Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhộn nhịp bến cá Phú Cường

08:02, 03/02/2023

Hàng năm, cứ vào khoảng mùng 6 Tết, bến cá Phú Cường ở hồ Trị An (thuộc địa phận xã Phú Cường, H.Định Quán) bắt đầu hoạt động trở lại sau nhiều ngày nghỉ "xả hơi" để người dân vui Xuân, đón Tết.

Hàng năm, cứ vào khoảng mùng 6 Tết, bến cá Phú Cường ở hồ Trị An (thuộc địa phận xã Phú Cường, H.Định Quán) bắt đầu hoạt động trở lại sau nhiều ngày nghỉ “xả hơi” để người dân vui Xuân, đón Tết.

Ngư dân thu gom cá đem bán cho chủ vựa ở bến cá Phú Cường (H.Định Quán). Ảnh: T.Nhân
Ngư dân thu gom cá đem bán cho chủ vựa ở bến cá Phú Cường (H.Định Quán). Ảnh: T.Nhân

Cảnh kẻ bán, người mua tại bến cá diễn ra khá nhộn nhịp. Tâm trạng ai cũng phấn khởi niềm vui với hy vọng một năm mới “được mùa, được giá”.

* Rộn ràng kẻ bán, người mua

Vào những ngày cuối tháng 1-2023, vào tầm 4 giờ, tại bến cá Phú Cường nhiệt độ xuống thấp, thỉnh thoảng có cơn gió ngoài lòng hồ Trị An thổi vào người tạo cảm giác se lạnh. Bầu trời lúc này vẫn còn tối mịt nhưng hàng chục tiểu thương từ nhiều nơi đã có mặt ở đây để chờ đợi thu mua cá. Các chị em tiểu thương tranh thủ thời gian ghe cá chưa cập bến ngồi tụm ba, tụm năm “tám chuyện” du xuân, còn đàn ông vào quán uống cà phê.

Tiểu thương Phan Thị Hương (ngụ TT.Định Quán, H.Định Quán) bộc bạch: “Vợ chồng tôi chạy xe từ nhà đến đây từ 3 giờ để đợi mua cá cho kịp buổi họp chợ sớm. Chúng tôi phải đi sớm để có thời gian lựa được nhiều cá tươi sống, còn đi muộn sẽ không chọn được loại ưng ý, thậm chí không còn cá để mua”.

Lúc này, trên các sạp của chủ vựa cá cũng đã bật đèn điện sáng trưng, các dụng cụ: sọt, thùng xốp, đá ướp lạnh… đã chuẩn bị sẵn sàng để đựng cá. Chủ vựa cá Nguyễn Văn Oanh cho biết, gia đình ông đã mở vựa cá hơn 20 năm và trở thành vựa cá lớn nhất hiện nay tại bến cá Phú Cường. Ông đã thu mua cá các loại của bà con ngư dân trong vùng và xuất ra thị trường khoảng 800kg/ngày. Ngoài bán trực tiếp cho thương lái, ông còn xuất bán tại chợ đầu mối Bình Điền
(TP.HCM).

“Ngoài thu mua cá với mức giá ổn định cho bà con ngư dân, tôi còn tạo công ăn việc làm cho 12 lao động tại địa phương. Tùy theo tính chất công việc nặng, nhẹ mà tôi trả mức lương tháng cho mỗi người từ 9 triệu đồng trở lên. Công việc hàng ngày của họ là khuân vác, xẻ cá phơi khô hoặc làm chả cá… Mùa này sản lượng cá tương đối dồi dào, giúp công ăn việc làm của bà con cũng đảm bảo” - ông Oanh tâm sự.

Thông thường vào 5 giờ, tại bến cá Phú Cường, mặt trời bắt đầu nhô lên khiến bầu trời trở nên ửng hồng ở phía đằng đông. Các ghe xuồng đánh bắt cá của ngư dân lũ lượt kéo nhau vào bến. Những sọt cá tươi sống nặng trĩu được khiêng lên bờ và ngay lập tức được các chủ vựa đưa lên bàn cân, thu mua ngay tại chỗ cho ngư dân. Lúc này, các tiểu thương chen nhau vào các đống cá để lựa chọn những mẻ cá tươi ngon nhất. Bến cá bắt đầu cảnh kẻ bán, người mua diễn ra khá rộn ràng, náo nhiệt.

Anh Nguyễn Văn Thơ (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) cho hay, gia đình anh gắn bó với nghề đánh bắt cá rô phi đã hơn 15 năm nay. Hàng ngày, vợ chồng anh chèo thuyền ra hồ Trị An thả lưới từ lúc 19 giờ đêm, sau đó tìm nơi nghỉ ngơi và đợi đến 2 giờ sáng hôm sau bắt đầu đi thu gom lưới bắt cá cho kịp giờ mang đến bến cá Phú Cường bán cho chủ vựa. Hôm nào 2 vợ chồng bắt nhiều cá (từ 200-300kg cá) thì kiếm được hơn 1 triệu đồng, còn hôm bắt được ít cũng kiếm được 400-500 ngàn đồng.

“Hồi trước, cá rô phi ở hồ Trị An rất nhiều, nhưng sản lượng đã giảm dần trong những năm gần đây. Nhiều đối tượng đã sử dụng ghe ủi dồn gắn điện để đánh bắt, khiến cho cá không kịp sinh sản, phát triển. Tuy nhiên, các ngư cụ ghe ủi dồn đã bị cấm hoạt động. Nhờ có sự can thiệp của cơ quan chức năng đã giúp cho chúng tôi yên tâm để tiếp tục gắn bó với nghề” - anh Thơ chia sẻ. 

Ngư dân Bùi Ngọc Hậu (chuyên đánh bắt cá cơm) tâm sự: “Nghề đánh bắt cá cơm ở hồ Trị An trong những năm gần đây cũng gặp nhiều bấp bênh, nhất là những đêm trăng sáng thì việc đánh bắt cá sẽ ít hơn. Tuy nhiên, thời tiết mấy ngày hôm nay thuận lợi, giúp cho ngư dân đánh bắt nhiều cá cơm. Bà con ngư dân hy vọng bước sang năm mới công việc làm ăn sẽ được “thuận buồm xuôi gió” hơn”.

Bến cá Phú Cường lúc sớm mai chủ yếu tập trung các loại cá nhỏ như: cá cơm, cá kìm, cá bống cát, tép. Ngoài ra, còn có một số loài cá lớn hơn gồm: rô phi, mè vinh… Giá cá đang ở mức ổn định. Cụ thể, giá cá cơm đang ở mức từ 12-14 ngàn đồng/kg (tùy theo loại lớn, nhỏ); cá kìm 60-70 ngàn đồng/kg; cá bống 50-60 ngàn đồng/kg; cá mè vinh 12-15 ngàn đồng/kg; tép 120 ngàn đồng/kg…

Hàng ngày, cứ vào khoảng 6 giờ sáng, các ghe xuồng vào bến cá bắt đầu thưa dần. Đến 7 giờ, bến cá ngưng hoạt động, các tiểu thương tất bật xếp những thùng cá lên các xe máy, ba gác, xe tải rồi chở đi đến các chợ trong tỉnh để bán cho người tiêu dùng. Bến cá tạm ngưng cho đến trưa mới hoạt động trở lại.

* Bến cá di động theo con nước

Ông Nguyễn Văn Tuấn, kiểm lâm viên Tổ Kiểm lâm cơ động hồ Trị An (Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cho biết, hiện trên hồ Trị An có 4 bến cá lớn (còn gọi là chợ cá) gồm: bến cá Phú Cường; bến cá ở KP.1, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu); bến cá ở Đồi Cá và bến cá tại cầu La Ngà (thuộc xã La Ngà. H.Định Quán). Ngoài ra, trên hồ còn có khoảng 10 bến cá nhỏ lẻ khác. Nguồn thủy sản ở hồ Trị An được ngư dân đánh bắt với tổng sản lượng ước tính trên 156 ngàn tấn/năm. Tôm, cá ngư dân đánh bắt sẽ được các chủ vựa thu mua rồi đưa đi tiêu thụ tại các chợ trong và ngoài tỉnh.

Những sọt cá tươi sống nặng trĩu được khiêng lên bờ để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: T.Nhân
Những sọt cá tươi sống nặng trĩu được khiêng lên bờ để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: T.Nhân

Cũng theo ông Tuấn, tất cả những chợ cá bên hồ đều tự phát. Ban đầu, nơi đây chỉ là điểm hẹn và trao đổi mua bán cá giữa ngư dân và tiểu thương. Sau đó, thấy địa điểm đó phù hợp nên nhiều người đã tập trung đến mua, bán thêm nhiều mặt hàng khác như: gạo, cà phê, nước giải khát…, lâu dần hình thành nên chợ và duy trì ổn định cho đến bây giờ. Nhờ các bến cá đã giúp cho việc làm ăn, buôn bán của người dân được thuận lợi, cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Riêng bến cá Phú Cường có quy mô lớn nhất ở hồ Trị An. Hiện bến cá có khoảng 8 chủ vựa chuyên thu mua cá, tôm do bà con ngư dân đánh bắt được. Đây là chợ di động, các sạp của chủ vựa đều gắn bánh xe bơm hơi, khi nước lớn thì chợ được dựng ở nơi cao ráo gần khu dân cư, còn nước rút cạn thì chợ cũng di dời theo xuống tận bờ hồ. Việc di dời chợ theo con nước nhằm giúp ngư dân vận chuyển cá vào bờ thuận lợi, kịp thời, để cung cấp cá tươi ngon cho người tiêu dùng mà không bị chết ươn.

Bến cá Phú Cường vào ngày bình thường được tổ chức họp chợ theo 2 khung giờ/ngày. Cụ thể, bến cá bắt đầu hoạt động từ 3 giờ cho đến khoảng 8 giờ sáng cho khung giờ 1 và chủ yếu dành cho các ghe xuồng đánh bắt cá vào ban đêm. Sau đó, bến cá sẽ tạm ngưng cho đến khoảng 10 giờ trưa thì bắt đầu hoạt động cho khung giờ 2 (thời gian kéo dài khoảng 3 giờ) và chủ yếu dành cho các ghe xuồng thả lưới đánh bắt cá vào ban ngày.

Tuy nhiên, bến cá Phú Cường sẽ họp chợ nguyên ngày vào mùa cao điểm (khoảng từ tháng 4 đến tháng 7), vì mực nước lúc này rút cạn, ngư dân tập trung đánh bắt cá nhiều. Các chủ vựa ở đây đều bao tiêu sản phẩm nên ngư dân có bao nhiêu cá, tôm đều được mua hết. “Hồ Trị An có đặc sản gì, cứ ra bến cá Phú Cường tìm là có hết. Nơi đây tập trung nhiều loại cá, từ cá tươi đến cá khô, thứ gì cũng có” - ông Tuấn cho hay.

Nhiều loài cá giá trị kinh tế cao

Hồ Trị An có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với hơn 100 loài cá lớn, nhỏ. Trong đó, nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như: lăng, leo, chép, lóc, trèn, kìm, bống cát, mè vinh, mè hoa, trạch... Ngoài ra, hồ còn có các loài cá quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam gồm: ét mọi, còm, trèn bầu, sơn đài, trà sóc, chiên, ngựa xám. Do nhu cầu tiêu thụ cá tươi sống ngày càng tăng của thị trường, nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang bị tác động mạnh do khai thác quá mức, sản lượng khai thác tự nhiên trong hồ có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Thành Nhân

Tin xem nhiều