Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai có hiệu quả hoạt động xét xử trực tuyến

07:12, 01/12/2022

TAND tỉnh vừa triển khai việc xét xử trực tuyến và bước đầu mang lại những thuận lợi nhất định trong công tác xét xử.

TAND tỉnh vừa triển khai việc xét xử trực tuyến và bước đầu mang lại những thuận lợi nhất định trong công tác xét xử.

Một bị cáo tham gia xét xử trực tuyến ở điểm cầu Trại tạm giam B5 (Công an tỉnh)
Một bị cáo tham gia xét xử trực tuyến ở điểm cầu Trại tạm giam B5 (Công an tỉnh). Ảnh: T.Tâm

Việc xét xử trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QHH15 ngày 12-11-2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Điều này không chỉ phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật mà còn giúp tiết kiệm được các chi phí xã hội.

* Tiện lợi khi xét xử trực tuyến

Để có thể đưa các vụ án ra xét xử trực tuyến, TAND tỉnh đã lắp đặt đầy đủ hệ thống máy móc, màn hình và đảm bảo đường truyền kết nối thuận lợi. Điều này không chỉ giúp công tác xét xử diễn ra an toàn mà còn hạn chế đến mức thấp nhất các chi phí trong quá trình xét xử.

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng internet và cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa tại điểm ngoài phòng xử án. Điểm tham gia phiên tòa sẽ do tòa án quyết định nhưng vẫn đảm bảo các quy định pháp luật trong một phiên xét xử.

Thời gian qua, TAND tỉnh xét xử được 5 vụ án thông qua hình thức trực tuyến. Theo ghi nhận, tại một phòng xử án của TAND tỉnh và phòng xử trong Trại tạm giam B5 Công an tỉnh đã lắp đặt đầy đủ hệ thống màn hình tivi, các thiết bị truyền dẫn để đảm bảo công tác xét xử trực tuyến được thực hiện đạt hiệu quả cao.

Theo đánh giá của TAND tỉnh, việc xét xử trực tuyến phù hợp với xu thế hiện nay để tiến tới xây dựng tòa án thông minh, tòa án điện tử. Việc tổ chức phiên tòa theo hình thức trực tuyến nhằm ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đáp ứng chủ trương, yêu cầu cải cách tư pháp.

Theo đó, trong các phiên tòa xét xử trực tuyến, các bị cáo sẽ không bị dẫn giải đến phiên tòa mà sẽ được bố trí một phòng xử ngay tại Trại tạm giam B5. Việc xét xử được kết nối qua các thiết bị trực tuyến.

Trong tất cả phiên tòa xét xử trực tuyến tại TAND tỉnh thời gian vừa qua cho thấy hình ảnh, âm thanh giữa 2 điểm cầu (TAND tỉnh và Trại tạm giam B5) đều rất rõ ràng, phiên tòa được diễn ra không khác biệt nhiều so với việc xét xử trực tiếp. Các phiên tòa đều được tiến hành suôn sẻ, thành công tốt đẹp.

Thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, Chánh Văn phòng TAND tỉnh cho hay, để đảm bảo hoạt động xét xử trực tuyến diễn ra thuận lợi, TAND tỉnh trong thời gian qua đã chuẩn bị rất chu đáo về các trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở 2 điểm cầu. Việc xét xử trực tuyến được thực hiện trang nghiêm, trật tự, đường truyền giữa các điểm cầu được đảm bảo ổn định, không bị ngắt quãng.

Một thẩm phán TAND tỉnh tham gia xét xử trực tuyến cho hay, việc xét xử trực tuyến bước đầu đạt được một số hiệu quả nhất định, giúp tiết kiệm về nhân lực, tài chính. Thời gian đầu triển khai, hội đồng xét xử hoặc những người liên quan, kiểm sát viên, luật sư đều phải đến tòa án, chỉ riêng bị cáo sẽ ở điểm cầu được đặt trong nơi giam giữ. Về lâu dài, khi hình thức xét xử trực tuyến được triển khai đồng bộ theo hệ thống từ trung ương đến địa phương thì TAND các cấp sẽ không cần di lý các bị cáo ở nơi khác về xét xử hoặc không cần triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… về hội trường xét xử mà sẽ được xử trực tuyến thông qua điểm cầu gần nhất đối với người được triệu tập.

Bà Trần Thị Kim Xuyến (ngụ H.Định Quán) cho biết, bà từng tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự của TAND tỉnh. Vì phiên tòa xét xử nhiều lần nên bà phải tốn nhiều công sức đi lại rất xa. Trong thời gian tới, nếu xây dựng được điểm cầu tại các huyện thì bà và những người được triệu tập có thể đến điểm cầu gần nhất tham gia xét xử. Chủ trương này theo bà Xuyến là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và cũng giảm một phần chi phí xét xử.

* Xét xử trực tuyến đối với vụ án đơn giản, rõ ràng

Thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng cho biết thêm, theo Nghị quyết 33/2021/QH15, TAND được tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đối với các vụ án sơ thẩm, phúc thẩm trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tính chất giản đơn; tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Trong đó, trừ các vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước, các vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Cũng theo thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, trong giai đoạn đầu, các phiên tòa xét xử hình sự theo hình thức trực tuyến sẽ chọn những vụ án có chứng cứ đã rõ ràng. Đối với vụ án hình sự phúc thẩm thì sẽ lựa chọn những vụ án bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, án cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường. Đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân - gia đình thì sẽ xét xử những vụ án có tình tiết pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì trên thực tế việc xét xử trực tuyến cũng gặp khó khăn cần khắc phục như: kinh phí đầu tư trang thiết bị, đường truyền còn hạn chế, chưa được thực hiện đồng bộ, hệ thống nên vẫn còn nhiều bất cập và có khả năng bị đánh cắp dữ liệu khi chưa có đường truyền riêng mang tính bảo mật.

Thời gian tới, theo chủ trương chung, TAND tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, nhân rộng hệ thống phòng xử, điểm cầu trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử. Điều này vừa đảm bảo an toàn cho phiên tòa, tiết kiệm được các chi phí trích xuất, dẫn giải, bảo vệ phiên tòa, vừa đảm bảo được thời gian xét xử trong các vụ án.

Tố Tâm

Tin xem nhiều