Báo Đồng Nai điện tử
En

Liệu có dễ tuyển dụng hơn?

02:10, 31/10/2022

Hàng loạt các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THPT trên địa bàn Đồng Nai đang tiến hành tuyển dụng viên chức phục vụ năm học 2022-2023. Ngoài tuyển dụng viên chức đối với vị trí giáo viên trực tiếp đứng lớp thì các cơ sở giáo dục còn tuyển nhiều vị trí nhân viên.

Hàng loạt các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THPT trên địa bàn Đồng Nai đang tiến hành tuyển dụng viên chức phục vụ năm học 2022-2023. Ngoài tuyển dụng viên chức đối với vị trí giáo viên trực tiếp đứng lớp thì các cơ sở giáo dục còn tuyển nhiều vị trí nhân viên.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy trên lớp
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy trên lớp. Ảnh: C.NGHĨA

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, nét mới của công tác tuyển dụng viên chức giáo dục năm học 2022-2023 là Sở GD-ĐT và UBND các huyện sẽ xét duyệt chỉ tiêu tuyển dụng sau đó giao cho các cơ sở giáo dục tự tuyển dụng thay vì Sở và UBND huyện các huyện tiến hành như trước.

Thay đổi phương thức tuyển dụng

Những năm trước, việc tuyển dụng viên chức cho các trường THPT công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên đều do Sở GD-ĐT là cơ quan chủ quản tiến hành. Còn đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập sẽ do UBND các địa phương lập hội đồng tuyển dụng, sau đó phân công về các trường khi có kết quả tuyển dụng. Như vậy, các cơ sở giáo dục chỉ có nhiệm vụ báo cáo số lượng cần tuyển dụng và tiếp nhận sau khi cấp trên phân bổ về. Do không được chủ động trong công tác tuyển dụng nên nhiều cơ sở giáo dục phải chờ đợi, thậm chí có những trường năm nào cũng đăng ký vị trí viên chức đang thiếu nhưng vẫn chưa được phân về vì khó tuyển dụng.

Cần tăng lương và phụ cấp cho giáo viên

Ngày 27-10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN cho rằng, muốn cải thiện được tình trạng thiếu giáo viên thì phải thực hiện tăng lương cho giáo viên, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Các địa phương khẩn trương tuyển giáo viên; cân nhắc việc giảm biên chế 10% đối với ngành GD-ĐT. Địa phương tăng ngân sách ký hợp đồng với các giáo viên không thuộc chỉ tiêu biên chế.

Năm học 2022-2023, 46 đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT là các trường THPT công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên cần tuyển dụng tới 217 vị trí viên chức giáo dục. Trong số 217 chỉ tiêu cần tuyển dụng này chỉ có 160 vị trí là giáo viên ở một số bộ môn, còn lại là 57 nhân viên như thiết bị, kế toán, y tế… Dù được giao quyền chủ động tuyển dụng nhưng theo một số trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở, việc tuyển dụng sẽ không dễ dàng, nhất là với những vị trí như nhân viên thiết bị trường học, y tế trường học, hay giáo viên thể dục… Nguyên nhân chính vẫn là thu nhập thấp nhưng áp lực công việc không hề nhỏ.

Sau khi được UBND TP.Biên Hòa phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng biên chế viên chức giáo dục năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục của địa bàn đang thực hiện thông báo tuyển dụng theo đúng hướng dẫn. Theo đó, toàn thành phố có 59 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập đang niêm yết thông báo tuyển dụng trên Cổng thông tin của Phòng GD-ĐT. Trong số này có 13 trường mầm non, 24 trường tiểu học và  22 trường THCS. Mỗi trường có nhu cầu tuyển dụng từ 1-5 viên chức, trong đó có giáo viên một số bộ môn, nhân viên thiết bị trường học, nhân viên kế toán và nhân viên y tế. Theo tìm hiểu, việc đăng thông tin tuyển dụng được nhà các trường thực hiện từ đầu tháng 10, thế nhưng đến nay nhiều trường vẫn chưa nhận được hồ sơ nào của các ứng viên.

Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình (P.An Bình, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thanh Nhã cho biết, đây là năm đầu tiên nhà trường được giao trực tiếp tuyển dụng viên chức bổ sung cho nguồn còn thiếu của trường. Số lượng được thành phố phê duyệt tuyển dụng là 1 giáo viên Tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học. Nhà trường đã có sự chủ động sớm trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Khi được giao quyền tuyển dụng, nhà trường sẽ thực hiện đúng theo quy trình tuyển dụng, đồng thời cố gắng tuyển được ứng viên chất lượng phục vụ công tác dạy và học.

Có đáp ứng như kỳ vọng?

Nhiều cơ sở giáo dục công lập tỏ ra phấn khởi khi được giao quyền trực tiếp tuyển dụng viên chức phục vụ việc dạy và học tại đơn vị mình. Tuy nhiên, việc có đạt được những kỳ vọng là đảm bảo tuyển đủ số lượng và chất lượng tuyển dụng hay không lại là vấn đề không hề dễ dàng. Theo ban giám hiệu nhiều trường, việc tuyển dụng viên chức giáo dục ngày càng khó vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính vẫn là chế độ đãi ngộ. Thêm vào đó, nhiều trường sư phạm có số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường hằng năm hạn chế, nhất là với những ngành như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục.

Theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, T.Biên Hòa), hiện nay nhà trường đang thông báo công khai trên nhiều phương tiện thông tin để tuyển dụng 3 vị trí là giáo viên Thể dục, Âm nhạc và Mỹ thuật. Việc thông báo tuyển dụng được thực hiện từ đầu tháng 10 đến nay nhưng nhà trường vẫn chưa nhận được bất cứ một bộ hồ sơ nào của các ứng viên. Đây cũng là những vị trí khó tuyển vì số lượng sinh viên được đào tạo hằng năm ra trường không nhiều, mặt khác chế độ thu hút lại chưa được hấp dẫn. Nếu ứng viên trúng tuyển, mức thu nhập khởi điểm bao gồm lương và phụ cấp đứng lớp thì cũng chỉ hơn 3,5 triệu đồng/tháng, sau 2 năm mới được tăng lương một lần.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) Hoàng Thị Ngọc cho biết, vì lương thấp nên 3 nhân viên thư viện, y tế, kế toán của trường đã xin nghỉ việc. Nhà trường đã cố gắng động viên những nhân viên này ở lại tiếp tục làm việc nhưng rất khó. Hiện nay nhà trường đang thông báo tuyển dụng bổ sung nhân viên kế toán và nhân viên thư viện song  việc tuyển dụng chắc chắn sẽ khó khăn.

Thời gian qua, cùng với ngành Y tế, ngành GD-ĐT đã chứng kiến hiện tượng viên chức giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập nghỉ việc. Nguyên nhân chính được cho là chế độ đãi ngộ không đủ trang trải cuộc sống. Ngoài một số lượng viên chức nghỉ việc để chuyển sang những ngành nghề khác thì còn một bộ phận viên chức chuyển sang các trường tư thục với điều kiện đãi ngộ tốt hơn. Đây thực sự là một nỗi lo của các trường trong việc tiếp tục “giữ chân” viên chức giáo dục yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị.

Chị Vũ Thị Hải Hà, giáo viên một trường công lập mới chuyển công tác sang một trường tư thục tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non, làm việc 2 năm ở trường công lập nhưng thu nhập nhận được mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng. Trong thời buổi giá cả mọi thứ đều tăng thì thu nhập đó khó có thể đảm bảo đủ đời sống tối thiểu, thậm chí có những công việc giản đơn, nhàn hơn thu nhập còn được trả cao hơn”. Nói về mức lương mới được nhận ở một trường tư thục, chị Hà cho biết: “Thu nhập khởi điểm tôi nhận được là trên 7 triệu đồng/tháng, điều kiện làm việc khá tốt”.

Công Nghĩa


Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Tạo thuận lợi cho các trường tuyển đủ giáo viên

Ngành GD-ĐT đang kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục ưu tiên biên chế cho ngành GD-ĐT, đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp khi số lượng học sinh của tỉnh hằng năm đều tăng.

Việc thay đổi hình thức tuyển dụng, thay vì các đơn vị chủ quản tổ chức tuyển dụng, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện giao toàn quyền cho các trường tự tuyển dụng và cấp trên chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn đảm bảo quy trình tuyển dụng phải đúng, chuẩn.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa VÕ VĂN MINH:

Khó khăn trong tuyển dụng

Hằng năm, toàn TP.Biên Hòa vẫn cần tuyển dụng nguồn viên chức giáo dục cho các trường trên địa bàn rất lớn. Tuy nhiên những những khó khăn trong tuyển dụng viên chức giáo dục chưa dừng lại, đặc biệt là ở những môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, hay nhân viên thiết bị trường học và nhân viên y tế…

Chừng nào những khó khăn về chế độ chính sách chưa được giải quyết triệt để thì khó khăn trên chắc chắn vẫn còn kéo dài.        

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều