Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ hoàng rực rỡ

10:05, 19/05/2022

Đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, sáng sớm 19-5, điền kinh Việt Nam đã ngoạn mục giành 3 HCV trong 4 nội dung cuối cùng và cũng là gian khó, thử thách nhất của môn thể thao "Nữ hoàng" tại SEA Games (SG) 31.

Đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, sáng sớm 19-5, điền kinh Việt Nam đã ngoạn mục giành 3 HCV trong 4 nội dung cuối cùng và cũng là gian khó, thử thách nhất của môn thể thao “Nữ hoàng” tại SEA Games (SG) 31.

Con gái và đội tiếp sức 4x400m nữ mừng tấm HCV SEA Games thứ 10 của Nguyễn Thị Huyền
Con gái và đội tiếp sức 4x400m nữ mừng tấm HCV SEA Games thứ 10 của Nguyễn Thị Huyền

Đặc biệt, chân chạy Bình Phước, “vua leo núi Bà Rá” 27 tuổi Hoàng Nguyên Thanh đã gây cơn địa chấn khi mang về tấm HCV marathon nam (42,195km) đầu tiên trong lịch sử (trước đây mới chỉ là HCV nữ của Phạm Thị Bình ở SEA Games 2013 và HCB nam Nguyễn Chí Đông tại SEA Games 2003). Tiếp đó, Võ Xuân Vĩnh và Thanh Phúc cũng về nhất nội dung đi bộ 20km nam, 10km nữ.

Điền kinh Việt Nam kết thúc một kỳ SG đại thắng huy hoàng, không chỉ lần thứ 3 liên tiếp thống trị toàn đoàn mà còn lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với tổng cộng 45 huy chương, với cột mốc 22 HCV/47 nội dung (cùng 15 HCB, 8 HCĐ), bỏ xa Thái Lan gần gấp đôi số HCV, dù chỉ đặt mục tiêu giành từ 15-17 HCV.

* Những tượng đài vô đối

Là người “mở hàng” ngay ngày thi đấu đầu tiên, Nguyễn Thị Oanh không chỉ xuất sắc bảo vệ 3 HCV cá nhân 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật mà còn kỳ SG thứ 2 liên tiếp lập kỷ lục mới ở nội dung cuối cùng. Đáng nói, cô gái nhỏ nhắn 27 tuổi này vẫn không có đối thủ trên đường chạy, hoàn toàn có thể nối dài con số 8 HCV tại SG 2023.

Tương tự là bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền. Rơi HCV 400m rào về tay Quách Thị Lan nhưng Nguyễn Thị Huyền vẫn là số 1 ở nội dung 400m, đồng thời cùng đồng đội có cú đúp tiếp sức 4x400m nữ để bổ sung bộ sưu tập tấm HCV SG thứ 10.

Không có nhà ĐKVĐ Thái Lan Tuntivate, dù ở tuổi 36 Nguyễn Văn Lai vẫn dễ dàng trở lại thống trị trên đường chạy 5.000m và 10.000m để có tấm HCV SG thứ 5 trong lần thi đấu cuối cùng.

Có những nội dung đổi chủ so với SG30 nhưng HCV vẫn thuộc về VĐV Việt Nam. Ngoài 400m rào nữ Quách Thị Lan thay Nguyễn Thị Huyền còn có: 1.500m nam (Lương Đức Phước/Dương Văn Thái), 800m nữ (Khuất Phương Anh/Đinh Thị Bích), 3.000m vượt chướng ngại vật nam (Lê Tiến Long/Đỗ Quốc Luật), 10.000m nữ (Phạm Thị Hồng Lệ/Phạm Thị Huệ) và nhảy xa nữ (Vũ Thị Ngọc Hà/Bùi Thị Thu Thảo (HCB Asiad). Ngoài ra, có đến 8 nội dung mà cả người về nhất và nhì đều thuộc về VĐV Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng của điền kinh Việt Nam rất dồi dào, các tượng đài vẫn còn đó nhưng đội ngũ hậu bị đã sẵn sàng thay thế.

* Mất 5, bù… 9

So với 16 HCV tại SG30 ở Philippines, trên sân nhà, điền kinh Việt Nam mất 5 tấm HCV: 100m nữ do nữ hoàng tốc độ Tú Chinh chấn thương, 800m nam vì không còn Dương Văn Thái và sự sa sút của Trần Nhật Hoàng khiến anh không thể bảo vệ được HCV cá nhân 400m (chỉ về thứ 5/8) và làm đội tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam, nữ và 4x400m nam mất HCV về tay Thái Lan.

Tuy nhiên, các nhân tố mới đã nổi lên bù lại gần gấp đôi. Sau tượng đài Vũ Bích Hường và 5 năm sau Trần Thị Yến Hoa, tấm HCV 100m rào nữ mới trở lại với Việt Nam. Đáng nói, Bùi Thị Nguyên chỉ là vai phụ cho Mỹ Tiên nhưng đã xuất thần về đầu trong khi kép chính lại về chót. Kỷ lục SG 13”6 của Bích Hường từ Brunei 1999 vẫn sừng sững nhưng Bùi Thị Nguyên mới 21 tuổi, tương lai phía trước còn rất dài. Nhưng bất ngờ nhất là tấm HCV và phá KLQG 7 môn phối hợp nữ sau 17 năm của cô gái Mường Nguyễn Linh Na.

Ngoài ra, đây còn là kỳ SG mà điền kinh Việt Nam đại thắng ở các nội dung nhảy, ném, đẩy với 5 HCV mới: Nguyễn Hoài Văn (ném lao), Phan Thị Diễm (nhảy cao), Nguyễn Tiến Trọng, Vũ Thị Ngọc Hà (nhảy xa nam, nữ); đặc biệt là sau 10 năm tập luyện, cô gái dân tộc Thái Lò Thị Hoàng đổi màu bạc thành vàng với cú ném xuất thần 56,37m, phá kỷ lục SG do VĐV Thái Lan nắm giữ suốt 15 năm qua.

Đông Kha

Tin xem nhiều