ thống các di tích xếp hạng. Các di tích phổ thông cũng cần phải được khảo sát, đánh giá để tiếp tục đưa vào lộ trình xếp hạng thời gian tới.

“Qua khảo sát, chúng tôi đánh giá hệ thống di tích của chúng ta đang đứng trước nguy cơ xuống cấp. Từ đề xuất của các địa phương, chúng tôi sẽ tính toán lộ trình trùng tu, tôn tạo di tích. Quan điểm của ngành VH-TTDL là ưu tiên trùng tu các di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia. Trong di tích cấp quốc gia, ưu tiên các di tích lịch sử cách mạng, sau đó mới tính toán đến các di tích kiến trúc nghệ thuật như đình, chùa, miếu. Trong khó khăn chung hiện nay về kinh phí, tất nhiên là có sự khuyến khích xã hội hóa” - ông Ân nói.

Cùng với hoạt động khảo sát, từ đầu năm 2022 đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã hoàn thành công tác kiểm kê văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống các dân tộc tại TP.Long Khánh và H.Xuân Lộc. Kiểm kê hiện vật các di tích: Văn miếu Trấn Biên, đình Hưng Phú, Phước Lư, Thành Hưng. Thực hiện lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh đình Định Quán (H.Định Quán) và di tích khảo cổ học Gò Me (H.Nhơn Trạch).

* Khuyến khích xã hội hóa

Thực hiện tâm nguyện của nhân dân trong tu bổ, tôn tạo hạng mục cổng tam quan miếu Tổ sư (chùa bà Thiên Hậu), tháng 7-2022, Ban Trị sự di tích đã tổ chức thi công công trình nâng cấp, sửa chữa cổng (do cổng của di tích nhỏ, thấp, xe ô tô ra - vào miếu rất khó khăn; cổng không trực diện với đường Huỳnh Văn Nghệ nên che khuất tầm nhìn của du khách khi tìm đến di tích) theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan. Sau gần 1 tháng thi công, công trình đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Đây là kinh phí được Ban Trị sự của di tích huy động từ đóng góp của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Trưởng ban Trị sự di tích miếu Tổ sư Trương Lâm Thủy phấn khởi cho hay: “Cổng tam quan hoàn thành trùng tu từ nguồn xã hội hóa đúng vào dịp di tích tổ chức lễ hội làm chay năm nay. Cổng hoàn toàn được thực hiện từ chất liệu đá xanh Bửu Long. Không chỉ xã hội hóa trùng tu cổng, nhiều năm qua chúng tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung tay đóng góp, tu bổ rất nhiều hạng mục trong di tích. Khi xã hội hóa, chúng tôi công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng. Hiện nay, miếu đã ngày càng khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân tại địa phương”.

Cùng với miếu Tổ sư, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo như: chùa Ông (TP.Biên Hòa); đình Xuân Hòa, chùa Xuân Lộc (TP.Long Khánh); miếu Quan Âm 116 (xã Phú Vinh, H.Định Quán)... Chỉ tính riêng di tích đình Phước Thiền (H.Nhơn Trạch), trong 2 năm 2021 và 2022 đã huy động từ nguồn kinh phí đóng góp gần 10 tỷ đồng của người dân và doanh nghiệp để tổ chức trùng tu nhiều hạng mục như: chánh điện, tiền điện và hậu đình.

Đánh giá cao công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích của các bang, hội, đình, chùa, miếu, phật tử…, ông Nguyễn Hồng Ân kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần cùng với Nhà nước giữ gìn và kéo dài tuổi thọ của di tích; bởi kéo dài tuổi thọ di tích càng lâu, giá trị trị di sản cha ông để lại sẽ càng vững bền và có cơ hội phát triển du lịch.

“Nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hóa. Nhà nước luôn tạo cơ chế, sự quản lý thông thoáng để giúp nhân dân gìn giữ và phát huy giá trị của di tích. Ngoài nguồn ngân sách đầu tư cho di tích, các di tích phổ thông như: đình, làng, thiết chế thờ cúng, tín ngưỡng dân gian đa phần là do ban quý tế thực hiện trùng tu bằng nguồn xã hội hóa. Trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn chế, xã hội hóa là cách làm hiệu quả. Không chỉ bảo tồn vốn di sản văn hóa mà vốn di sản này còn được đặt trong bối cảnh kinh tế để phát triển du lịch của tỉnh” - ông Ân nhấn mạnh.


Phó giám đốc Sở VH-TTDL NGUYỄN HỒNG ÂN: Năm 2023 rà soát lại toàn bộ các di tích phổ thông

Trong năm 2023, Sở VH-TTDL sẽ tiếp tục chỉ đạo Bảo tàng Đồng Nai rà soát một lần nữa toàn bộ các di tích phổ thông trên địa bàn tỉnh, sau đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ký quyết định công nhận di tích phổ thông. Một khi có quyết định công nhận, xem đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục lập hồ sơ xếp hạng di tích trong tương lai, nếu các di tích này đủ điều kiện, tiêu chí để xếp hạng. Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đến năm 2025 (theo quyết định cũ) và đến gần năm 2025 sẽ rà soát nhằm đưa vào lộ trình giai đoạn 2025-2030. Với việc trùng tu di tích phổ thông, trong luật cho phép khi các di tích ấy hội tụ đủ điều kiện, đủ thủ tục pháp lý.

Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu (chùa Ông, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) HUỲNH HỮU NGHĨA: Người dân chung tay trùng tu, tôn tạo di tích

Từ nhiều năm nay, mỗi đợt chùa Ông trùng tu, tôn tạo đều có sự tham gia tích cực của người dân địa phương. Bà con đã chung tay đóng góp, không chỉ mang đến diện mạo khang trang cho chùa mà còn giữ được nét kiến trúc, điêu khắc truyền thống vốn đã tồn tại hơn 300 năm. Ngoài các đợt trùng tu lớn, cứ 2 lần/năm, chúng tôi thực hiện công tác bảo quản, lau chùi, xử lý mối mọt các cấu kiện trong chìa. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí xã hội hóa do cộng đồng dân cư trong và ngoài tỉnh đóng góp, chúng tôi tổ chức lễ hội chùa Ông vào dịp đầu xuân mới. Đây là hoạt động thường niên để người dân và du khách thập phương đến hành hương, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Biên Hòa, hòa mình vào không khí của lễ hội.

My Ny (ghi)


Ly Na

Tin xem nhiều