Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an toàn cho các nhóm trẻ tư thục

03:11, 18/11/2022

Toàn tỉnh hiện có gần 900 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non tư thục độc lập (gọi tắt là nhóm trẻ) chủ yếu nhận trông giữ trẻ dưới 3 tuổi. Đây cũng là lứa tuổi mà các trường mẫu giáo, mầm non công lập và tư thục không nhận trông giữ, chăm sóc.

Toàn tỉnh hiện có gần 900 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non tư thục độc lập (gọi tắt là nhóm trẻ) chủ yếu nhận trông giữ trẻ dưới 3 tuổi. Đây cũng là lứa tuổi mà các trường mẫu giáo, mầm non công lập và tư thục không nhận trông giữ, chăm sóc.

Người trông trẻ Nhóm trẻ tư thục độc lập Ban Mai (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) phục vụ trẻ ăn bữa xế trước khi được cha mẹ đến đón
Người trông trẻ Nhóm trẻ tư thục độc lập Ban Mai (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) phục vụ trẻ ăn bữa xế trước khi được cha mẹ đến đón. Ảnh: C.NGHĨA

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT một số địa phương, việc hình thành và phát triển các nhóm trẻ được xem là “cứu cánh” cho nhiều bà mẹ khi hết thời gian nghỉ thai sản trở lại với công việc. Tuy nhiên, để các nhóm trẻ này hoạt động hiệu quả, an toàn, rất cần được hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đầu tư cơ sở vật chất.

“Cứu cánh” cho công nhân

 Trong số gần 900 nhóm trẻ trên địa bàn tỉnh thì riêng TP.Biên Hòa chiếm gần một nửa với 435 nhóm. Theo quy định, các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình này không được vượt quá 70 trẻ/cơ sở, nhưng do nhu cầu lớn nên nhiều cơ sở đã nhận vượt quá số lượng trẻ quy định. Số giáo viên, nhân viên làm việc tại các nhóm trẻ hiện đã lên đến gần 6 ngàn người.

Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nhóm trẻ

Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ không chỉ với trẻ là con công nhân mà ngay cả chủ các nhóm trẻ đủ các điều kiện. Chẳng hạn như việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, trong đó mức hỗ trợ tối đa cho chủ sơ sở lên đến 30 triệu đồng. Hiện nay, Sở đang chỉ đạo các phòng GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ các nhóm trẻ về chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời nếu đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và giáo viên thì có thể nâng cấp thành trường để đảm bảo tốt hơn về chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, chủ nhóm trẻ Họa Mi (P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, cơ sở nhận trông giữ trẻ của gia đình chị được hình thành hơn 10 năm về trước, ban đầu chỉ có chưa đầy 10 trẻ là con của công nhân nhưng nay con số này đã tăng lên gần 10 lần. Gia đình chị đã đầu tư mua thêm đất và mở rộng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, phần đông là công nhân. Trẻ có độ tuổi từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, lứa tuổi mà các trường mầm non công lập và tư thục không nhận trông giữ, chăm sóc.

Mỗi tháng, phụ huynh gửi con ở nhóm trẻ của chị Ngọc đóng phí 1,5 triệu đồng. Mức phí này phù hợp với thu nhập của đại đa số công nhân. Mỗi lớp chỉ có từ 10-15 trẻ, mỗi ngày trẻ được ăn 3 bữa. Do độ tuổi của trẻ còn nhỏ nên mỗi lớp thường có 2 bảo mẫu trông giữ và chăm sóc.

Chị Vũ Thị Thảo Hương, công nhân Công ty THNH YKK Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) có con gửi tại nhóm trẻ Ban Mai (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, con của chị hiện mới 16 tháng tuổi, các trường mầm non công lập lẫn tư thục đều không nhận trẻ độ tuổi này nên chị đành phải gửi vào nhà nhóm trẻ. Để tìm được một cơ sở tương đối tốt gửi con, chị đã phải đi tìm hiểu và tham khảo khá nhiều nơi.

Chị Hương cho biết thêm: “Về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên, nhóm trẻ thường không thể bằng các trường công lập hay tư thục, nhưng không “kén” độ tuổi của trẻ. Chỉ cần trẻ biết ngồi, biết đi là có thể được nhận, hơn nữa mức phí thu tương đối phù hợp”.

Cần đảm bảo an toàn cho trẻ

Phần lớn các nhóm trẻ được hình thành ban đầu theo xu hướng tự phát. Có những cơ sở ban đầu chỉ có quy mô vài trẻ, nhận trông giữ trẻ của phụ huynh thân quen, sau đó phát triển lên với quy mô lớn hơn. Phần lớn các cơ sở này hiện nhận trông giữ, chăm sóc trẻ trong các công trình nhà ở cấp 4, hoặc nhà ở kiên cố cao tầng; đất đai xây dựng không phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục, diện tích khá khiêm tốn. Đây cũng là một trong những khó khăn khi nâng cấp các nhóm trẻ thành các trường tư thục.

Vì hoạt động trong công trình nhà ở thông thường nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt của trẻ thường không phù hợp, thậm chí là mất an toàn, nhất là nguy cơ cháy nổ. Có nhiều nhóm trẻ nằm sâu trong các con hẻm và cách xa đường chính, chỉ có xe máy hoặc xe ba gác có thể lưu thông, nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ thì các phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp gần như rất khó tiếp cận hiện trường.

 Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện có 168 nhóm trẻ có cơ sở vật chất chưa theo đúng quy định, chẳng hạn như: thiếu phòng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, phòng vệ sinh cho trẻ, sân chơi… Bên cạnh đó là các điều kiện về an toàn như: cửa sổ bảo vệ, lan can cầu thang, thiết bị điện, thiết bị phòng chống cháy nổ… Ngay cả đội ngũ những người nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ cũng là những vấn đề cần đáng lưu tâm. Hiện có đến một nửa số người làm việc trong các nhóm trẻ chưa được đóng bảo hiểm xã hội.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Trương Thủy Ngân chia sẻ, Đồng Nai là địa phương tập trung rất nhiều khu công nghiệp trọng điểm, dân nhập cư đông. Số trẻ mầm non trong độ tuổi ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu trường, lớp ngày càng nhiều. Đáp ứng nhu cầu huy động ra lớp, bên cạnh sự phát triển, mở rộng của mạng lưới trường lớp công lập, tư thục thì việc phát triển các nhóm trẻ là vô cùng cần thiết. Các cơ sở này giúp giảm bớt gánh nặng về việc huy động trẻ trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh, đặc biệt là con em công nhân tại các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động của các nhóm trẻ đang tồn tại nhiều bất cập và khó khăn. Bà Trương Thủy Ngân cho biết, nhiều cơ sở coi đây là nghề mưu sinh, vấn đề lợi nhuận là yếu tố quan trọng nên luôn thay đổi nhân sự, thiếu cập nhật kiến thức mới. Một số nhóm lớp hoạt động khi chưa có sự cho phép của địa phương nhưng vẫn tổ chức giữ trẻ mang tính gia đình. Việc quản lý chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên, nhân viên không được báo cáo thường xuyên với cơ quan chức năng...

Công Nghĩa


Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa VÕ VĂN MINH:

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở đảm bảo chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ

TP.Biên Hòa hiện có 435 nhóm trẻ tiếp nhận số lượng khá lớn con em công nhân từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi. Hiện hầu hết các cơ sở này đã được kiểm tra, đánh giá và cấp phép theo quy định. Trong quá trình hoạt động, Phòng tiếp tục hỗ trợ các cơ sở này đảm bảo tốt chăm sóc và giáo dục, đặc biệt là về chuyên môn cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ, đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỦY NGÂN:

Đảm bảo chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ

Đối với UBND phường, xã được giao quản lý trực tiếp các nhóm trẻ, cần tạo mọi điều kiện cho các cơ sở phát triển, đảm bảo tốt về mặt chất lượng chăm sóc và giáo dục. Bên cạnh đó, cán bộ trực tiếp được địa phương giao quản lý hoạt động của các cơ sở phải nắm rõ quy định, thường xuyên kiểm tra để tránh các sự cố, hoặc những rủi ro cho trẻ được chăm sóc và giáo dục tại các cơ sở này.


 

Tin xem nhiều